Tương Dương: Chủ động đối phó lửa rừng
Tương Dương có diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng tự nhiên khá lớn, với 163.699,3 ha. Do ảnh hưởng của khí hậu Lào khô nóng nên Tương Dương có 2 mùa dễ xảy ra cháy rừng là mùa khô từ tháng 11 đến đầu tháng 3 năm sau, và giai đoạn cao điểm cháy là tháng 5-6. Vì vậy ngay từ đầu mùa khô, Tương Dương đã có kế hoạch chủ động đối phó với cháy rừng.
(Baonghean) - Tương Dương có diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng tự nhiên khá lớn, với 163.699,3 ha. Do ảnh hưởng của khí hậu Lào khô nóng nên Tương Dương có 2 mùa dễ xảy ra cháy rừng là mùa khô từ tháng 11 đến đầu tháng 3 năm sau, và giai đoạn cao điểm cháy là tháng 5-6. Vì vậy ngay từ đầu mùa khô, Tương Dương đã có kế hoạch chủ động đối phó với cháy rừng.
Tại xã Yên Na, công việc triển khai phòng chống cháy rừng (PCCCR) khá tốt. Ngay từ đầu mùa khô, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về PCCCR, đồng thời tổ chức ký cam kết PCCCR đến tận thôn, bản, từng người dân. Ông Lô Hoài Thơm -Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: Xã có diện tích rừng trên 14.000 ha, trong đó nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tại hai bản Huồi Cụt và Xốp Pu do mùa đốt rừng làm rẫy, nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với xã thường xuyên giám sát bà con đốt nương làm rẫy tại các vùng đã được quy hoạch, không để cháy lây lan. PCCCR Yên Na thực hiện theo phương án 4 tại chỗ, xảy ra cháy tại bản nào thì bản đó huy động lực lượng cứu chữa, cần thiết có thể huy động lực lượng toàn xã. Cũng nhờ bám sát việc PCCCR mà trong suốt mùa khô đến nay Yên Na chưa xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, Yên Na đang còn những khó khăn là có trên 4000 ha rừng ở vùng lòng hồ Thuỷ điện bản Vẽ, việc tuần tra canh gác lửa rừng rất gian nan, phải thuê xuồng máy đi tuần rừng kinh phí rất tốn kém.
Công ty TNHH -MTV Lâm nghiệp Tương Dương quản lý trên 9.000 ha rừng, chủ yếu thuộc địa bàn các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Tam Hợp. Các tiểu khu 689 và 672 là vùng rừng nứa giang rất dễ cháy. Để chuẩn bị cho công tác PCCCR Công ty đã tu sửa đường băng cản lửa trên 35.000 m2, chiều dài 3.400m, rộng 10 m, mua sắm thêm các dụng cụ như can nhựa, xô nhựa, bảo hộ lao động. Tăng cường kiểm tra người ra vào rừng lấy củi, săn bắt động vật, lấy mật ong rừng... Phân công ca trực, thời gian trực, cập nhật các thông tin đến các ca trực...
Cánh rừng săng lẻ ở Tương Dương cần được bảo vệ nghiêm ngặt
UBND huyện Tương Dương đã xác định các vùng cháy trọng điểm là các vùng rừng khoanh nuôi tập trung, các khu rừng gỗ xen tre nứa, giang, lau lách... Vùng giáp ranh hành chính xã, bản và các khu rừng giáp với vùng quy hoạch nương rẫy, trong đó gồm các xã Mai Sơn, Hữu Khuông, Tam Thái, Thạch Giám, Hữu Dương, Xá Lượng, Tam Hợp, Lưu Kiền, Yên Hoà, Yên Na... Khó khăn đặt ra hiện nay là diện tích lúa nước của Tương Dương chỉ có trên 600 ha tập trung ở các xã Tam Quang, Tam Đình, Nga My...Để đảm bảo lương thực hàng năm, người dân Tương Dương hầu hết vẫn phải làm nương rẫy với gần 3.000 ha rẫy theo quy hoạch. Quá trình sản xuất nương rẫy nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Ông Lữ Văn Chôm - Hạt phó kiểm lâm Tương Dương cho biết thêm: Ngay từ đầu mùa khô, các cán bộ kiểm lâm đều được phân công cắm địa bàn, thực hiện công tác bảo vệ rừng, tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác PCCCR. Đặc biệt là trong mùa sản xuất nương rẫy kiểm lâm viên phối hợp với chính quyền địa phương giám sát hoạt động làm nương rẫy, đúng với quy trình, như xây dựng lịch đốt rẫy, đồng thời chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện sΩn sàng dập lửa khi cháy xảy ra. Bên cạnh đó còn nghiêm cấm việc sử dụng lửa để xử lý thực bì, chuẩn bị đất trồng rừng trong các tháng cao điểm từ tháng 3 đến tháng 8. Thời gian qua Hạt kiểm lâm Tương Dương đã phát hiện xử lý kịp thời các đám cháy nhỏ trong quá trình đốt nương làm rẫy. Để hạn chế thấp nhất tình trạng đốt rừng làm rẫy, trong năm 2012 huyện Tương Dương đã có những cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân khai hoang ruộng nước. Hiện nay nhiều xã đã thực hiện khai hoang thêm ruộng nước như xã Yên Na, Mai Sơn...
Đến thời điểm này Tương Dương đã thành lập được các đội cơ động PCCCR huyện, xã và thôn bản, vận động lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia ứng cứu khi có cháy xảy ra. BCH các xã, chủ rừng rà soát nắm chắc các loại phương tiện, dụng cụ mới kết hợp các dụng cụ thủ công tự trang bị của các gia đình đáp ứng được chữa cháy rừng tại cơ sở. Thời điểm đầu mùa nắng nóng này, BCH về các vấn đề cấp bách trong BVR-PCCCR từ huyện đến các đơn vị địa phương đã tổ chức trực ban, trực chỉ huy, tăng cường công tác kiểm tra PCCCR trên địa bàn, quyết tâm không để xảy ra cháy rừng.
Văn Trường