Tưởng nhớ con người huyền thoại
(Baonghean) - Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam và đông đảo bè bạn quốc tế vô cùng tiếc thương vị tướng tài ba, kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Con người huyền thoại, với tài cầm quân thao lược đã đưa “chiến tranh nhân dân với lối đánh du kích”, đánh thắng những quân đội tinh nhuệ, hiện đại, đem lại vẻ vang cho dân tộc Việt Nam đã ra đi ở tuổi 103. Dẫu biết rằng sinh-lão-bệnh-tử là qui luật muôn đời của tạo hóa, nhưng sự ra đi của vị tướng tài ba đã để lại muôn vàn tiếc thương đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội ta.
Niềm tiếc thương vô hạn từ số nhà 30 Hoàng Diệu
Trời thu Hà Nội buồn da diết khi dòng người đổ tới ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu để tưởng niệm Đại tướng. Theo bảng thông báo của gia đình Đại tướng, lễ viếng tại căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu, nơi Đại tướng sống những năm tháng cuối đời, sẽ kéo dài đến ngày 11/10. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên, lượng người đến viếng Đại tướng đã rất đông. Càng về chiều, dòng người đổ về phố Hoàng Diệu càng nhiều, hàng người chờ đợi kéo dài đến tận đường Điện Biên Phủ. Dòng người ấy, đó là các các cựu binh - những người từng sinh tử trong chiến tranh; có người dân từng trải qua không khí khủng khiếp của chiến tranh và được lắng nghe khúc khải hoàn mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; là những người dân sinh ra trong hòa bình, chỉ được nghe về tướng Giáp qua lời kể của ông, bà và có cả những em bé được mẹ ẵm ngửa trên tay… Song tất cả đều có chung cảm xúc, chung tâm trạng, được dâng nén tâm nhang lên Đại tướng của lòng dân.
Chiều 6/10, trên khắp các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin, bài, hình ảnh về buổi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 18h, VTV1 phát sóng hình ảnh những người dân xếp hàng dài vào viếng Đại tướng qua màn ảnh nhỏ khiến ai ai cũng rưng rưng xúc động. Hình ảnh ông Tạ Chí Hải, nghệ sỹ violon tự do, kéo lên những nốt nhạc trầm bổng. Mắt nhắm nghiền như muốn thể hiện hết những cung bậc cảm xúc của mình. Khi ông Hải tấu khúc “Hồn tử sĩ”, nhiều người không kìm được nước mắt, khóc nức nở. Anh Nguyễn Lê Quân (ở phường Đội Cấn) chỉ được nghe về Đại tướng qua lời kể của ông ngoại, cũng là một cựu chiến binh. Anh luôn ngưỡng mộ Đại tướng, coi người như một huyền thoại sống. Anh ước mơ được gặp bác ngoài đời một lần. Chưa được thực hiện thì bác đã vĩnh viễn đi xa.
Có những cựu binh khi nghe tin Đại tướng mất, không quản đường sá xa xôi, vượt hàng trăm ki-lô-mét đến số nhà 30, Hoàng Diệu để thắp nén tâm nhang. Họ mang theo huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên, mang theo những tấm ảnh tư liệu quý về tướng Giáp, mang theo sự xúc động, nỗi tiếc thương và cả niềm tự hào rằng một thời, họ là quân của vị tướng tài ba… Có những gia đình tất cả các thành viên bố mẹ và con cái cùng đưa nhau đến, lặng người trong không khí tiếc thương. “Biết tin Đại tướng qua đời tôi thật sự thấy hụt hẫng giống như khi mất đi một người thân trong gia đình”, ông Tô Vinh (ở Hoàng Mai), bùi ngùi chia sẻ. Rất đông trong số đó là các bạn học sinh, sinh viên. Những bó cúc vàng, cúc trắng xen giữa dòng người lặng lẽ tiếc thương. Không ai ngăn được dòng nước mắt. Xúc động nhất là hình ảnh cụ già khiếm thị, được cháu gái dắt tay dẫn đến cửa số nhà 30-Hoàng Diệu. Trao hoa cho các chiến sĩ cảnh vệ, ông thành kính chắp tay kính cẩn tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hai bạn trẻ đã bật khóc trước khi được vào viếng Đại tướng. |
Dòng người đến viếng kéo dài từ nhà số 30 Hoàng Diệu đến Quảng trường Ba Đình. Có lẽ chưa bao giờ người dân chịu khó xếp hàng trong yên lặng và trật tự như thế. Từng hàng dài nối nhau, nhích từng bước một, lặng lẽ. Những cựu chiến binh và thanh niên tình nguyện ở phường Điện Biên cũng tự nhận công việc hướng dẫn xếp hàng. Các quán cà phê ven đường Điện Biên Phủ cũng tự nguyện mang nước ra phục vụ miễn phí người dân đến viếng. Một cựu chiến binh phường Điện Biên chia sẻ: "Nhìn dòng người kiên nhẫn chờ đợi hôm nay mới hiểu cái tâm của người ra đi thấm vào nhân dân như thế nào".
Khu vực viếng nằm ở phía sau của ngôi nhà chính. Mọi người xếp hàng đi qua con đường quen thuộc mà Đại tướng đi hàng ngày, được ngắm nhìn cảnh sắc, cây cối mà Đại tướng vẫn nhìn hàng ngày. Nhiều người ghi sổ lưu niệm để bày tỏ tình cảm của mình với Đại tướng. Mỗi lời đều xuất phát từ trái tim, trên trang giấy trắng có nhiều nét mực bị nhoà đi vì nước mắt. Dù đã hết giờ vào viếng nhưng dòng người vẫn dài thêm, kéo dài như vô tận. Nhiều cụ già bật khóc khi nhìn chân dung của Đại tướng. Những người viếng xong rồi vẫn như lưu luyến không muốn rời xa. Cũng có những người nở nụ cười vì cảm nhận rằng Đại tướng đã thanh thản ra đi, giữa muôn vàn yêu thương, kính phục của nhân dân.
Nỗi nhớ thương của người dân Nghệ
Nhận thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh cảm thấy sự mất mát, hụt hẫng. Bởi Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - người luôn hiện hữu trong những giờ học, bài giảng sinh động của bộ môn Lịch sử. Những giáo trình, tài liệu tham khảo về các chiến dịch lịch sử oai hùng gắn với dấu ấn tài - đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giảng viên, sinh viên tiếp cận bằng nhiều cách. Đó là những giờ học chính khóa trên lớp, chương trình ngoại khóa, các buổi thảo luận… luôn thu hút người học. Từ cuộc kháng chiến chống Nhật năm 1945, rồi 9 năm kháng Pháp “ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, vĩ đại, và cả khi đất nước đã hòa bình, non sông đã hòa cùng một mối, sự hiện diện của Đại tướng trong chiều dài lịch sử, trong chiều sâu của văn hóa là một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, thôi thúc và cổ vũ nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Nghệ An. Ảnh: S.M |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trường ĐH Vinh (tháng 5/1990). |
Chia sẻ về nỗi mất mát lớn lao này, PGS.TS. Trần Văn Thức thể hiện sự tiếc thương vô hạn nhưng cũng đầy tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chúng tôi tiếp cận nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn hóa thế giới - tất cả đều ngợi ca tài-đức, tâm-trí, văn-võ song toàn của Đại tướng. Và hiếm có ý kiến trái chiều. Ông là Đại tướng của các đại tướng, là tổng tư lệnh đáng kính của quân đội, dân tộc. Những chỉ đạo trên chiến trường, từ “Chiến dịch biên giới Đông Khê” (Cao Bằng) vào năm 1950 đã mở ra con đường số 4, giúp nước ta liên lạc được với các nước khác đã đưa cách mạng nước nhà chuyển thế từ bị động sang chủ động; đến chủ trương “Đánh chắc, thắng chắc” trong chiến thắng Điện Biên- “chấn động địa cầu” và “Thần tốc, táo bạo” trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã làm cho cả thế giời phải công nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là 1 trong 10 danh tướng tài ba lừng lẫy nhất thế giới. Sự lỗi lạc, kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đặc biệt ở chỗ đánh thắng những kẻ thù chung của thế giới, đó là thực dân, đế quốc xâm lược, xóa bỏ rào cản của nhân loại…”.
Còn sinh viên Nguyễn Thị Dung- K52A, Khoa Lịch sử cũng chia sẻ: “Mấy năm gần đây, chúng em vẫn thường cập nhật những thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và biết gần đây, sức khỏe của Đại tướng không tốt. Nhưng sự mất mát này vẫn đột ngột, bởi sự hiện diện của Đại tướng trong lịch sử Việt Nam đã quá đỗi thân quen. Em yêu tất cả các phân môn lịch sử, nhưng vẫn thích thú nhất phần lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng chính vì phần này gắn với tài thao lược quân sự của tướng Giáp, vị đại tướng đầu tiên trong lịch sử nước nhà…”. Bản thân cuộc đời của Đại tướng là một “pho sử sống” mà lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ phải tiếp tục nghiên cứu toàn diện về tư tưởng chính trị, quân sự, đạo đức, văn hóa và những giá trị nhân văn của con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Ngậm ngùi khi nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Nguyễn Phong Phú- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh tâm sự: “Đại tướng là người chỉ huy đáng kính của tất cả quân sỹ. Không chỉ sắc sảo về chiến trận mà trong quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sỹ, Đại tướng rất gần gũi, ân cần. Trong cuộc đời quân ngũ, tôi cũng như đa số các cựu chiến binh người Nghệ chưa được trực tiếp gặp, làm việc với Đại tướng. Nhưng qua những mệnh lệnh, cũng như những quyết sách của ông, chúng tôi càng cảm nhận được về tấm gương giản dị, yêu thương đồng chí, nhân dân, vì nước, vì dân của người “anh Cả” quân đội nhân dân Việt Nam”. Chia tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta luôn tưởng nhớ một con người huyền thoại - một người đã vào sinh ra tử, sống trường sinh 103 tuổi với tâm đức, trí tuệ vẹn toàn vì nước, vì dân…
Và hồi ức của một cựu binh…
Tôi là người chiến sỹ quân đội, là một thương binh nặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vinh dự nhất của đời tôi là được chiến đấu trực tiếp dưới sự chỉ huy của một vị tướng nhân hậu, toàn tài, nhưng hạnh phúc lớn lao của tôi là đã một lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôm hôn.
Vào năm 1989, tỉnh Nghệ - Tĩnh tiến hành tổ chức hội thảo khoa học “Bác Hồ với quê hương” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Tôi được tham gia viết đề tài "Bác Hồ với Xô - viết Nghệ Tĩnh". Trong vòng một tháng, vừa đi tìm tư liệu, vừa nghiên cứu, vừa viết, cộng với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, tôi đã hoàn thành bản tham luận. Ngày 12 tháng 9 năm đó, cuộc hội thảo được tổ chức tại hội trường Tỉnh uỷ, có hàng trăm người tham gia, trong đó có các học giả, các nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí trong và ngoài nước; đặc biệt có Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào trực tiếp điều hành và đọc tham luận khoa học. Được mời đến tham dự, tôi ăn mặc chỉnh tề, mang tay giả, nhìn qua ít người biết tôi bị thương.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bộ đội. |
Choáng ngợp trước tầm cỡ và ý nghĩa lớn lao của cuộc hội thảo, tôi - một cán bộ trẻ mới vào nghề, ngập ngừng tìm về ngồi ở hàng ghế phía sau. Danh sách đọc tham luận của hội thảo hôm đó xếp theo vần a-b, nên sau lời khai mạc, lời dẫn chương trình, lời phát biểu của các nhà lãnh đạo, tôi ở vần b, tên Nguyễn Xuân Bách nên sớm được mời lên đọc tham luận. Khi đọc xong, tràng vỗ tay động viên của thính giả dưới hội trường vừa ngớt, cũng là lúc giờ giải lao giữa buổi, tôi từ trên bục diễn đàn đi xuống, cùng lúc Đại tướng rời bàn chủ tịch điều hành đi ra, tất cả mọi người trong hội trường đứng lại nhường đường và bắt tay bác.
Thấy tôi vừa đọc tham luận xong, đi sát phía sau, bác quay lại khen và bắt tay chúc mừng. Trước sự đột ngột, tôi cũng cúi xuống và giơ bàn tay trái còn lại của mình ra đáp từ. Những người đi bên cạnh bác Giáp chưa hiểu, nhìn tôi với con mắt thiếu thiện cảm, có phần khiển trách, vì tôi chỉ dùng một tay, lại bắt bằng tay trái với vị Tổng tư lệnh thiên tài, đáng kính. Rất may anh Trần Ngọc Giảng là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh ủy lúc đó đỡ lời: "Đây là đồng chí thương binh, bị thương trong chiến trường, chỉ còn lại một tay, là cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Xô - viết Nghệ Tĩnh”.
Nghe xong, bác Giáp dừng lại và quay về phía sau ôm lấy tôi, tôi cũng lấy một cánh tay còn lại quàng lên cổ bác. Bác không gọi tôi bằng đồng chí nữa, mà gọi bằng “cậu” (từ gọi thân thương của người chiến sỹ trong quân ngũ): "Cậu bị thương ở đâu? Đánh trận nào? Đã có gia đình chưa?". Bác còn sờ lên cánh tay bị thương của tôi và hỏi: “Thường ngày vết thương có đau lắm không?”. Tôi cảm động trả lời bác từng lời. Bác động viên tôi: "Cậu là thương binh, nghiên cứu về Đảng, về Bác Hồ là rất tốt, Bác Hồ là người đã từng chỉ đạo phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh.
Nhiều tài liệu của Quốc tế Cộng sản hiện nay đang nằm ở trong kho lưu trữ nước ngoài, ta chưa khai thác hết. Vì vậy cậu phải cố gắng học tập thêm ngoại ngữ, để nghiên cứu, khai thác những nguồn tư liệu mới". Bác còn quay lại bên cạnh các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ Tĩnh, chỉ vào tôi và nói: "Đây là một cán bộ trẻ, các đồng chí nên bồi dưỡng, đào tạo để đồng chí này tiến bộ". Lúc ấy, trước mặt tôi có biết bao ống kính của máy ảnh, máy quay phim, tôi đứng lặng người vì xúc động.
Cuộc đời của tôi đã hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1971, tôi là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, được gặp bác mặc áo lính, mang cấp hàm Đại tướng - Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam vào tận đại bản doanh của Bộ Tư lệnh 559 ở Bố Trạch, Quảng Bình phát lệnh chiến dịch: "Tất cả cho chiến trường miền Nam đại thắng". Lần ấy tôi chỉ được đứng từ xa nhìn bác, nhưng lần này được bác Giáp trực tiếp ôm hôn, dặn dò, hơi ấm của người đọng lại mãi trong tôi. Cho đến hôm nay tôi thật sự tự hào đã được làm người lính trong đoàn quân của một vị tướng thiên tài và hạnh phúc được vị tướng tối cao đó ôm hôn.
Dẫu biết rằng “sinh – lão – bệnh – tử” là qui luật của tự nhiên, nhưng sự ra đi của vị tướng huyền thoại để lại bao tiếc thương, nỗi nhớ mong, sự hẫng hụt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/Mà sao nghe nhói ở trong tim”, người mãi sống trong lòng dân - vị tướng tài ba một lòng, một dạ, “trung trinh” với dân tộc, đất nước.
P.V - C.T.V