Tuổi 20 của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ và những bức ảnh có 'lửa'

Mỹ Hà 23/07/2022 09:39

(Baonghean.vn) - Ngày vào chiến trường, chàng thanh niên trẻ Phan Tứ Kỷ mang trong mình khát vọng và niềm tin về một ngày tất thắng. Chính vì thế, dẫu trong bom đạn, chiến tranh nhưng những bức ảnh anh chụp, những dòng thư anh viết vẫn toát lên tinh thần lạc quan và một sức sống mãnh liệt.

Ra đi ở độ tuổi đẹp nhất, tuổi ngoài 20, những bức ảnh của anh để lại cho đến nay vẫn sống, vẫn nguyên giá trị và để nhắc nhở mỗi người về những năm tháng chiến đấu anh hùng, những năm tháng không thể nào quên…

Người em nghĩa tình

Ngày 24/6 âm lịch năm nay là tròn 50 năm ngày liệt sỹ Phan Tứ Kỷ hy sinh. Lễ giỗ của anh tại nhà anh trai Phan Duy Hương (đường Phong Đình Cảng – thành phố Vinh) chưa năm nào thiếu những bông hoa huệ trắng muốt – gợi nhớ về sự tinh khiết, thanh cao và gợi nhớ về tuổi trẻ của một người thanh niên đã ngã xuống khi tuổi chỉ mới 24.

Ngày giỗ của anh năm nào cũng vậy, sát với ngày 27/7 – Ngày Thương binh - Liệt sỹ nên không khí lại càng trầm buồn hơn. Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua nhưng nỗi nhớ chưa bao giờ nguôi.

Liệt sỹ Phan Tứ Kỷ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Liệt sỹ Phan Tứ Kỷ (quê ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu). Ngày còn nhỏ, vì bố mẹ anh mất sớm nên gia đình anh 4 người con mỗi người phải lưu lạc một nơi, nương nhờ người thân. 10 tuổi, từ Quỳnh Đôi anh theo anh trai khi đó vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm vào Vinh để cùng sinh sống.

Sau này, anh trai anh là 1 trong 9 người đầu tiên được Tỉnh ủy lựa chọn để chuẩn bị cho việc thành lập Báo Nghệ An nên từ đó đến khi lên đường nhập ngũ, anh sống tại khu tập thể của tòa soạn và trở thành người em út "không chính thức" của đơn vị.

Kể về người em trai Phan Tứ Kỷ của mình, nhà báo Phan Duy Hương lúc nào cũng dành những tình cảm hết sức trìu mến. Trong ký ức của nhà báo Duy Hương, em út của mình là một người rất nhanh nhẹn, hòa đồng, “ở Tòa soạn ai nhờ gì cũng làm”. Có lẽ, lớn lên trong môi trường báo chí nên Phan Tứ Kỷ khi đó cũng rất thích viết, thích chụp ảnh và người mà liệt sỹ Tứ Kỷ hay trò chuyện nhất là nhà báo Duy Liêu, bởi ông là người duy nhất trong tòa soạn có máy ảnh.

Nhà báo Phan Duy Hương chia sẻ câu chuyện về người em trai của mình. Ảnh: Mỹ Hà

Học xong phổ thông, nhà báo Duy Hương xin cho em mình vào làm việc tại Ty Lâm nghiệp Nghệ An và có hơn 1 năm được điều lên đội điều tra rừng Tân Kỳ. Tuy nhiên, cũng nhờ biết hát, biết đàn lại có năng khiếu về viết lách nên sau đó anh lại được điều trở lại trụ sở Ty Lâm nghiệp và phụ trách mảng Đoàn của đơn vị.

Làm việc được một thời gian ngắn, năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phan Tứ Kỷ khi đó 20 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ và khi đi anh vẫn đang là biên chế của Ty Lâm nghiệp Nghệ An.

Những ngày sống và chiến đấu

Nhập ngũ từ năm 1968 cho đến khi hy sinh năm 1972, nhà báo Phan Duy Hương và liệt sỹ Phan Tứ Kỷ chỉ có duy nhất 1 lần gặp nhau vội vàng tại Bến xe Vinh. Kể về điều này, nhà báo Phan Duy Hương không giấu được sự tiếc nuối bởi vì nhiệm vụ thời đó ông phải công tác thường xuyên, có khi phải cắm ở cơ sở nhiều tháng liền. Trong khi đó, người em trai Phan Tứ Kỷ sau khi được điều vào Sư đoàn 304 vì có năng khiếu viết lách, chụp ảnh... nên được điều vào Ban Chính trị sư đoàn.

Rất nhiều bức ảnh được liệt sỹ Phan Tứ Kỷ ghi lại dọc đường hành quân. Ảnh: Mỹ Hà

Với nhiệm vụ của sư đoàn chủ lực, bổ sung quân nên Phan Tứ Kỷ và đồng đội không đóng quân 1 nơi mà chỉ tham gia bổ sung vào từng trận đánh. Khi trận đánh kết thúc, mỗi lần rút quân ra, Phan Tứ Kỷ thường có điều kiện tạt qua Vinh và lần nào anh cũng vào Tòa soạn Báo Nghệ An để thăm anh trai và các chú, dì ở đơn vị.

Tuy vậy, trong 4 năm nhập ngũ, không ít lần anh Phan Tứ Kỷ hành quân qua quê nhà nhưng chưa bao giờ gặp được người anh của mình. Lần duy nhất gặp vội vàng ở Bến xe Vinh hai anh em cũng chỉ nói chuyện với nhau chốc lát, chụp vội với nhau được 1 tấm ảnh chung. Sau này, khi em trai hy sinh, nhà báo Phan Duy Hương đã cắt bức ảnh chụp chung đó và lấy phần ảnh chụp em trai để làm ảnh thờ…

Từ khi em trai vào nhập ngũ, giữa hai anh em thư từ cũng rất khó khăn. Trong mỗi lần may mắn biên thư được về cho anh, liệt sỹ Phan Tứ Kỷ cũng bày tỏ sự tiếc nuối bởi những dịp hai anh em gặp nhau thật ít ỏi: “Em rất khổ tâm mỗi khi đi công tác hoặc được về phép anh em, bạn bè không gặp được ai. Cảm thấy cô độc. Thú thực em chưa tìm thấy nguồn vui trong hạnh phúc gia đình và biết bao giờ nó sẽ trở lại với em những tình cảm của các anh đối với em trước kia. Anh Hương ạ!. Anh giữ cho em những bức ảnh của em để lại nhé. Đừng cho ai. Dù xấu đẹp gì nó vẫn có những kỷ niệm sâu sắc. Nếu có điều kiện anh cho em một số sách, báo, nhất là có bài của anh…”. Trong những lá thư gửi về, liệt sỹ Phan Tứ Kỷ cũng thường xuyên hỏi thăm những anh chị, những cô, chú đang làm ở Báo Nghệ An, kể cả những người làm cấp dưỡng…

Những kỷ vật của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ được gửi về sau khi anh hy sinh. Ảnh: Phan Nga

Những lá thư biên vội dọc đường hành quân dường như cũng không đủ để nói hết những năm tháng liệt sỹ Phan Tứ Kỷ và đồng đội chiến đấu ác liệt tại chiến trường Quảng Trị. Và dường như anh cũng không muốn cho người anh của mình thấy được sự gian khổ, vất vả. Đọc thư của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ bao giờ cũng toát lên sự lạc quan, tin tưởng vào sự chính nghĩa của cuộc chiến.

Lá thư đề ngày 22/9/1971, được anh viết sau khi vừa trải qua một đợt sốt rét rừng. Sau 7 ngày không ăn uống “sức yếu hẳn đi” anh lại hào hứng “sắp tới em lại lên đường. Em rất vui khi được góp sức lực và nhiệt tình cho cách mạng”.

Lá thư viết ngày 2/8/1972, một ngày trước khi anh hy sinh vẫn tràn đầy nhiệt huyết: Chiến tranh trở lại gây biết bao khó khăn. Thương các anh, các chị nhiều nhưng em không biết làm gì được. Riêng em có đi công tác nhiều, tương đối vất vả. Có lẽ anh đã nghe tin trong này đánh và thắng sao rồi. Vừa rồi em có lấy được một số hình ảnh khá tốt về các đơn vị, con người và nhân dân vùng giải phóng (Mai Lộc, Ái Tử, thị xã Quảng Trị…). Tuy có vất vả thật đấy nhưng rất vui trong khí thế chung đó. Hiện nay, yêu cầu và nhiệm vụ còn nặng nề song em cũng cố gắng để làm tốt công tác của mình”.


Những bức ảnh có …"lửa"

Sau bức thư cuối cùng, người Trung sỹ trẻ Phan Tứ Kỷ đã hy sinh vào ngày 3/8/1972, tại Mặt trận phía Nam Quân khu 4 thuộc khu vực làng Cùa, xã Cam Chính, Cam Lộ (Quảng Trị), bỏ lại chiến trường và giấc mơ dang dở làm một người họa sỹ - “em rất thích họa sỹ và ước mơ cũng chỉ thế thôi”…

Bức chân dung hiếm hoi của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ được bạn chụp lại tại một tiệm ảnh. Trang phục anh mặc là mượn của người bạn là một nhà báo ở Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp

Lá thư viết ngày 2/8/1972, gia đình liệt sỹ Phan Tứ Kỷ cũng chỉ nhận được sau ngày anh hy sinh 1 năm. Trong những di vật mà đồng đội anh gửi về ngoài những trang thư, nhật ký, chiếc kèn acmonica còn có gần 200 bức ảnh đen trắng và nhiều trang ký họa được anh vẽ trên dọc đường hành quân. Lễ truy điệu liệt sỹ Phan Tứ Kỷ ngày đó ở quê nhà được chính anh trai và những người chú, người anh ở Báo Nghệ An tổ chức ngay tại nơi tòa soạn về sơ tán ở thôn Phong Toàn, xã Hưng Dũng (TP. Vinh).

Nỗi nhớ về người em trai được nhà nhà báo, nhà thơ Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy) gửi gắm vào bài thơ Chú ở bên Bác Hồ:

Chú Nga đi bộ đội/Sao lâu quá là lâu!/Nhớ chú, Nga thường nhắc:/ Chú bây giờ ở đâu?

Chú ở đâu, ở đâu?/Trường Sơn dài dằng dặc?/Trường Sa đảo nổi, chìm? Hay Kom Tum, Đắk Lắk?

Mẹ đỏ hoe đôi mắt/Ba ngước lên bàn thờ:/Đất nước không còn giặc/Chú ở bên Bác Hồ.

Bài thơ từng được in trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3

Được gặp lại những kỷ vật của em trai, sau này nhà báo Phan Duy Hương và những người thân của anh mới hiểu rõ hơn những công việc thầm lặng mà em trai mình đã trải qua trong cuộc chiến.

Bức ảnh ký họa được liệt sỹ Phan Tứ Kỷ vẽ trên đường hành quân. Ảnh: Phan Nga

Đó là công việc của một người nhiếp ảnh chiến trường lăn lộn, xông pha, đi vào sâu trong từng trận đấu. Nhờ vậy, tất cả những bức ảnh của anh ghi lại đều rất sinh động, chân thực, có khi là cảnh của một đơn vị đang bàn nhau tác chiến trước trận đánh, ảnh chụp trên đường hành quân, ảnh ghi lại một đội quân đang vượt sông, xung quanh là đồng đội đang cố giữ những chiếc sào để làm điểm tựa.

Xem những bức ảnh của anh, những người chưa trải qua cuộc chiến sẽ thấy ám ảnh trước ánh mắt chăm chú của hai người chiến sỹ trẻ đang cắt hàng rào thép gai trong đêm để tiến sâu vào căn cứ địch, ảnh những người lính áo vải cầm súng đang xông lên giữa chiến trường Trị Thiên, ảnh những bác sỹ chiến trường đang giành giật từng giây, từng phút để cứu sống những người bị thương trong chiến trận…

Bức ảnh ở Chiến trường Trị Thiên. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cũng chiếc máy ảnh ấy, người xem lại thấy được sự lạc quan, tươi trẻ của người chiến sỹ trẻ khi chụp đoàn văn công, những em bé nhỏ ở những ngôi làng mà anh đã đi qua, ảnh về các mẹ, các chị bên khung cửi trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong tập ảnh mà anh gửi lại, có một bức ảnh không phải anh chụp nhưng lại được anh cất giữ cẩn thận, đó là bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới bức ảnh là dòng chữ “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”… để nhắc nhở anh hãy cố gắng, chiến đấu xứng danh truyền thống người lính Cụ Hồ.

Một bức ảnh của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Xem lại những bức ảnh của người em trai, nhà báo Phan Duy Hương vừa tiếc thương nhưng đọng lại trong ông là cả niềm tự hào, thán phục. Sau nhiều năm lưu giữ, một ngày cuối tháng 4/2021, gia đình ông đã quyết định hiến tặng một phần kỷ vật của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu 4 với mong muốn đọc những trang thư, nhật ký, xem lại những bức ảnh cũ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ hiểu rõ hơn một phần của cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc.

Nhà báo Phan Duy Hương trao tặng những kỷ vật của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ cho Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Gia đình cung cấp

Những bức ảnh đen trắng ngày xưa, nay có nhiều bức ảnh được nhà báo Phan Duy Hương phóng lại, in to, một số ảnh được chia sẻ lên mạng xã hội. Ông cũng hy vọng, qua những bức ảnh này biết đâu sẽ có những người lính may mắn sống sót hoặc có khi là gia đình của những người lính đã hy sinh sẽ tìm lại được người thân của mình.

Và nếu có thế, có một cuộc triển lãm ảnh để tất cả những hình ảnh tại chiến trường Quảng Trị được giới thiệu một cách đầy đủ và chân thật nhất. Đó là những bức ảnh có “lửa” và những khoảnh khắc không thể nào quên…

Mới nhất
x
Tuổi 20 của liệt sỹ Phan Tứ Kỷ và những bức ảnh có 'lửa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO