Ukraine - tâm điểm giữa hai trật tự thế giới

Đại tá Lê Thế Mẫu 23/01/2023 07:40

(Baonghean.vn) - Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, quá trình hình thành trật tự thế giới mới đa cực là tất yếu, còn cuộc chiến Ukraine có tác dụng đẩy nhanh tiến trình này.

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine mở đầu vào ngày 24/2/2022 đã trở thành cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ đứng đầu phương Tây tiến hành nhằm vào nước Nga; bởi Liên bang Nga - quốc gia đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực, là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ tiếp tục duy trì quyền bá chủ thế giới kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Như vậy, Ukraine là tâm điểm cuộc đấu tranh giữa hai trật tự thế giới trong thế kỷ XXI.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng, cuộc chiến ở Ukraine là bước ngoặt của lịch sử dẫn tới một trật tự thế giới mới. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thì nhận định, Ukraine là tâm điểm của cuộc đấu tranh có ý nghĩa thời đại sẽ khai sinh trật tự thế giới mới. Tuy cả Joe Biden và Sergei Lavrov đều nói về “trật tự thế giới mới” nhưng hàm ý của hai ông khác nhau về bản chất. Trong khi chủ nhân Nhà Trắng theo đuổi tham vọng ngăn chặn bằng được sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối, thì người đứng đầu ngành ngoại giao Nga dự báo cuộc chiến Ukraine sẽ chấm dứt sự thống trị thế giới của Mỹ và sẽ mở ra kỷ nguyên trật tự thế giới đa cực.

Cả Mỹ và Nga đều nhận định Ukraine là tâm điểm cuộc đấu tranh giữa hai trật tự thế giới trong thế kỷ XXI. Ảnh: Fox News

Có một sự trùng hợp lịch sử mang tính thời đại. Trật tự thế giới trong thế kỷ XX là kết cục xung đột giữa Mỹ và Nga diễn ra dưới hình thức 3 cuộc đại chiến: Đại chiến thế giới I, Đại chiến thế giới II và Chiến tranh lạnh. 3 cuộc đại chiến này đều xuất phát từ cùng một nguyên nhân sâu xa là chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm giành quyền bá chủ thế giới. Cơ sở luận chứng của chiến lược này là học thuyết địa - chính trị của Halford J. Mackinder công bố vào năm 1905, coi lãnh thổ của nước Nga là “trái tim của thế giới” và quốc gia nào muốn bá chủ thế giới thì nhất thiết phải chiếm đoạt được nước Nga và biến nó thành thuộc địa.

Để giành quyền bá chủ thế giới, giới tài phiệt Mỹ đứng đằng sau châm ngòi cho Đại chiến thế giới I nhằm xô đẩy các nước châu Âu vào cuộc chiến tranh tàn sát lẫn nhau đến kiệt quệ và “mượn gió bẻ băng”, Mỹ nhảy vào chiếm nước Nga. Sau Đại chiến thế giới I, Mỹ vẫn chưa chiếm được nước Nga do một sự kiện hoàn toàn bất ngờ là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ vào ngày 7/11/1917, khai sinh nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Vì thế, sau năm 1917, Mỹ lôi kéo quân đội của 14 nhà nước tư bản tiến hành bao vây nhằm hủy diệt nước Nga xã hội chủ nghĩa nhưng âm mưu này đã thất bại.

Tuy nhiên, giới tài phiệt Mỹ vẫn chưa từ bỏ tham vọng chiếm đoạt nước Nga và ráo riết phát động Đại chiến thế giới II. Thực hiện tham vọng này, giới tài phiệt Mỹ đã đầu tư toàn diện để đưa Adolf Hitler lên cầm quyền và sử dụng bộ máy quân sự của Đức quốc xã phát động cuộc đại chiến thế giới mới nhằm vào Liên Xô. Toan tính này của Mỹ cũng bị thất bại, buộc họ phải cùng với Liên Xô và Anh ký kết Thỏa thuận Yalta (2/1945) để phân chia thế giới sau chiến tranh và hình thành trật tự thế giới lưỡng cực.

Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta. Nguồn: US National Archives / US Army

Thế nhưng, khi ngọn lửa Đại chiến thế giới II chưa kịp tàn lụi, Mỹ đã phát động Chiến tranh lạnh với toan tính làm tan rã Liên Xô và họ đã thành công. Chính vì thế, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, giới lãnh đạo ở Washington tuyên bố Mỹ là “quốc gia chiến thắng”, còn Nga là “quốc gia chiến bại” trong Chiến tranh lạnh, nên Moscow phải chấp nhận sự sắp đặt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, vào thời điểm trật tự thế giới lưỡng cực sụp đổ, giới phân tích chính trị ở phương Tây đã từng dự báo, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo chỉ là “khoảnh khắc của lịch sử”. Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc năm 1997 khẳng định, hai nước sẽ phối hợp nỗ lực để xây dựng trật tự thế giới đa cực trong thế kỷ XXI.

Tự cho mình quyền bá chủ thế giới sau Chiến tranh lạnh, Mỹ tự tung, tự tác trong quan hệ quốc tế và ngang nhiên phát động hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược dưới các danh nghĩa khác nhau do Washington tự vẽ ra như “bảo vệ nhân quyền” trong chiến tranh Kosovo (1999) và chiến tranh Libya (2011), “chống khủng bố” trong chiến tranh Afghanistan (2001-2021), “chống vũ khí hóa học” trong chiến tranh Iraq (2003)… Mỹ còn đứng đằng sau kích động hàng loạt cuộc “cách mạng màu” ở nhiều nước. Các hành động phiêu lưu quân sự và chính trị của Washington không chỉ làm tiêu hao nguồn lực khổng lồ của Mỹ mà còn gây ra sự tàn phá, chết chóc và bất ổn ở nhiều khu vực, không mang lại “nhân quyền”, “tự do”, “dân chủ” hay “cải cách” như họ tuyên bố.

Cuộc cách mạng Cam diễn ra vào năm 2004 đã thay đổi cục diện chính trị ở Ukraine. Ảnh: DW

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ áp đặt cho nhiều nước như Cuba, Iran, Triều Tiên và Venezuela đã làm xói mòn nền tảng Tổ chức Thương mại thế giới, khiến nhiều nước không còn tin vào “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” do Mỹ chi phối. Sự suy giảm toàn diện vị thế của Mỹ là tín hiệu cáo chung kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực. Xu hướng này được thừa nhận tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich năm 2020 với chủ đề “Thế giới không còn phương Tây” ("Westlessness") cảnh báo sự sụp đổ tất yếu của trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chính thức tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sẽ đấu tranh để xây dựng trật tự thế giới mới đa cực. Washington coi tuyên bố này của Vladimir Putin là “lời tuyên chiến” với trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Từ đó, Mỹ đứng đầu các đồng minh, trước hết là NATO, quyết định phát động cuộc chiến tranh phức hợp nhằm chống Nga, mở đầu bằng cuộc đảo chính trong năm 2014 để dựng lên ở Kiev chính quyền do lực lượng tân phát xít kiểm soát. Lịch sử lại lặp lại: Nếu trong Thế chiến II, Mỹ sử dụng phát xít Đức chống Liên Xô, thì hiện nay họ sử dụng các lực lượng tân phát xít ở Ukraina để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga. Bản chất tân phát xít của chính quyền Kiev hiện nay được thể hiện ở lá phiếu của họ chống Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc cấm phục hồi chủ nghĩa phát xít đã từng gây ra Thế chiến II.

Tương tự như Đức quốc xã, chính quyền nhuốm bản chất tân phát xít ở Kiev coi chính sách “bài Nga” triệt để là quốc sách. Từ năm 2014, Mỹ coi Ukraina là đồng minh và xây dựng quân đội Ukraine theo tiêu chuẩn NATO. Đồng thời, Mỹ đã xây dựng 10 căn cứ quân sự và 30 phòng thí nghiệm vũ khí sinh học trên lãnh thổ Ukraine và tiến hành hàng chục cuộc tập trận trên lãnh thổ quốc gia này theo kịch bản chiến tranh chống Nga. Đứng trước tình thế nguy cấp này, trong tháng 12/2021, Moscow đề nghị Washington và Brussles đàm phán để ký kết Hiệp ước Bảo đảm an ninh Mỹ-Nga và NATO-Nga, trong đó, có yêu cầu không được kết nạp Ukraina vào NATO. Washington và Brussles đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này của Moscow. Đứng trước tình huống này, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, việc Mỹ kết nạp Ukraine vào NATO là “lằn ranh đỏ” và Nga sẽ có biện pháp ngăn chặn Mỹ vượt qua. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chính là một trong những biện pháp đó.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine để đối phó với việc Mỹ kết nạp Ukraine vào NATO (Trong ảnh: Xe tăng Nga tại Crimea). Ảnh: Tư liệu

Mục tiêu của Mỹ khi dồn Nga vào “chân tường”, buộc Tổng thống Vladimir Putin phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là mượn cớ “Nga xâm lược Ukraine” để lôi kéo phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận “địa ngục” nhằm vào Nga với toan tính đẩy Nga tới tan rã. Đồng thời, NATO viện trợ toàn diện cho Ukraine trong cuộc chiến này nhằm đánh bại Nga trên chiến trường. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đến nay, Mỹ đứng đầu phương Tây áp đặt gần 10.000 biện pháp cấm vận đối với Nga. Tuy nhiên, khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã tiên liệu trước và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó với cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Mỹ và phương Tây. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 7/9/2022, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: “Nga đã đối phó thành công cuộc xâm lược kinh tế của Mỹ. Trong khi đó, chiến tranh kinh tế của Mỹ đã đẩy các nước phương Tây vào tình thế khủng hoảng kinh tế - xã hội và gây ra những hậu quả khó lường đối với toàn thế giới”.

Trong khi đó, uy tín và vị thế của Mỹ suy giảm. Trước hết, các đồng minh then chốt của Mỹ trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhận thấy hiểm họa từ sự phụ thuộc vào Mỹ và quay sang ủng hộ Nga để duy trì thị trường dầu mỏ ổn định. Một số nước châu Âu đã bắt đầu nhận thấy hiểm họa từ hành động hùa theo Mỹ chống Nga. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, cần phải xây dựng cấu trúc an ninh châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống Nga. Cuộc chiến Ukraine sẽ còn kéo dài, nhưng đến thời điểm này có thể dự báo âm mưu của phương Tây do Mỹ dẫn dắt trong cuộc chiến chống Nga đã thất bại.

Một phần lô hàng viện trợ quân sự, gồm các vũ khí sát thương của Phương Tây cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng, cuộc chiến Ukraine chứng tỏ sự thống trị của phương Tây sắp kết thúc khi Nga thiết lập quan hệ đối tác với Trung Quốc - quốc gia đang vươn lên vị thế siêu cường trong một ngã rẽ quan trọng nhất trong nhiều thế kỷ. Barry Pavel - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mỹ của Atlantic Council nhận định, trên thực tế, hầu hết các chính phủ trên thế giới không ủng hộ chiến dịch cấm vận Nga do Mỹ phát động. Mark Leonard - Giám đốc Hội đồng Châu Âu về quan hệ đối ngoại cho rằng, cuộc chiến Ukraine chứng tỏ kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc. Christopher Layne - Giám đốc tình báo và an ninh quốc gia tại George Bush School of Government nhận định: “Quyền thống trị thế giới của châu Âu đang tới hồi kết”...

Theo Vladimir Putin, quá trình hình thành trật tự thế giới mới đa cực là tất yếu, còn cuộc chiến Ukraine có tác dụng đẩy nhanh tiến trình này. Ông Putin cho rằng, để xây dựng trật tự thế giới đa cực cần điều chỉnh cấu trúc của Liên hợp quốc để phản ánh đầy đủ tính chất đa dạng về kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới trong thế kỷ XXI.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gợi ý mô hình trật tự thế giới đa cực, trong đó tập hợp các quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế đã được thừa nhận chứ không dựa trên luật lệ của một siêu cường nào đó áp đặt. Hiện nay, nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đang thể hiện nguyện vọng gia nhập SCO và BRICS. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, với vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2023, New Delhi sẽ thúc đẩy quá trình hình thành trật tự thế giới đa cực.

Mới nhất
x
Ukraine - tâm điểm giữa hai trật tự thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO