Tương Dương: Còn nhiều khó khăn ngày tựu trường

03/09/2013 23:22

Huyện Tương Dương hiện có tổng số 16.400 học sinh các cấp. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với nhiều Chương trình, dự án cơ sở vật chất, trường lớp, điều kiện học tập của học sinh huyện này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đặc thù miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn… đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục trên địa bàn.

(Baonghean) - Huyện Tương Dương hiện có tổng số 16.400 học sinh các cấp. Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với nhiều Chương trình, dự án cơ sở vật chất, trường lớp, điều kiện học tập của học sinh huyện này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, đặc thù miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn… đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục trên địa bàn.

Già Bá Thái năm nay đã học lớp 7 nhưng trông em chẳng khác nào học sinh lớp 2. Ở trường bạn bè gọi em là Thái “kẹo”. Một cách tình cờ, tôi đến khu nội trú Trường THCS xã Mai Sơn và bắt gặp Thái đang ngồi vá quần. Gặng hỏi mãi Thái mới cho biết nhà em ở bản Phá Kháo, bố tên là Già Ka Giăng, còn hỏi tên mẹ thì Thái lặng thinh không trả lời. Đem điều này hỏi thầy giáo Trần Quốc Dương, Hiệu trưởng nhà trường, thầy Dương cho hay, với học sinh thuộc đồng bào dân tộc Mông nếu không quen dù hỏi cả ngày các em cũng không nói. Hóa ra vậy.


Em Già Bá Thái, học sinh lớp 7A, Trường THCS bán trú Mai Sơn đã biết thêm việc khâu vá khi đi học xa nhà.

Trường THCS bán trú xã Mai Sơn nằm ở địa bàn biên giới thuộc khu vực khó khăn nhất của huyện Tương Dương. Năm học này tổng số học sinh của trường là 215 em. Trong đó có trên 120 em của 5 bản ở nội trú gồm: Phá Kháo, Piêng Cọp, Cha Lo 1, Cha Lo 2, Na Kha. Dù chưa chính thức bước vào năm học mới, nhưng gần một tháng nay các em học sinh nội trú đã tay gậy, lưng gùi mang quần áo, gạo, nồi đến trường. Năm 2012, khu KTX học sinh và nhà nội trú của giáo viên đã được đầu tư xây dựng. Trong đó KTX của học sinh có 8 phòng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu chỗ ở cho các em học sinh. Chính vì vậy, năm học 2012 – 2013 nhiều em đã phải ra ở trọ nhà dân và phải tự lo việc cơm nước, ăn uống.

Để khắc phục thực tế này, thầy giáo Trần Quốc Dương cho biết, năm học 2013 – 2014, nhà trường sẽ sử dụng 3 phòng công vụ của giáo viên để bố trí thêm chỗ ở cho học sinh, chia sẻ khó khăn với các em. Tại căn bếp chung làm bằng tre nứa vừa được các phụ huynh hỗ trợ dựng lên, tôi bắt gặp em Già Y Mái và người anh họ Già Bá Dìa loay hoay nhóm bếp thổi cơm. Y Mái vừa kết thúc tiểu học và được lên lớp 6. Còn Bá Dìa đã là học sinh lớp 7. Có vẻ như việc lần đầu tiên xa nhà phải tự chuẩn bị bữa ăn cho mình khiến Già Y Mái hơi lúng lúng. Vì vậy em đã cần đến sự hỗ trợ của người anh con bác. Y Mái nói rằng, năm học vừa qua em đạt học sinh giỏi nên bố mẹ cũng vui và cho đi học tiếp. 2 tuần Y Mái về nhà một lần để thăm nhà và lấy gạo, mỗi lần như thế bố cho 20 nghìn đồng để mua thức ăn, mua pin. Chủ yếu là mua mì tôm làm canh, còn pin dùng để thắp sáng học bài vì ở xã Mai Sơn không có điện.



Trường THCS bán trú Mai Sơn – Tương Dương.

Ở Tương Dương, các xã như Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn gần như bị cô lập về mặt địa lý. Từ Thị trấn Hòa Bình - huyện lỵ Tương Dương muốn đến các xã này phải đi ngược theo lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, đi thuyền mất 3 - 4 tiếng đồng hồ rồi còn phải trèo đèo vượt dốc mới đến nơi. Bên cạnh đó, các xã như Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My… điều kiện giao thông đi lại cũng rất vất vả. Về cơ sở vật chất dành cho trường học, với việc tranh thủ các chương trình, dự án hiện nay huyện Tương Dương đã xây dựng được một số khu KTX cho bậc THCS ở Nga My, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Mai Sơn. Tuy vậy, các khu nội trú vẫn chưa đáp ứng đủ chỗ ở cho học sinh.

Ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng được 30% cho học sinh, 70% học sinh còn lại vẫn phải thuê nhà dân ở trọ, ở lán trại. Rất nhiều học sinh phải dùng đèn dầu để học bài. Các bản như: Đình Tài (xã Xiêng My); Na Kha, Piêng Cọp, Phá Kháo (xã Mai Sơn); Thằm Thẩm, Huồi Mựt, Huồi Măn, Piêng Luống, Phia Òi (xã Nhôn Mai)… học sinh mầm non, tiểu học vẫn đang học tập trong điều kiện hết sức khó khăn. Các lớp học mầm non và tiểu học cùng chung nhau điểm trường, điểm lớp. Anh Thò Bá Lư, Trưởng bản Phá Kháo, xã Mai Sơn đã rất thật lòng khi nói rằng: Phá Kháo rất tự hào vì 100% trẻ em đến tuổi được đến trường, học chữ. Nhưng “cái hoọc sinh hắn vừa nghe cô bên ni, vừa nhìn cô bên tê cũng mỏi đó. Cũng tội cho cái cô giáo nữa.

Ngày khai giảng đang đến rất gần, cùng với đó là nhiều nỗi lo trong năm học mới. Biết rằng những khó khăn không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai nhưng vẫn mong các em học sinh Tương Dương có nhiều hơn niềm vui trong mỗi ngày đến trường.


Bài, ảnh: Đào Tuấn

Mới nhất
x
Tương Dương: Còn nhiều khó khăn ngày tựu trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO