Tỷ phú từ trồng rừng nguyên liệu
(Baonghean) - Ở xã Bắc Thành - Yên Thành ai cũng nể phục anh Nguyễn Trọng Lộc, bằng nghị lực vượt qua bao khó khăn thử thách làm giàu ngay trên quê hương mình bằng nghề trồng rừng, tạo nhiều việc làm cho người lao động với mức thu nhập ổn định.
Anh Nguyễn Trọng Lộc chăm sóc rừng keo nguyên liệu. |
Trang trại của anh Nguyễn Trọng Lộc nằm ở vùng Trổ Đó, xã Bắc Thành (Yên Thành) phủ một màu xanh bạt ngàn của trên 20 ha keo lai, bạch đàn đã đến tuổi cho thu hoạch. Sinh năm 1972 trong một gia đình đông con, nghèo khó, ngay từ nhỏ anh Lộc đã phải bươn chải làm đủ thứ nghề giúp bố mẹ kiếm sống, nuôi các em ăn học. Năm 1996 anh cưới vợ, hai vợ chồng ra ở riêng với hai bàn tay trắng, quanh năm suốt tháng bám đồng ruộng rồi làm thêm đủ thứ nghề nhưng nghèo khó vẫn bủa vây. Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo, anh Lộc đã nghĩ đến vùng rừng Trổ Đó rộng lớn, trước đây bố anh từng xin xã nhận thầu làm trang trại nhưng không thành công nên lâu nay vẫn bỏ hoang, với suy nghĩ táo bạo, mình có thể cải tạo lại để trồng rừng, biết đâu sẽ đổi đời.
Vùng rừng Trổ Đó nằm ở cuối xã Bắc Thành giáp ranh với 2 xã Trung Thành và Đồng Thành vốn heo hút với tổng diện tích lên tới 75 ha. Do diện tích quá rộng, bố anh chỉ đủ sức khai hoang được khoảng 5 ha, trên 70 ha còn lại chỉ có cây bụi và lau lách rậm rạp, là nơi trú ngụ của lợn lòi, rắn rết. Thấy anh bắt đầu “công cuộc” cải tạo vùng đất nghèo và heo hút này, bố mẹ anh không tránh khỏi lo lắng. Khuyên can không được, ông bà đành quay lại khuyên anh nếu muốn trồng rừng ở đây thì cũng chỉ nên làm diện tích ít thôi vì lấy đâu ra vốn liếng mà khai hoang, rồi liên quan đến bao nhiêu thứ nữa như bảo vệ rừng, đường phục vụ cho cây nguyên liệu chưa có liệu có ai dám lên để vận chuyển keo.
Thế nhưng, năm 1998 anh quyết định khăn gói vào Trổ Đó dựng lều lán để chinh phục rừng hoang. Ban đầu chỉ với cuốc, thuổng, dao, rựa vợ chồng anh quần quật khai hoang, sau hơn 1 năm đã đẩy lùi được rừng rậm âm u, tạo được mặt bằng “sạch” trên 10 ha. Số diện tích ban đầu ấy, anh triển khai trồng keo và bạch đàn xen lẫn ngô, sắn để lấy ngắn nuôi dài. Thế nhưng niềm vui chưa kịp nhen lên, nắng hạn kéo dài, trong khi nguồn nước tưới không có đã làm cả chục ha cây keo và cây màu đều chết cháy. “Muốn trồng rừng hiệu quả thì phải có nước để tưới cho cây trồng”. Từ suy nghĩ đó, anh Lộc đã lội rừng tìm được nguồn nước ở khe Hủng Ngò, kỳ công chặn dòng khe dự trữ được nguồn nước, tiếp tục vay mượn vốn để trồng rừng.
Trời không phụ công người, năm 2003, sau bao khó khăn vất vả, lần đầu tiên vợ chồng anh Lộc đã thu về thành quả đầu tiên từ 10 ha keo và bạch đàn. Số tiền thu được, anh lại đổ vào rừng, tiếp tục khai hoang Trổ Đó. Dần dần, đến năm 2010, anh Nguyễn Trọng Lộc đã cải tạo và phủ xanh được 75 ha rừng, trong đó có cả diện tích đất rừng ở những nơi núi cao, địa thế hiểm trở - điều mà lúc đầu không ít người can ngăn, vì nghĩ anh không thể làm được. Anh Lộc chia sẻ: Bí quyết của tôi là muốn trồng cây nguyên liệu hiệu quả thì phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, mua cây giống phải đảm bảo chất lượng và đặc biệt là dám đầu tư phân bón, từ 10 - 12 triệu đồng mỗi ha rừng trồng. Bên cạnh đó dù địa thế núi cao nhưng dùng máy bơm “đẩy” được nước lên để tưới cho keo giai đoạn đầu thì keo sẽ sinh trưởng tốt.
Để giải quyết đầu ra cho cây nguyên liệu, năm 2011 anh Lộc đã mạnh dạn đầu tư trên 200 triệu đồng mở đường vận chuyển nguyên liệu với chiều dài trên 1 km giúp xe tải vào tận nơi để thu mua. Bên cạnh đó anh còn mạnh dạn thay thế các loại cây bạch đàn, giống keo nội bằng giống keo nhập ngoại (keo Úc) được lấy tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành để trồng với diện tích trên 30 ha. Đến nay một số diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất từ 35 - 40 m3/ha, với giá bán hiện nay là 3 triệu đồng/m3 gỗ, thu nhập mỗi ha rừng đạt từ 100 - 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Diện tích keo rộng lớn, được trồng gối vụ nên trong năm anh đều có thu hoạch, mỗi năm doanh thu từ rừng đạt 1-1,2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mà trang trại của anh Lộc còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động và trên 30 lao động thời vụ (chủ yếu khi thu hoạch keo). Đặc biệt, anh còn hỗ trợ và truyền đạt kinh nghiệm trồng rừng cho nhiều bà con ở xã Bắc Thành vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ vươn lên làm giàu.
“Tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở thêm đường nguyên liệu, đồng thời thay thế 100% diện tích keo nhập ngoại giống Úc. Vì keo nhập ngoại vừa cho gỗ lớn, năng suất cao lại dễ tiêu thụ, trong khi keo nội đang bị ứ đọng đầu ra”.Tỷ phú trồng rừng đã chân thành chia sẻ như vậy khi nói về những dự định sắp tới của mình.
Phú Hương