UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn các công trình thuỷ lợi

Gia Huy 08/07/2022 15:46

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản số 5057/UBND-NN ngày 6/7/2022 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Công văn yêu cầu các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã: tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thuỷ lợi, gây bức xúc trong dư luận.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp các ngành trong thực hiện công tác bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thuỷ lợi theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Sông Sào. Ảnh tư liệu Tiến Đông

- Xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Thuỷ Lợi; Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về việc quy định phạm vi vùng phụ cận và các trường hợp cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi khác, hành lang bảo vệ cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi.

- Rà soát công tác quy hoạch, sử dụng đất đảm bảo không chồng lấn trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

- Rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (xây dựng công trình mới, nuôi trồng thủy sản, lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện...), kiên quyết xử lý dứt điểm các hoạt động trái phép hoặc thực hiện không đúng các quy định trong giấy phép được cấp theo thẩm quyền.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (hình thức, số lượng, vi phạm tồn đọng kéo dài, đánh giá tồn tại và nguyên nhân, đề xuất giải pháp...) trên địa bàn.

- Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh giao:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Công ty TNHH Thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy chế phối hợp số 06/QC-BCA-BNN&PTNT ngày 30/12/2020 giữa Bộ Công an và Bộ Nông nghiệp và PTNT về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch phối hợp số 1052/KHPH-TL-CSMT ngày 12/6/2020 giữa Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Tổng cục Thủy lợi.

- Kiểm tra, rà soát để kịp thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các nội dung được cấp phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi. Tham gia ý kiến việc cấp giấy phép môi trường và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn. Báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên các phương tiện truyền thông; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.

Việc xây dựng các công trình vi phạm dọc theo kênh Vách Bắc, đoạn qua xã Đô Thành, huyện Yên Thành vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: G.H

Đối với các Công ty TNHH Thủy lợi, UBND tỉnh yêu cầu

- Tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, phối hợp và đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo thẩm quyền lập hồ sơ, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi;

- Tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi và vi phạm xả nước thải vào công trình thuỷ lợi theo Công văn số 2280/SNN CCTL ngày 20/7/2020 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện kế hoạch phối hợp số 1052/KHPH-TL-CSMTP ngày 12/6/2020 giữa Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Tổng cục Thủy lợi.

- Xây dựng phương án bảo vệ công trình thủy lợi, tiến hành cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

Mới nhất

x
UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn các công trình thuỷ lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO