Mỹ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt quan chức Nga; Anh - EU xuất hiện mâu thuẫn mới
(Baonghean.vn) - Chính quyền Tổng thống Biden tuần qua đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể của Nga nhằm đáp trả vụ đầu độc và bỏ tù nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh lại xuất hiện mâu thuẫn mới, sau khi Anh thông báo gia hạn tạm hoãn kiểm tra hải quan với những thực phẩm tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland, động thái mà EU cho là đe dọa phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận Brexit.
VÁN CỜ ĐẦY RỦI RO?
Kể từ khi Joe Biden trở thành tổng thống, lệnh trừng phạt Nga lần này là động thái quan trọng đầu tiên của chính quyền mới trong việc chống lại Nga.
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao của Chính phủ Nga, bao gồm một số nhân vật như 2 Phó chánh Văn phòng Tổng thống, 2 quan chức quốc phòng, Tổng công tố Nga, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang... Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, cùng với những hình phạt của Liên minh châu Âu thì biện pháp của Mỹ đối với Nga là “hình phạt khá lớn”, mà trước đó Nga chưa từng phải hứng chịu.
Nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Ảnh: Reuters |
Giới chức cấp cao của chính quyền Biden nói rằng, Mỹ không tìm cách thiết lập lại cũng như không leo thang căng thẳng mối quan hệ với Nga. Thay vào đó, mục tiêu của chính quyền Biden là có một mối quan hệ “có thể đoán trước và ổn định”. Thông qua lệnh trừng phạt lần này, các quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng đây là làn sóng phản ứng đầu tiên của Mỹ đối với hoạt động được cho là “tồi tệ” của Nga. Do đó Washington đang xem xét mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga trên nhiều mặt trận, và có thể công bố các biện pháp tiếp theo trong những tuần tới. Những động thái này đều nhấn mạnh rằng, cách tiếp cận của chính quyền mới đối với Nga sẽ khác hoàn toàn với cách tiếp cận của người tiền nhiệm Donald Trump - người bị chỉ trích là quá mềm mỏng với Moskva và Tổng thống Putin.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp trừng phạt này không tương xứng với kỳ vọng, nhất là khi chính quyền Biden cam kết sẽ cứng rắn với Nga hơn với thời Donald Trump. Thứ nhất, việc phong tỏa tài sản của quan chức Nga ở Mỹ được đánh giá là khó đạt hiệu quả, bởi chưa rõ các quan chức này có tài sản gì ở Mỹ hay không. Thứ hai, Mỹ nên trừng phạt những doanh nhân hay tài phiệt quyền lực của Nga, thì Washington không hề đề cập tới các mục tiêu này. Tờ National Interest nhận định, các biện pháp mà chính quyền Biden công bố là quá ít và không đủ mạnh.
Cùng với tranh luận trên, câu hỏi khác đặt ra là động thái của Mỹ đối với Moskva có ảnh hưởng như thế nào đến 2 mối quan hệ quan trọng hơn của Washington: Berlin và Bắc Kinh. Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính phủ của bà không hoàn toàn hài lòng với những chính sách của Tổng thống Putin, song bà Merkel cũng đưa ra tín hiệu rõ ràng với Washington rằng, Berlin không nối gót Mỹ trong vấn đề này. Nhất là khi Đức (rộng hơn nữa là châu Âu) có những lợi ích trong mối quan hệ với Nga, mà họ không muốn Mỹ phớt lờ.
Nhà Trắng thể hiện quan điểm cứng rắn trong các biện pháp trừng phạt Nga. Ảnh: US News |
Như một số người trong bộ máy an ninh quốc gia của ông Biden đề xuất, cạnh tranh chiến lược cuối cùng của Mỹ là với Trung Quốc. Do đó nảy sinh mối lo ngại rằng, việc tập trung quá nhiều vào Nga trong ngắn hạn sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế của mình. Hơn nữa, khi các cán cân quyền lực tiếp tục nghiêng nhiều hơn về phía có lợi cho Bắc Kinh, điều này có thể tạo cơ hội khuyến khích Moskva xem xét lại chiều sâu của quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ biện pháp nào áp đặt đối với Nga cũng cần có những “đường tắt” rõ ràng có thể mang lại cơ hội bình thường hóa quan hệ với Moskva.
Tổng thống Biden có thể tuyên bố một cách chính đáng rằng, ông đã đáp trả các hành động của Nga và đề cao các giá trị của Mỹ bằng cách áp đặt lên chính quyền Putin. Nhưng những người chỉ trích ông sẽ chỉ ra rằng, hàng loạt lệnh trừng phạt hiện tại phần lớn chỉ là “cuộc tập dượt” mang tính biểu tượng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đáp trả các hành động của Mỹ bằng cách đe dọa trả đũa và cảnh báo rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ xấu đi nữa, mặc dù các đòn trừng phạt của Washington không gây thiệt hại nặng nề nào đối với bất kỳ ưu tiên quan trọng nào của Nga.
GIA TĂNG CĂNG THẲNG
Kể từ khi Anh rời EU vào năm ngoái, quan hệ giữa London và khối đã trở nên xấu đi. Cả hai bên đều đưa ra những cáo buộc bên kia hành động thiếu thiện chí, liên quan đến những điều khoản của thỏa thuận thương mại, bao gồm cả việc vận chuyển hàng hóa tới Bắc Ireland.
Căng thẳng mới nảy sinh sau khi Thủ hiến vùng Bắc Ireland thông báo, London sẽ gia hạn giai đoạn ân hạn, trong đó thực phẩm và nông sản có thể được chuyển từ lục địa Anh tới Bắc Ireland mà không cần kiểm tra hải quan. Động thái này sẽ kéo dài thời hạn áp dụng giai đoạn ân hạn đến ngày 1/10 thay vì chấm dứt vào tháng 4 như đã được 2 bên thống nhất trước đó.
Nhân viên cảnh sát túc trực kiểm tra an ninh các xe chở hàng vào Bắc Ireland. Ảnh: Reuters |
Trong một tuyên bố, EU bày tỏ quan ngại mạnh mẽ trước động thái mà họ cho là vi phạm các điều khoản thực chất của Nghị định thư Bắc Ireland, phần gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU. “Đây là lần thứ 2, Anh vi phạm luật pháp quốc tế”, tuyên bố của EU nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic cho biết, EU sẽ có hành động pháp lý để đáp lại “hành động đơn phương này”. EU cho rằng, động thái mới của Anh sẽ làm suy yếu thỏa thuận nhằm bảo vệ hòa bình trên đảo Ireland.
Tuy nhiên, trong thông báo đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa David Frost - Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh, và ông Maros Sefcovic, chính phủ Anh cho biết, Bộ trưởng Frost đã giải thích rõ rằng, các biện pháp này chỉ là các bước đi mang tính kỹ thuật, tạm thời, chủ yếu tiếp nối các biện pháp đã được áp dụng. Chính phủ Anh cho rằng, việc tạm hoãn 6 tháng là điều cần thiết để cho các doanh nghiệp như siêu thị, các nhà vận chuyển hàng hóa có thêm thời gian thích nghi và triển khai những quy định mới.
Số phận của Bắc Ireland luôn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt trong các cuộc đàm phán Brexit. Kể từ khi Brexit chính thức diễn ra vào ngày 1/1/2020, riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan, để tránh phải thiết lập “biên giới cứng” giữa vùng này và Cộng hòa Ireland - một thành viên của EU.
Một xe tải đang được kiểm tra an ninh ở cảng Larne, Bắc Ireland. Ảnh: Bloomberg |
Anh và EU cũng đã ký Nghị định thư Bắc Ireland. Theo đó, EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua các cảng, đảm bảo những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường chung EU.
Trong một diễn biến khác, các tổ chức bán quân sự trung thành với Bắc Ireland đã thông báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng, họ tạm thời rút khỏi thỏa thuận hòa bình năm 1998 do lo ngại về thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận Hòa bình năm 1998 của Bắc Ireland, được gọi là Thỏa thuận Belfast hay thứ Sáu tốt lành, phần lớn đã chấm dứt 3 thập kỷ bạo lực giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc chiến đấu để Bắc Ireland trở thành 1 phần của Cộng hòa Ireland và những người trung thành muốn ở lại Vương quốc Anh.