Tuổi trẻ Kỳ Sơn xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc

03/04/2017 08:10

(Baonghean) - Xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc là những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Sơn nhiều năm qua, và cũng là nội dung cốt lõi của chủ đề Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Kỳ Sơn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Siêng năng, chịu khó và ham học hỏi là những nhận xét của Bí thư Đoàn xã Phà Đánh Lương Văn Tạc dành cho đoàn viên Lương Văn May ở bản Piêng Hòm. Sinh năm 1985, tuy hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng Lương Văn May chịu khó học tập, tốt nghiệp cấp 3 xong May thi đậu một trường trung cấp và theo học ngành Điện. Học xong May trở về bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Lương Văn May vừa làm công nhân ở Nhà máy Thủy điện Nậm Cắn, vừa gom góp vốn liếng đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nói về ý tưởng kinh doanh của mình, Lương Văn May cho hay: “Tham gia sinh hoạt Đoàn, được Huyện đoàn và các anh chị đoàn viên trong xã hỗ trợ, giúp đỡ nên em mạnh dạn đầu tư nuôi dê, bò và gà đen địa phương. Nay đàn dê đã có 25 con, bò 9 con, hơn 100 con gà, vịt, ngan. Em cũng đầu tư trồng ngô, chuối, sắn và cây xoan trên 1ha rẫy. Mỗi năm gia trại đem lại nguồn thu khoảng 100 triệu đồng”. Gia trại chăn nuôi của Lương Văn May là 1 trong 3 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Kỳ Sơn vừa được Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, lãi suất 0,1% để đầu tư phát triển...

Mô hình chăn nuôi dê, bò, gà của đoàn viên Lương Văn May ở bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoài Thu
Mô hình chăn nuôi dê, bò, gà của đoàn viên Lương Văn May ở bản Bà, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Hoài Thu

Cũng được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả và có tiềm năng phát triển và được Tỉnh đoàn hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng như Lương Văn May, tại bản Bà của xã Hữu Kiệm, đoàn viên Lộc Văn May lại chú trọng đầu tư chăn nuôi lợn, bò và mở cửa hàng kinh doanh buôn bán nhỏ. Hiện đàn lợn của Lộc Văn May có 40 con, 6 con bò. Khi được hỏi sẽ làm gì với 50 triệu đồng được hỗ trợ vay thêm, Lộc Văn May cho biết, sẽ đầu tư để mua thêm con giống và sửa sang hệ thống chuồng trại, nâng mức thu nhập vượt 100 triệu đồng/năm so với hiện tại.

Toàn huyện Kỳ Sơn có 50 mô hình kinh tế có hiệu quả do thanh niên làm chủ, thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình trồng gừng và chè tuyết Shan của tập thể BCH Đoàn xã Na Ngoi được tuyên dương mô hình dân vận khéo cấp tỉnh năm 2015; mô hình chăn nuôi trâu, bò của Mùa Bá Là, Mùa Bá Lầu (bản Lữ Thành), Vừ Bá Cu, Vừ Pà Xồng (bản Huồi Giảng 3), đều ở xã Tây Sơn. Trong đó mỗi hộ nuôi từ 10 - 35 con trâu, bò cho thu nhập mỗi năm từ 30 - 100 triệu đồng. Mô hình trồng rừng kết hợp nuôi dê của Lầu Bá Bớ ở xã Nậm Càn cho thu nhập mỗi năm từ 15 - 20 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu của Moong Văn Tư ở xã Bảo Thắng cho thu nhập 50 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi lợn, dê và bán hàng tạp hóa của Vi Văn Hải ở xã Chiêu Lưu cho thu nhập 96 triệu đồng/năm. Mô hình trồng chè của Xồng Bá Rê (xã Na Ngoi) cho thu nhập 75 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi 24 con bò của Lỳ Bá Cồ (xã Huồi Tụ) cho thu nhập 80 triệu đồng/năm…

Có thể nói, phát triển kinh tế là một trong những phong trào lớn mang lại nhiều hiệu quả của đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Sơn trong nhiều năm qua, góp phần tích cực giúp tuổi trẻ huyện nhà lập thân lập nghiệp, xây dựng quê hương. Đây cũng là định hướng sẽ được Huyện đoàn Kỳ Sơn chú trọng trong nhiệm kỳ tới.

Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn Kỳ Sơn đã chủ động tham mưu, ban hành Chương trình phối hợp với các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn huyện về phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phối hợp lực lượng công an trong phòng, chống ma tuý; tổ chức các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội, duy trì hoạt động hiệu quả của các Đội “Thanh niên xung kích giữ yên biên giới” và “Tổ thanh niên tự quản”, xây dựng hòm thư tố giác tội phạm…

Đoàn viên thanh niên xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu
Đoàn viên thanh niên xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) phối hợp với Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoài Thu

Trong nhiệm kỳ, cấp cơ sở đã tổ chức 37 buổi tuyên truyền, vận động 30.839 lượt ĐVTN và quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống ma tuý, có 20.649 lượt hộ gia đình cam kết với UBND xã không vi phạm pháp luật, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, tổ chức được 1.555 buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội lồng ghép các nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý cho thanh thiếu niên. 21/21 xã, thị trấn đều thành lập Tổ thanh niên tự quản, xây dựng hòm thư tố giác tội phạm; các đoàn trường học duy trì tốt mô hình cổng trường an toàn giao thông. Tổ chức được 10 chương trình truyền thông phòng chống ma túy, giáo dục pháp luật cho ĐVTN tại các xã: Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bắc Lý... Phối hợp đấu tranh, triệt xoá 52 tụ điểm phức tạp, 180 điểm bán lẻ ma tuý; phát hiện nhiều vụ buôn bán vận chuyển ma tuý, thu giữ trên 3.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều tang vật…

Từ năm 2013 đến nay, các CLB “Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới” ở các xã biên giới đã tổ chức được 35 đợt tuyên truyền với sự tham gia của khoảng 9.950 lượt ĐVTN và quần chúng nhân dân, qua các đợt tuyên truyền đã có hơn 6.138 lượt người ký cam kết không vi phạm pháp luật, cung cấp 234 nguồn tin tố giác tội phạm có giá trị cho lực lượng Công an huyện.

Na Loi là một xã biên giới, Hội Liên hiệp thanh niên xã có 9 chi hội với 224 hội viên. Các hoạt động của CLB “Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới”, “Tổ thanh niên tự quản” xã Na Loi luôn được Huyện đoàn và các cấp chính quyền đánh giá cao. Hàng năm, CLB “Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới” xã Na Loi đã tổ chức được 10 đợt tuyên truyền về nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật, xây dựng thói quen và nếp sống, lao động theo Hiến pháp và pháp luật với hàng nghìn lượt người tham gia; được Hội LHTN tỉnh Nghệ An tặng Giấy chứng nhận CLB “Thanh niên xung kích - giữ yên biên giới” tiêu biểu.

Còn ở xã Nậm Cắn, nhiều năm liền Chi đoàn quân thường trực xã được duy trì với các thành viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên phối hợp với Chi đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn triển khai các chương trình, phần việc thanh niên như: tuần tra bảo vệ đường biên 3 tháng/lần; hoạt động kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới; phối hợp giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng thường xuyên tổ chức được các đợt khám, cấp phát thuốc miễn phí; tặng quà cho học sinh trường cấp 1, cấp 2 Nậm Cắn…

“Cán bộ, đoàn viên đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ, đoàn viên lực lượng bảo vệ biên giới, nhân dân của nước bạn Lào tổ chức các hoạt động tuần tra song phương bảo vệ đường biên giới, cột mốc quốc giới của mỗi bên, được 12 đợt/190 người tham gia... Qua các hoạt động đó, đã tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị giữa đơn vị với cán bộ, nhân dân của bạn nói chung và giữa cán bộ, đoàn viên, thanh niên của hai bên nói riêng, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển đặc biệt Việt Nam - Lào”, đồng chí Trần Văn Khánh -Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết.

Đối với hoạt động xung kích giữ gìn an ninh trật tự, giữ yên biên giới của thanh niên Kỳ Sơn, chị Xã Thị Xí - Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho biết: “Đại hội Huyện đoàn Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2017 - 2022 đề ra chỉ tiêu 100% Đoàn xã, thị trấn duy trì hiệu quả “Hòm thư tố giác tội phạm”; “CLB thanh niên xung kích giữ yên biên giới”; thành lập được đội tuyên truyền phòng, chống ma túy, tổ thanh niên tự quản, thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Phấn đấu mỗi năm tổ chức ít nhất 1 diễn đàn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, học sinh. Hàng năm phối hợp đào tạo nghề cho từ 100 - 120 ĐVTN, giới thiệu việc làm cho 70 ĐVTN làm việc trong nước, ít nhất 8 - 10 thanh niên đi xuất khẩu lao động. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 100% đoàn xã, thị trấn tham gia quản lý vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH, nâng tổng số vốn vay của thanh niên trong toàn huyện lên 25 tỷ đồng; thành lập mới được 5 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm”.

Đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp tích cực của đoàn viên thanh niên huyện nhà trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biên giới, đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Đoàn thanh niên có rất nhiều hoạt động nổi trội; luôn chủ động, xung kích trong mọi nội dung công tác và phối hợp hiệu quả với các tổ chức đoàn thể khác. Đặc biệt, trong giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt, hoạt động có hiệu quả cao. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của tổ chức đoàn thanh niên trong việc góp phần giúp huyện Kỳ Sơn hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự và giữ bình yên biên giới”.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Tuổi trẻ Kỳ Sơn xung kích phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO