Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa

27/08/2013 15:34

(Baonghean) - Trong sản xuất lúa việc sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ mùa màng, gia tăng năng suất đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu. Tuy nhiên do tình trạng hiện nay các chất hóa học đã được sử dụng quá nhiều trên đồng ruộng, đã làm mất cân bằng sinh thái, khiến cho việc sản xuất lúa thiếu tính bền vững.

Nhằm giảm thiểu những tác hại từ việc lạm dụng thuốc hóa học, nhiều biện pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng ở ĐBSCL như quản lý dịch hại tổng hợp, phòng trừ sinh học… đã mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất lúa là một hướng đi đúng đắn và cần thiết để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.



Hiện nay năng suất lúa ở ĐBSCL đã gia tăng rất nhiều so với trước. Song, cùng với thành tựu đó, hoạt động sản xuất lúa trong khu vực cũng đã bộc lộ nhiều nhược điểm nguy hiểm, mà chủ yếu là việc sử dụng phân thuốc hóa học không hợp lý. Chính tình trạng lạm dụng các loại hóa chất đã làm cho các vi sinh vật trong đất bị tiêu diệt, khiến đất đai ngày càng cằn cỗi, nguồn nước bị ô nhiễm. Khả năng chống chịu bệnh tật của cây trồng suy giảm rất nhiều.

Bên cạnh, việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong sản xuất lúa không chỉ làm mất độ an toàn đối với lúa gạo, mà còn phá vỡ sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng. Thực trạng này đã đưa đến hậu quả là, canh tác lúa ngày càng phụ thuộc vào các loại phân thuốc hóa học; vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm gia tăng chi phí đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này các nhà chuyên môn đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật theo hướng sinh học vào sản xuất.

Trong đó, trước hết phải kể đến là việc nghiên cứu lai tạo ra những giống lúa mới. Nhờ ứng dụng những thành tựu của công nghệ sinh học như kỹ thuật nuôi cấy tế bào, kỹ thuật đột biến, phương pháp lai tạo hiện đại đã rút ngắn được thời gian và chọn tạo ra được nhiều giống lúa vừa cho năng suất cao, phẩm chất tốt, lại vừa có khả năng chống chịu với những diễn biến bất lợi của thời tiết và dịch hại.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán, phòng trừ dịch hại cũng đã có nhiều thành tựu quan trọng. Nhờ công nghệ hiện đại, những loại bệnh do virut gây ra trên lúa đã được xác định nhanh chóng. Bằng công nghệ sinh học, các nhà khoa học còn nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả thuyết phục, như quy trình sản xuất nấm xanh Ô-mê-ta phòng trừ sâu rầy, sử dụng chất kích kháng để phòng ngừa bệnh đạo ôn, sử dụng nấm đối kháng để phòng trừ bệnh lúa von, hay sản xuất chủng nấm Tricodecma để phân hủy rơm rạ…

Trong đó, nổi bật nhất là quy trình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu và nhiều đối tượng sâu hại khác trong ruộng lúa. Nấm xanh là một loại thiên dịch có tác dụng ký sinh để tiêu diệt sâu rầy, nhất là hạn chế sự bộc phát mật số rầy nâu vào giai đoạn cuối vụ. Bởi nấm xanh không tiêu diệt thiên địch, đồng thời những bào tử nấm được sinh ra từ những con sâu rầy bị nhiễm có thể lây lan sang những lứa rầy tiếp theo. Do đó chúng không có điều kiện bùng phát mật số. Đây là một lợi thế mà các loại thuốc hóa học phòng trừ sâu rầy không thể có được.

Nhờ sử dụng công nghệ sinh học, các nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu quy trình nhân nuôi nấm xanh và chuyển giao cho nông dân sử dụng. Với những kết quả thực tế đã đạt được, thành tựu khoa học kỹ thuật này được đánh giá là một biện pháp tốt, giúp bà con nông dân quản lý rầy nâu, sâu cuốn lá và nhiều đối tượng côn trùng khác trên cây lúa một cách rất hữu hiệu, nhất là trong giai đoạn trổ chín.

Cùng với những giải pháp về công tác giống, sản xuất các chế phẩm trừ sâu bệnh sinh học, nhiều năm qua ở ĐBSCL còn thực hiện nhiều quy trình canh tác lúa theo hướng thâm canh tổng hợp như chương trình IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, xuống giống đồng loạt né rầy, công nghệ sinh thái …. Với trọng tâm là chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng sinh học, các loại thuốc hóa học chỉ được sử dụng hỗ trợ khi thật cần thiết.

Điền hình là chương trình 3 giảm -3 tăng và 1 phải 5 giảm đã được ngành nông nghiệp công nhận là một tiến bộ khoa học kỹ thuật, đang được ngành chức năng và các nhà khoa học khyến cáo áp dụng rộng rãi, nhằm giúp bà con nông dân giảm thiểu những yếu tố có nguy cơ làm cho dịch hại bùng phát trên ruộng ruộng. Trong đó có những yêu cầu chính là phải sử dụng giống có chất lượng tốt, cấp xác nhận; gieo sạ với mật độ vừa phải – bằng phương pháp kéo hàng, hoặc sạ thưa. Ngoài ra trong quá trình canh tác còn phải giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới trên đồng ruộng… nhờ đó mà bà con tiết giảm được chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo được năng suất lúa, và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đặc biệt, những năm gần đây các nhà khoa học còn đưa ra chương trình sản xuất lúa bằng công nghệ sinh thái. Mục tiêu là tạo và duy trì sự đa dạng về cây trồng và quần thể sinh vật có ích trên đồng ruộng, hình thành một hệ sinh thái ruộng lúa cân bằng ở mức cao. Nếu làm được điều này thì những rủi ro do bộc phát rầy nâu, cũng như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá sẽ giảm đi nhiều. Đồng thời nó còn có thể giúp quản lý tốt nhiều đối tượng côn trùng gây hại khác trên cây lúa.

Về biện pháp thực hiện, chương trình này về cơ bản vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến, như xuống giống né rầy, canh tác lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm” … Nhưng có điểm mới là kèm theo việc trồng các loại hoa trên bờ ruộng trước khi xuống giống. Mục đích của việc làm này là duy trì, bảo tồn và thu hút nguồn thiên địch đến ruộng lúa. Qua ghi nhận thực tế tại các thửa ruộng khảo nghiệm cho thấy sự hiện diện của các loài thiên địch gia tăng nhiều hơn, sâu hại hầu như không có và rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã được kiểm soát tốt. Hiện nay, chương trình công nghệ sinh thái – trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch đã được nhân rộng khắp các tỉnh ĐBSCL.

Vấn đề quyết định của việc phòng trừ dịch hại theo hướng sinh học vẫn là việc phát huy vai trò của hệ thiên địch trên đồng ruộng. Điển hình tại xã Hiếu Nhơn – huyện Vũng Liêm, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện sản xuất lúa theo chương trình công nghệ sinh thái và sử dụng nấm xanh trên đồng ruộng. Từ nền tảng cơ bản của kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm”, kết hợp với trồng hoa để thu hút thiên địch, nên ngay từ đầu đã xây dựng được ruộng lúa khỏe. Khi lúa 20 ngày tuổi ruộng lúa bắt đầu có một số đối tượng dịch hại xuất hiện với mật số thấp, thì nông dân tiến hành phun nấm xanh để phòng trừ. Từ hệ thiên địch tự nhiên xuất hiện trên bờ ruộng có trồng hoa, cộng với thiên địch nhân nuôi là nấm xanh, đã giúp kiểm soát rất tốt các đối tượng dịch hại, nhất là rầy nâu và sâu cuốn lá. Do vậy trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa bà con nông dân nơi đây chưa phải sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu rầy lần nào.

Với những hiệu quả thiết thực mà công nghệ sinh học đã tạo được trong sản xuất lúa thời gian qua cho phép khẳng định….đây là một hướng đi đúng đắn và cần thiết nếu muốn xây dựng và phát triển nột nền nông nghiệp bền vững.

Vấn đề còn lại hiện nay là làm sao để người nông dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng rộng rãi, với hiệu quả cao những biện pháp kỹ thuật này vào sản xuất. Còn về lâu dài, Nhà nước cũng cần có những chính sách đầu tư thích đáng cho việc phát triển công nghệ sinh học, để ngày càng có nhiều thành tựu được ứng dụng rộng rãi vào hoạt động sản xuất lúa.

Tuy nhiên ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp nói chung, và canh tác lúa nói riêng là công việc mang tính lâu dài, không chỉ có sự tham gia tích cực của các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng, mà còn cần phải có sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nông dân.


Theo bannhanong - LY

Mới nhất
x
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO