Tuyến đường sắt bị bỏ quên

11/08/2014 10:38

(Baonghean) - Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn từng được xem là một trong những tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa vùng miền Tây Bắc Nghệ An, nhưng đã nhiều năm nay, trên tuyến này đã không hề có một chuyến tàu chạy qua. Mặc dù ngừng sử dụng lâu nay, nhưng mỗi năm, Nhà nước phải chi gần chục tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng và trả lương cho hàng chục cán bộ, công nhân trên tuyến này…

Gắn bó với ngành Đường sắt từ năm 1996 đến nay, chị Hồ Thị Hoa được phân công trực ở Trạm chắn số 5, km 25 + 856 thuộc địa bàn Thị xã thái Hòa. Đây là trạm chắn gần cuối của tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn. Đã nhiều năm nay, bên cạnh cuốn sổ ghi nhật ký tàu chạy qua, công việc chính của chị Hoa là ghi ngày, giờ và dòng chữ “Không có tàu”. Cùng chúng tôi dọc theo trạm chắn trên tuyến, nhiều đoạn cỏ đã mọc che hết cả đường ray, cây cối 2 bên che khuất dần lối đi.

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có chiều dài trên 30km, nối miền Tây Bắc của tỉnh ta với đường sắt Bắc - Nam. Tuyến có điểm đầu tại Thị trấn Cầu Giát - huyện Quỳnh Lưu và điểm cuối là huyện Nghĩa Đàn. Toàn tuyến có 3 ga chia làm 4 cung. Trước đây, tuyến đường sắt này là một trong những tuyến huyết mạch, chủ lực dùng để vận chuyển người và hàng hóa từ các huyện miền núi của tỉnh đi cả nước và ngược lại. Thế nhưng, theo thống kê của Công ty Vận tải Đường sắt Nghệ - Tĩnh, 10 năm qua, tàu khách đã dừng chạy trên tuyến này, còn tàu hàng cũng đã ngừng gần 5 năm nay. Nhiều điểm, người dân và cả những người gác chắn cũng đã bắt đầu quên đi sự có mặt của các đoàn tàu. Mặc dầu vậy, để tránh hiện tượng người dân lấn chiếm hành lang đường sắt, thì vẫn phải duy trì một đội ngũ công nhân với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng và kinh phí duy tu, mỗi năm từ Ngân sách Nhà nước cũng phải tiêu tốn gần 8,5 tỷ đồng.

Hiện nay, trong khi ngành Giao thông vận tải đang siết chặt vấn đề tải trọng, việc đổi mới, tìm giải pháp để khôi phục lại hoạt động cho tuyến đường sắt này là điều mà các cơ quan chức năng nói chung và ngành Quản lý đường sắt nói riêng cần phải nghĩ tới. Đây cũng có thể được xem là một trong các giải pháp để giảm thiểu sự xuống cấp của các tuyến giao thông đường bộ miền lên núi do xe quá khổ, quá tải “cày xới”. Dư luận đang mong chờ vào sự hồi sinh một tuyến đường đang bị bỏ quên và lãng phí lâu nay.

Bùi Thọ

Đài PT-TH Nghệ An

Mới nhất

x
Tuyến đường sắt bị bỏ quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO