U23 Việt Nam và câu chuyện về cốc nước vơi
Trong giai đoạn quyết định của công cuộc chinh phục chiếc huy chương vàng SEA Games, thầy trò HLV Toshiya Miura rất cần sự ủng hộ tuyệt đối của người hâm mộ.
TIN LIÊN QUAN
Vẫn là một chiếc cốc nước vơi, người lạc quan nhìn vào sẽ bảo: Cốc nước hãy còn một nửa. Người bi quan sẽ than thở: Cốc nước đã vơi đi mất rồi. Suốt từ khi môn bóng đá nam SEA Games 28 khởi tranh, nội bộ người hâm mộ U23 Việt Nam cũng đang tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược. Một nửa cho rằng HLV Miura gây thất vọng, triết lý thực dụng của ông tạo ra một đội U23 thi đấu băm bổ, lý tính và phi nghệ thuật. Nhưng nửa còn lại thì phủ nhận điều ấy, họ vẫn giành sự tín nhiệm tuyệt đối cho HLV Miura, tin rằng triết lý mà ông theo đuổi là phù hợp nhất với trình độ của các cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại.
U23 Việt Nam trình diễn bộ mặt khá ấn tượng ở vòng bảng SEA Games, một phần là nhờ nguồn động lực to lớn từ các cổ động viên. Ảnh: Đức Đồng. |
Đấy quả thực là một cuộc tranh luận dai dẳng. Sự khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ bóng đá Việt Nam lên đến đỉnh điểm sau thất bại muối mặt của U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games 27 (bị loại ngay từ vòng bảng). Quá nhiều thất bại khiến con tim người hâm mộ bị “chai lỳ”, họ chuyển sang trạng thái “yêu nhưng không còn tin”. Vậy mà vẫn có rất nhiều người hâm mộ kiên trì làm người đồng hành qua từng giải đấu. Họ lấy thất bại ở SEA Games 27 làm thước đo để kiểm chứng ý chí vươn lên, vượt qua chính mình của các cầu thủ. Và trên hết, tình yêu của họ không xuất phát từ sự dễ dãi nên rất vững vàng.
Mọi đánh giá về thành công hay thất bại của HLV Miura thời điểm này vẫn chưa đủ độ thuyết phục. Tuy nhiên có một điều chắc chắn: thua một trận trước Thái Lan ở vòng bảng chưa phải là thảm họa. Chúng ta từng giành chiến thắng 3-1 trước U23 Malaysia ở vòng bảng SEA Games 25 (2009) để rồi thua chính họ với tỷ số 0-1 ở trận chung kết. Chúng ta cũng từng thua Thái Lan 0-2 ở vòng bảng AFF Cup 2008, để rồi lên ngôi vô địch sau khi chiến thắng họ với tổng tỷ số 3-2 qua hai lượt trận chung kết. Ngọt ngào và đắng cay đều đã trải qua. Đó chính là tiếng nói từ lịch sử.
Thất bại ở thời điểm này cũng là điều cần thiết để giữ các cầu thủ, giới truyền thông và người hâm mộ ở lại mặt đất. Nói như vậy không có nghĩa là dễ dãi với thất bại. Điều quan trọng sau trận thua là chúng ta rút ra được bài học gì, và thậm chí, trận thua ấy có lợi như thế nào. “Qua mỗi trận đấu với Thái Lan, chúng tôi đều rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Nếu gặp lại họ trong trận chung kết, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nhưng tôi không thể tiết lộ lúc này”, HLV Miura khẳng định sau trận đấu cuối cùng ở bảng B hôm qua 10/6.
HLV Miura cho rằng ông có cách “trị” Thái Lan nếu hai đội tái đấu. Ảnh: Đức Đồng. |
Những thuận lợi đều đã bộc lộ rất rõ. HLV Miura đã chủ động cất các trụ cột trên ghế dự bị để dưỡng sức cho họ, vừa tránh chấn thương, vừa loại trừ nguy cơ treo giò. Quan trọng nhất là tránh lộ “bài”. “Bài” ở đây có thể hiểu là cách sử dụng cầu thủ quan trọng chứ không nhất thiết phải hiểu là “chiến thuật”, khi HLV Miura khẳng định rằng ông luôn có đối sách cụ thể cho từng đối thủ, mỗi trận đấu là một “bài chiến thuật” riêng biệt chứ không có bài chung.
Vài ngày trước trận đấu với Thái Lan, trên các diễn đàn nổ ra một cuộc tranh luận xem đối thủ nào ở bán kết khó nhằn hơn cho U23 Việt Nam. Người thì cho rằng đấy là U23 Myanmar - đội bóng đang chơi rất lên chân và là “ẩn số” của giải đấu năm nay. Số khác quả quyết U23 Singapore mới là đối thủ đáng ngại nhất bởi lợi thế sân nhà và được trọng tài ưu ái thấy rõ. Nhưng suy cho cùng, đối thủ nào cũng có điểm mạnh và sự nguy hiểm của riêng mình. Vậy nên, muốn hiện thực hóa giấc mơ giành huy chương vàng SEA Games, chúng ta không được phép e sợ bất kỳ đối thủ nào. Đối đầu với U23 Myanmar, biết đâu đấy sẽ đem đến những thuận lợi không ngờ.
U23 Việt Nam từng hòa trên thế thắng trước U23 Myanmar ở trận giao hữu cách đây không lâu, nhưng lần tái đấu này sẽ là một U23 Myanmar rất khác. Ảnh: HĐ. |
Dù sao chăng nữa, cũng cần khẳng định rằng chiến thắng của U23 Thái Lan tiếp tục góp một viên gạch để củng cố độ vững chắc cho luận điểm: Thái Lan giờ đây đã không còn ở trong “ao làng” Đông Nam Á. Họ có cho riêng mình phong thái điềm tĩnh của người Nhật Bản, sẵn sàng quái khi cần thiết như người Australia và ngày càng mạnh mẽ hơn trong những cuộc tranh chấp tay đôi như những đội bóng đến từ Tây Á. Dù mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vẫn có nhiều lý do để tin rằng bóng đá Thái Lan chưa thực sự đạt đến đẳng cấp châu lục nhưng vẫn quá vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tính chất của những trận đấu knock-out là điều không thể bỏ qua. Thành bại của cả một quá trình nỗ lực chỉ được quyết định vỏn vẹn trong 90 phút. Ở đó, người chiến thắng đôi khi không phải người mạnh hơn, mà là người có những quyết định hợp lý hơn, thậm chí là may mắn hơn đối thủ. Đó là nơi mà đẳng cấp có ít tiếng nói trọng lượng nhất còn phong độ thì lên ngôi. Thái Lan rất mạnh, nhưng nếu có màn tái đấu, không có gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục thắng dễ như trận đấu vừa qua.
Cuộc tranh luận giữa hai bộ phận người hâm mộ sẽ còn tiếp diễn, có những người tiếp tục nhìn vào nửa vơi của chiếc cốc để phán xét nhưng không thể phủ nhận rằng thầy trò HLV Miura đang đi đúng hướng. Họ vẫn đang làm tất cả những gì có thể để hiện thực hóa giấc mơ huy chương vàng bóng đá SEA Games của người hâm mộ. Và điều mà họ cần nhất lúc này là sự tin tưởng và ủng hộ trong giai đoạn quyết định của công cuộc chinh phục đỉnh cao.
Theo VNE