Tuyển sinh ĐH - CĐ 2015: Điểm cao chót vót vẫn thấp thỏm

11/08/2015 09:46

Tuyển sinh năm nay thật khó lường là lời nhận xét chung của các nhà tuyển sinh trên cả nước. Dù có rất nhiều thí sinh điểm cao nhưng những trường “đỉnh” hiện cũng chưa có nhiều hồ sơ. Dự báo, chặng “nước rút” (10 - 20/8) tới, hiện tượng rút - nộp hồ sơ để “về đích” sẽ diễn ra kịch tính.

ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 6.000 thí sinh và đã nhận được 8.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng Phòng Đào tạo cho biết, đã có 200 thí sinh rút hồ sơ trong ngày.

ĐH Ngoại thương, sau một số ngày nín thở chờ thí sinh, tới 10/8 đã thu được 2.400 hồ sơ, vượt chỉ tiêu với điểm thí sinh cao nhất là 29 và thấp nhất 22. Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng Phòng Đào tạo trường này cho biết, thí sinh đã bắt đầu rút hồ sơ (một ngày khoảng 10 người rút) và dự báo: Từ hôm nay, thí sinh sẽ rút hồ sơ. Một số thí sinh điểm cao tiếp tục nghe ngóng để nộp thêm vào trường này.

Tại ĐHQG TPHCM, trong 7 đơn vị thành viên, 2 đơn vị nhận được nhiều hồ sơ ĐKXT là ĐH Kinh tế - Luật và khoa Y trực thuộc; các đơn vị còn lại vẫn đang chờ vì mới lấp đầy 75% chỉ tiêu hoặc dưới tỷ lệ này. Một chuyên gia của ĐH này cho biết, năm nay rất khó lường.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ảnh: Đào Pha
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Ảnh: Đào Pha

25 điểm trượt Bách Khoa, 27 điểm trượt Y?

Hiện có ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội đang ở mức điểm chuẩn tạm thời là 8,5/môn và có ngành ở mức hơn 7,0/môn. Ông Nguyễn Phong Điền cho biết: thí sinh đạt 25 điểm chưa chắc đã vào được ngành công nghệ thông tin (CNTT) của trường này vì phải có điểm trung bình 8,5/môn mới có thể hy vọng.

Trong số các nhà tuyển sinh của các trường “đỉnh”, một nhà tuyển sinh ở khu vực Hà Nội nhận xét: Trường được hồ sơ điểm cao nhưng không vui vì điểm năm nay cao một cách khó lường! Với vẻ hoài nghi, nhà tuyển sinh này hé lộ kế hoạch: Sẽ thống kê xem thí sinh đạt từ 8 điểm nằm ở vị trí nào trên bản đồ mà thí sinh nộp hồ sơ vào trường toàn từ 8, 9, 10 điểm/môn; thậm chí có thí sinh đạt 10,2 điểm/môn thi (do được cộng thêm điểm ưu tiên) cũng không làm nhà trường vui!

Trường “đỉnh” của “đỉnh” như ĐH Y Hà Nội, kết thúc ngày 10/8 đã nhận được 945 hồ sơ /1.000 chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng, điểm số của thí sinh rất tập trung vào những khoảng điểm của chuẩn năm trước, chẳng hạn ngành y đa khoa đang có phổ điểm tập trung ở khoảng 27 điểm trở lên.

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM đưa ra lời khuyên: thời gian tới, thí sinh có điểm tốt nên nộp hồ sơ ĐKXT để vừa đúng nguyện vọng của mình, vừa giúp các trường sớm định điểm chuẩn lại giúp các thí sinh khác sớm biết được khả năng đỗ hay trượt. Thí sinh điểm chưa cao càng phải tăng cường theo sát thông tin xếp hạng để quyết định rút - nộp hồ sơ ĐKXT đúng thời điểm và hợp lý.

Theo công bố mới nhất vào cuối tuần qua của trường ĐH Y dược TPHCM, ngành bác sĩ Đa khoa trường này hiện có 410 thí sinh đạt từ 27,25 điểm trở lên trong khi ngành này tuyển 400 chỉ tiêu (chưa trừ diện cử tuyển, dự bị và tuyển thẳng). Theo danh sách này, trường còn có hơn 70 thí sinh có cùng 27 điểm. Như vậy, nếu lấy tối đa 400 chỉ tiêu, cộng với khoảng 10% được phép tuyển thêm thì ngành này thí sinh đạt 27 điểm (trung bình 9 điểm/môn) chưa chắc trúng tuyển.

Tương tự, ngành bác sĩ răng hàm mặt, số thí sinh có tổng điểm tham gia xét tuyển cũng tương đối cao. Cụ thể, ngành này tuyển 100 chỉ tiêu nhưng đã có 122 thí sinh có tổng điểm là 23 điểm trở lên…

Ở khối trường kỹ thuật, trường ĐH Bách khoa TPHCM điểm số cũng liên tục biến động theo chiều hướng tăng lên. Nhóm ngành có điểm xét tuyển tối thiểu cao nhất hiện tại là máy tính và CNTT với 24,5 điểm (mức này được công bố trước đó là 24,25 điểm).

Nhiều ngành điểm chuẩn xét tuyển tối thiểu điều chỉnh theo hướng tăng lên và lấy điểm xét tuyển tương đối cao như ngành Kiến trúc lấy 24,25 điểm; Nhóm ngành cơ khí cơ điện tử, Nhóm ngành hóa - thực phẩm - sinh học, Nhóm ngành kỹ thuật địa chất - dầu khí lấy 23,5 điểm; Nhóm ngành điện, điện tử lấy 23 điểm… Theo danh sách cập nhật, trường này cũng có 13/17 ngành có lượng hồ sơ nộp vào hiện đang bằng hoặc vượt chỉ tiêu…

Sư phạm, kinh tế tiếp tục “hot”

Tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, theo danh sách công bố ngày 9/8, số thí sinh đăng ký vào các ngành sư phạm như sư phạm Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, giáo dục Mầm non, giáo dục Tiểu học… chiếm cả ưu thế về số lượng lẫn chất lượng.

Cụ thể, ngành có số lượng thí sinh nộp vào nhiều nhất là sư phạm Văn với 1.450 thí sinh, điểm số cao nhất ở ngành này là 37,42 điểm (môn chính nhân hệ số 2) và có gần 300 thí sinh từ 30 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu là 130. Tiếp đó là các ngành sư phạm Toán có 855 thí sinh đăng ký nguyện vọng, điểm cao nhất là 39,25 điểm, có 498 thí sinh có trên 30 điểm (chỉ tiêu là 150); ngành sư phạm Lý có 974 thí sinh đăng ký, điểm cao nhất là 38,42 điểm, có 477 thí sinh trên 30 điểm (chỉ tiêu 100). Tương tự, các ngành như sư phạm Hóa, Sinh, Sử, tiếng Anh… đều diễn ra tình trạng trên.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM đến nay nhận được hơn 5.400 hồ sơ xét tuyển trong khi chỉ tiêu là 4.400. Tuy nhiên, theo thống kê với 4.561 thí sinh mới cập nhật vào bảng xếp hạng, trường này đã có 4.398 thí sinh trên 20 điểm.

Hiệu ứng đô mi nô rút-nộp

Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM dự báo: Nửa thời gian sắp tới (10 - 20/8) việc rút hồ sơ sẽ diễn ra mạnh hơn. Thí sinh điểm tốt sẽ nộp vào nhiều hơn. Một nhà tuyển sinh nhận xét, điều này sẽ gây ra hiệu ứng đô mi nô trong các trường ĐH: thí sinh điểm cao nộp vào trường cao, đẩy điểm chuẩn tạm thời của các trường này lên cao, khiến cho thí sinh đã đỗ tạm thời trong thời gian vừa qua bật ra; thí sinh điểm khá cao bị bật ra sẽ nộp giấy ĐKXT vào trường thấp hơn và sẽ đánh bật các thí sinh đã đỗ tạm thời trước đó… Cứ như vậy sẽ tạo nên “cơn sóng” đô mi nô đáng kể trong hệ thống.

Theo Tiền phong

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tuyển sinh ĐH - CĐ 2015: Điểm cao chót vót vẫn thấp thỏm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO