Tướng Cương: Toàn cầu bị tác động ra sao khi chính quyền Afghanistan 'đổi chủ'?

Thu Giang 17/08/2021 08:16

(Baonghean.vn) - Để hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh ở quốc gia Nam Á khi Mỹ rút quân và Taliban trở lại nắm quyền, PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an có những trao đổi về vấn đề này.

Mỹ điều trực thăng tới Đại sứ quán tại Kabul để sơ tán nhân viên chính phủ hôm 15-8. Ảnh: AP
Mỹ điều trực thăng tới Đại sứ quán tại Kabul để sơ tán nhân viên chính phủ hôm 15/8. Ảnh: AP

P.V: Thưa Thiếu tướng, có ý kiến cho rằng, việc Taliban tiến công nhanh, sớm chiếm được Afghanistan là do Mỹ rút quân về nước, và rằng đây là một sai lầm lớn về mặt chiến lược của xứ cờ hoa tại Trung Đông. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Rút khỏi Afghanistan đã là một trong những chủ trương vạch ra trong những năm cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama, chứ không phải là việc mà đến chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay mới có. Năm 2016, khi tranh cử, ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố với 320 triệu người Mỹ rằng, nếu đắc cử, ông sẽ rút quân khỏi Afghanistan và bắt tay vào thực hiện kế hoạch rút khỏi quốc gia Nam Á này sau khi nhậm chức.

Nhưng cái nan giải của vấn đề là làm sao để đảm bảo chính quyền Kabul vẫn tồn tại, không bị Taliban thâu tóm, tiêu diệt. Chính quyền Trump đã tiến hành đối thoại ngoại giao trực tiếp với đại diện của Taliban. Đến tháng 2/2020, 2 bên ký thỏa thuận, với điều khoản quan trọng nhất là Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, còn Taliban không được hoạt động khủng bố tấn công chính quyền Afghanistan, không được hợp tác với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, IS,... và lực lượng này phải đối thoại với chính quyền tại Kabul, để tiến tới hòa giải dân tộc và hình thành chế độ đại diện cho nhiều tầng lớp, phe phái, chủng tộc, lực lượng,... trong đó có cả Taliban.

Đầu tháng 12/2020, tức khi ông Trump đã sắp mãn nhiệm, chính quyền Mỹ đã rút phần lớn quân đội khỏi Afghanistan, chỉ còn lại 4.500 binh sỹ. Cuối tháng đó, thêm 2.000 lính Mỹ trở về nước. Việc rút quân nhanh chóng của chính quyền Donald Trump bị Quốc hội tại Washington phản đối quyết liệt, bởi lưỡng đảng đều tiên lượng rằng, điều đó sẽ gây nguy cơ Taliban quay lại chiếm Kabul. Tuy nhiên, ông Trump vẫn kiên quyết hành động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại nhà Trắng về việc rút số binh lính Mỹ còn tại tại Afghanistan về nước. Ê kíp của ông Biden cũng sửng sốt trước thế tiến công chẻ tre của Taliban những ngày qua. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại nhà Trắng về việc rút số binh lính Mỹ còn tại tại Afghanistan về nước. Ê kíp của ông Biden cũng sửng sốt trước thế tiến công như chẻ tre của Taliban những ngày qua. Ảnh: AP

Người đương nhiệm tại Washington là ông Biden hôm 14/4 vừa qua đã tuyên bố sẽ rút hết lực lượng quân sự Mỹ khỏi Afghanistan, bắt đầu từ ngày 1/5 và kết thúc vào 11/9/2021. Như vậy, chính quyền Joe Biden chỉ tiếp tục thực hiện chính sách đã có của người tiền nhiệm. Nhưng do tình hình thúc bách, chính quyền Biden đã đẩy nhanh tiến độ. Ông Biden từng khẳng định, thách thức đang nổi lên xuất phát từ Trung Quốc là một trong những lý do chính để Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Bắc Kinh được xem là nguy cơ lớn nhất đe dọa lợi ích và vai trò toàn cầu của Washington, nên họ cần tập trung mọi nguồn lực trong nước, củng cố lại các liên minh và bạn bè thế giới, tập hợp lực lượng đối phó. Và như vậy, Trung Đông nói chung và Afghanistan nói riêng không còn nằm trong ưu tiên của chính quyền ông Biden nữa.

Xung quanh chuyện này, việc rút quân khỏi Afghanistan là đúng và cần thiết. Nhưng sai lầm của các chính quyền Mỹ nằm ở chỗ, họ không chuẩn bị chiến lược sau khi rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan, và rút quá nhanh để lại khoảng trống quyền lực trong khi chính quyền Tổng thống Ghani lại hết sức yếu ớt. Thực tế là ngay trong chính giới, giới học giả và truyền thông Mỹ cũng cảm thấy bất ngờ. Thậm chí tuần trước, một số học giả Mỹ vẫn đưa ra dự báo chính quyền tại Kabul có khả năng giữ được 5-7 tháng nữa. Ngay ngày 12-13/8 vừa rồi, chính giới Mỹ cũng không thể nghĩ rằng, 2 ngày sau sẽ mất Kabul.

Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài. Ảnh: AP
Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống sau khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani chạy ra nước ngoài. Ảnh: AP

P.V: Thiếu tướng có thể khái quát quá trình Mỹ can dự vào Afghanistan trong 20 năm qua và hậu quả nhãn tiền của việc làm này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cách đây gần 20 năm, ngày 11/9/2001, al-Qaeda đã tấn công khủng bố tòa Tháp Đôi - biểu tượng sức mạnh kinh tế của Mỹ. Chính quyền khi ấy của Tổng thống George W. Bush quyết định đánh thẳng vào Afghanistan để tiêu diệt al-Qaeda và chính quyền Taliban. Theo quan điểm của chính quyền Bush, Taliban đã nuôi dưỡng al-Qaeda, là kẻ thù không đội trời chung cần phải tiêu diệt. Mục tiêu lâu dài hơn của Mỹ là chống các lực lượng thánh chiến, hay cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Tháng 10/2001, Mỹ tấn công, sử dụng cả hệ thống tên lửa Tomahawk và chỉ trong 3 tuần lễ chính quyền Taliban tan rã. Chiến thắng ấy cũng không mấy vẻ vang, nhưng sau đó 20 năm, Mỹ lại sa lầy vào cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, rồi đến Iraq và Syria. Lịch sử Mỹ sẽ có sự tổng kết đến nơi đến chốn, nhưng tôi nghĩ, bước đầu chúng ta có thể nhận diện được thất bại của Mỹ nói riêng, NATO nói chung. Trong 2 thập niên, Mỹ đã chi vào chiến trường này 1.000 tỷ USD, nếu cộng thêm số tiền trợ cấp cho các gia đình 4.500 binh sỹ Mỹ tử nạn, các binh sỹ thương vong tại Afghanistan, thì sẽ lên đến khoảng 1.300 tỷ USD.

Hậu quả lớn hơn nhiều là làm cho Mỹ suy yếu, là một trong những nguyên nhân đẩy họ vào cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và càng sa lầy ở Afghanistan, Iraq, Syria thì vai trò, vị thế toàn cầu của Mỹ càng suy giảm. Trong khi Mỹ hao người, tốn của ở Afghanistan, thì Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Nga khôi phục, làm thay đổi căn bản cục diện chính trị thế giới theo hướng bất lợi cho Mỹ. Nếu trước năm 2001, Mỹ là một siêu cường toàn năng có sức mạnh áp đảo mọi đối thủ, với 800 căn cứ quân sự ở nước ngoài, GDP của Mỹ chiếm 21,5% GDP toàn cầu, còn Trung Quốc chưa nổi trội, Nga còn gặp nhiều khó khăn, thì đến năm 2021, vai trò, vị thế của Mỹ sụt giảm hẳn, không chỉ về kinh tế, mà cả về quân sự, chính trị, ngoại giao...

Hôm 15/8, Anh điều lực lượng hỗ trợ sơ tán công dân nước này tại Afghanistan trong bối cảnh tình hình an ninh xấu đi. Ảnh: AP
Hôm 15/8, Anh điều lực lượng hỗ trợ sơ tán công dân nước này tại Afghanistan trong bối cảnh tình hình an ninh xấu đi. Ảnh: AP

P.V:Ông lý giải như thế nào về việc ngày 15/8, khi tiến hành bao vây thủ đô của Afghanistan, Taliban không đánh Kabul mà lại kêu gọi chính quyền Ghani đầu hàng vô điều kiện?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là sự quay ngoắt 180 độ so với thái độ của Taliban từ trước đến nay. Tôi cho rằng, có 2 lý do để giải thích cho điều này. Thứ nhất, Taliban đã nắm chắc phần thắng. Đến ngày 13 và 14/8 vừa rồi, dù lực lượng Taliban mỏng hơn nhưng chất lượng lại hơn hẳn so với quân đội và lực lượng an ninh đã rệu rã của chính quyền Ghani. Thực chất, nội tại chính quyền Afghanistan tồn tại được 2 năm nay cũng đã có nhiều phe phái xâu xé, đấu đá lẫn nhau, khiến Taliban nhận thấy không cần thiết phải đổ máu thêm nữa. Thứ hai, 20 năm qua, Taliban đã gây ra quá nhiều tội ác. Trước công luận thế giới, đây là một tổ chức khủng bố khét tiếng. Nợ máu đã quá lớn, giờ đây không phải là lúc gây thêm tội, họ cần thể hiện một hình ảnh thân thiện với người dân Afghanistan nói riêng, dư luận thế giới nói chung để sau này được cộng đồng quốc tế chấp nhận là một chính quyền chính thức của Afghanistan.

Các tay súng Taliban điều khiển xe cảnh sát ngoài cảng hàng không quốc tế Hamid Karzai tại Kabul, Afghanistan hôm 16/8. Ảnh: Reuters
Các tay súng Taliban điều khiển xe cảnh sát ngoài cảng hàng không quốc tế Hamid Karzai tại Kabul, Afghanistan hôm 16/8. Ảnh: Reuters

P.V:Dư luận thế giới hiện rất lo lắng về tình hình Afghanistan dưới thời Taliban, lo sợ viễn cảnh một cuộc tàn sát đẫm máu, một cuộc nội chiến kéo dài. Về vấn đề này, Thiếu tướng có dự báo gì và đâu là những thách thức nào đang chờ Taliban?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Rất khó để có thể dự báo tình hình Afghanistan trong 5 hay 10 năm tới, nhưng có thể đoán định được trong khoảng thời gian sắp tới, đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Tôi cho rằng, bản chất Taliban không thay đổi, nhưng họ sẽ thay đổi những biểu hiện bên ngoài sau khi lật đổ chính quyền Kabul và nắm quyền chính thức, kiên quyết tránh cuộc tàn sát đẫm máu để cải tạo hình ảnh xấu trong 20 năm vừa rồi. Vì thế, trước mắt sẽ không có những động thái trả thù, cuộc tắm máu hay nội chiến. Nhưng Afghanistan dưới trướng Taliban còn lâu mới có thể ổn định, bởi xung đột lẻ tẻ sẽ vẫn còn, bản thân lực lượng trung thành chính phủ cũ vẫn ẩn náu đâu đó. Hơn nữa, đây là quốc gia đa sắc tộc, nhiều thế hệ lực lượng chính trị đối chọi nhau suốt hàng trăm năm qua.

Khó khăn lớn nhất đang chờ đợi chính quyền Taliban trước hết phải kể đến kinh tế. 20 năm chiến tranh, Afghanistan đã suy kiệt tận cùng. Nguồn kinh phí chủ yếu trước đây do Mỹ viện trợ, rồi đến buôn bán ma túy, kinh tế bị tàn phá nặng nề. Khó khăn thứ hai là chính trị nội bộ, xã hội Afghanistan hết sức phức tạp với hàng chục bộ tộc khác nhau, hàng chục lực lượng chính trị đối lập nhau. Taliban chí ít trước mắt phải cố gắng giải quyết vấn đề nội bộ theo phương thức hòa hợp để có chính quyền hợp pháp, quốc tế công nhận. Có như vậy, Afghanistan mới có thể thể nhận được viện trợ từ bên ngoài để phục hồi kinh tế.

Cờ Taliban tại tư gia thống đốc tỉnh Ghazni, nằm ở Đông Nam Afghanistan hôm 15/8. Ảnh: AP
Cờ Taliban tại tư gia thống đốc tỉnh Ghazni, nằm ở Đông Nam Afghanistan hôm 15/8. Ảnh: AP

P.V:Dư luận cho rằng, Mỹ rời khỏi Afghanistan thì các cường quốc thế giới và cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và một loạt nước sẽ nhảy vào thế chân Mỹ. Ông bình luận thế nào về vai trò của các cường quốc sau khi Mỹ rút quân?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở tầng toàn cầu, Mỹ rút quân là điều mà Nga và Trung Quốc mong muốn, vì sự hiện diện của xứ cờ hoa tại Afghanistan không có lợi cho họ. Chắc chắn, Nga đã chuẩn bị kế hoạch để có ảnh hưởng và lợi ích tại Afghanistan, và Trung Quốc hẳn cũng đã có chiến lược rõ ràng. Trong 3 cường quốc toàn cầu, tôi cho rằng Trung Quốc có ưu thế lớn hơn Mỹ và Nga, thể hiện ở chỗ họ có tiềm lực kinh tế, dư thừa nguồn tài chính hàng nghìn tỷ USD - thứ mà Taliban rất cần thời điểm này. Bên cạnh đó, Trung Quốc có đồng minh chiến lược Pakistan - quốc gia chung biên giới với Afghanistan, hậu thuẫn cho Taliban suốt nhiều năm qua. Ngoài ra, trong 5-7 năm qua, Bắc Kinh đã âm thầm đầu tư kinh tế vào Afghanistan, điều mà cả Mỹ và Nga đều chưa làm được. Đến lúc này, họ đã có cơ sở đầu tư kinh tế khá chắc chắn ở quốc gia Nam Á.

Ở tầng khu vực, Ấn Độ mong muốn quân đội Mỹ hiện diện vĩnh viễn tại Afghanistan để kiềm chế lực lượng thánh chiến cực đoan ở Trung và Nam Á tràn vào nước này. Thật ra, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là thiệt thòi lớn nhất với Ấn Độ. Chung quan điểm này, nhưng Pakistan lại có lợi thế hơn so với Ấn Độ, vì có mối quan hệ thân thiết với Taliban sau 20 năm bảo trợ cho lực lượng này.

Người dân Afghanistan chen lấn để vào cảng hàng không Hamid Karzai tại Kabul hôm 16/8, khi Taliban chiếm thủ đô Afghanistan. Ảnh Reuters
Người dân Afghanistan chen lấn để vào cảng hàng không Hamid Karzai tại Kabul hôm 16/8, khi Taliban chiếm thủ đô của Afghanistan. Ảnh Reuters

P.V:Việc Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan tác động ra sao đến khu vực nói riêng và thế giới nói chung, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhận định về việc ai vui, ai buồn khi Taliban trở lại nắm quyền, có lẽ các nước có thái độ ủng hộ là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, các quốc gia Vùng Vịnh... Cần lưu ý, những năm 90 của thế kỷ trước, trước khi Mỹ đánh Taliban, thì ngoài Pakistan, các nước trên đã công nhận chính quyền Taliban trong khi cả thế giới tẩy chay. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội để nhảy vào Afghanistan. Còn khó nhất phải nói đến Ấn Độ, tiếp theo đó là Iran - nơi dòng Hồi giáo Sunni chiếm chủ đạo. Và như vậy, tình hình Trung Đông tiếp tục diễn ra phức tạp sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Cuối cùng, bức tranh thế giới sẽ như sau: Ở Trung Đông, Mỹ giảm hẳn vai trò, Trung Quốc tăng cường vai trò thông qua đứng chân chắc chắn tại Afghanistan, kết hợp chặt chẽ với thế giới Arập. Trung Quốc có thêm cơ hội, vốn liếng để đối đầu với Mỹ, đây sẽ là mặt trận mới, cuộc đối đầu giữa 2 siêu cường, nếu như trước Mỹ làm chủ thì nay Trung Quốc sẽ từng bước thay chân Mỹ.

P.V:Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mới nhất
x
Tướng Cương: Toàn cầu bị tác động ra sao khi chính quyền Afghanistan 'đổi chủ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO