Ứng phó với giông lốc vùng miền núi
(Baonghean) - Thời gian gần đây, tại khu vực miền núi phía Tây Nghệ An thường xuyên xảy ra giông và gió lốc. Cá biệt, có đợt giông lốc tại Quế Phong 3 ngày liên tục vào các ngày đầu tháng 5 vừa qua gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Hay chiều 31/5 tại xã Đức Sơn (Anh Sơn) xảy ra 1 trận lốc xoáy đánh sập 1 trường tiểu học vừa mới xây xong trị giá gần 4 tỷ đồng; ngày 1/6 tại xã Quế Sơn và Tiền Phong (Quế Phong) tiếp tục xảy ra trận lốc xoáy làm gần 100 nhà dân bị sập và tốc mái...
Tìm hiểu ở một số điểm xảy ra giông lốc ở vùng miền núi cao, nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều bà con cho biết, mỗi khi thời tiết chuyển là xảy ra lốc. Và thời gian gần đây, cường độ gió và mức độ gây thiệt hại của gió lốc ngày càng lớn hơn. Có những vùng, lốc xoáy thường xuyên xảy ra và thiệt hại lớn, người dân hầu như “cảm nhận” được diễn biến sẽ dẫn tới giông lốc, nhưng chưa biết cách nào tránh được.
Một trong những đặc điểm trong quần cư lâu đời của đồng bào Thái và đồng bào Khơ mú là chọn các vùng đất chân đồi, gần sông suối để làm nhà ở. Với cách làm nhà trên, bà con không chỉ dễ dàng lấy nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi... mà còn có thể tránh được các trận gió lốc. Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết, một số vùng dân cư đồng bào Thái do ở quá gần các khe suối, nhất là các điểm thường xảy ra lũ ống lũ quét và sạt lở đất,nên phải di dời bố trí lên vùng cao hơn. Tuy nhiên, trong khi bố trí xây dựng các khu nhà di dời hoặc bố trí tái định cư các khu dân cư, nhất là các dự án thủy điện ở miền núi không biết do thiếu tiếng nói tư vấn, phản biện từ phía địa phương hay các chủ đầu tư chưa tính đến, nên khi làm nhà mới cho người dân lại làm ở vị trí quá cao, thậm chí ở đỉnh đồi nên nguy cơ bị thiệt hại nặng mỗi khi lốc xoáy là rất rõ. Nói về vấn đề này, một vị lãnh đạo huyện Quế Phong thừa nhận: Người Thái thường ở nhà sàn nên khi làm nhà ở vùng thường xuyên xảy ra gió lốc mà làm trên đồi cao rõ ràng là không ổn nếu không muốn nói là tối kỵ. Trong quá trình lập dự án tái định cư, chủ yếu do chủ đầu tư lựa chọn, phần vì vai trò, tiếng nói của huyện chưa đủ lớn, nên thực tế, mỗi khi có lốc xoáy xảy ra, các vùng trên chịu thiệt hại nặng nhất...
Vì vậy, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và biểu hiện cực đoan của thời tiết khu vực miền núi tỉnh ta hiện nay, một mặt các địa phương cần hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ các thiệt hại; mặt khác khi bố trí các khu dân cư tập trung cần chú ý tiếp thu, tham khảo kinh nghiệm tổ chức dân cư của người dân bản địa; nếu cần lấy ý kiến của nhà quản lý, người có kinh nghiệm ở bản địa để chọn địa điểm, vị trí tránh các vùng sạt lở, thường xảy ra gió lốc. Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng thủy văn cần có thống kê, đánh giá về ảnh hưởng của các vùng lòng hồ thủy điện đối với thời tiết, khí hậu để đưa ra khuyến cáo chung nhằm xây dựng các khu dân cư phòng chống lốc xoáy an toàn trong tương lai. Về ý kiến nữa là lốc xoáy là biểu hiện cực đoan của thời tiết, nhưng việc các vùng có lòng hồ thủy điện lốc xoáy xảy ra liên tục, khác với trước đây, thì rất cần được cơ quan chuyên môn có khảo sát, nghiên cứu thêm...
Hà Phương