Ước hẹn ở Quê chung

14/05/2015 17:14

(Baonghean) - Một người đến từ Tây Nguyên còn người kia sinh sống ở Thành phố Vinh. Tháng 5, trời đất Nam Đàn xanh bát ngát, thoảng dịu hương sen, như một lời hẹn ước tự tâm hồn họ cùng hòa vào dòng người hành hương về quê Bác. Lặng lẽ đặt lên hương án, dâng lên anh linh vị Cha già của dân tộc những bông huệ trắng. Họ khóc. Giọt nước mắt của những người đàn ông đã đi qua khốc liệt của chiến tranh, đi qua năm tháng của gần một đời người có gì như lạ lẫm, có gì như rưng rưng... Và cuộc gặp gỡ tình cờ của 2 cựu binh, 2 cựu tù nhân bị địch bắt những năm xưa, cái nắm tay thật chặt giữa họ ngay ở làng Sen đã giúp chúng tôi nhận ra “sự đặc biệt” ở họ để viết lại câu chuyện này...

Hồi ức về lễ truy điệu Bác trong tù

Người cựu chiến binh quê hương Nghệ An ấy là ông Nguyễn Nhất Thắng (khối 12, phường Cửa Nam, TP. Vinh). Ông bảo, cuộc đời ông như một cuốn tiểu thuyết của người lính trận, có hùng, có bi, có những mất mát, hy sinh và vỡ òa hạnh phúc. Giữa hàng vạn vỉa tầng cảm xúc ấy, chưa một lần ông rơi nước mắt. Thế nhưng, khi đứng tại ngôi làng bình yên, trước mái nhà tranh đơn sơ, ông đã không kìm được những dòng chảy thổn thức của lòng mình. Ông khóc. Khi những ký ức của năm tháng ấy, gắn liền với kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ùa về…

Mấy chục năm về trước, ông Nguyễn Nhất Thắng (bí danh hoạt động là Phạm Văn Thăng) là tù nhân của nhà tù Phú Quốc - chốn “địa ngục trần gian” của Mỹ - Ngụy dành cho những chiến sỹ cách mạng kiên trung. Ông bị bắt khi đang là Trung đội trưởng của Trung đội 1, Tiểu đoàn 15, thuộc Sư đoàn 324, nhận nhiệm vụ phối thuộc với Tiểu đoàn 4 bộ binh phục kích lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang hành quân từ Cửa Việt lên Khe Sanh (Quảng Trị). Sau khi bố trí trận địa mai phục, đến 1h đêm, đoàn xe thiết giáp của địch tiến vào. Sau lệnh phát hỏa mấy chiếc xe lật nhào, bộ binh ta từ các chiến hào xông lên tiêu diệt lính Mỹ. Trận chiến diễn ra hết sức cam go, với khả năng cơ động cao, quân ta ào lên khiến địch hết sức bối rối và buộc phải co cụm chống đỡ. Trận đánh sẽ rất thành công nếu hệ thống bộc phá cài khóa đuôi của quân ta phát hỏa kịp thời. Chính vì vậy, địch đã có đường rút lui, tháo chạy và gọi chi viện. Ngay sau đó, máy bay địch nhào đến ào ạt trút bom, đánh bao vây và gây ra nhiều tổn thất về quân số cho lực lượng của ta. Cả đơn vị được lệnh từng tổ 3 người mở đường rút lui theo hướng Tây.

(Ông Nguyễn Nhất Thắng (trái) và cụ Nguyễn Ấn hội ngộ tại Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thùy vinh
Ông Nguyễn Nhất Thắng (trái) và cụ Nguyễn Ấn hội ngộ tại Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: Thùy Vinh

Không để thương binh rơi vào tay địch, trên đường rút lui, giữa bão lửa của kẻ thù, Trung đội trưởng Nguyễn Nhất Thắng vừa cõng đồng đội bị thương vừa đánh trả địch. Nhưng không may, chính anh cũng đã trọng thương ngay khi chưa kịp rút ra khỏi trận địa. Quả đại bác của địch khiến anh ngất lịm, khắp người đầm đìa máu me, bùn đất lấp một phần thân thể. Đến khi tỉnh dậy thấy chung quanh nhiều đồng đội đã hy sinh. Rồi tỉnh, rồi lịm, rồi mơ mơ, ảo ảo, Nguyễn Nhất Thắng đã nằm giữa trận địa cho đến sáng ngày thứ 5 sau trận đánh. Rồi anh được lính Mỹ đưa lên trực thăng đưa về Đông Hà để điều trị. Vết thương chưa kịp lành thì hàng ngàn đòn roi tra tấn dã man của địch lại dội đến. Nguyễn Nhất Thắng những chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Không khai thác được gì, tháng 10/1967, chính quyền Mỹ và tay sai ngụy đưa ông vào danh sách những tù nhân cứng đầu và lưu đày ra nhà lao Phú Quốc.

Có một kỷ niệm, cũng là nỗi niềm ông đeo mang suốt trọn cuộc đời, đó là kỷ niệm về lễ truy điệu Bác Hồ ngay trong chốn lao tù thực dân - đế quốc sau khi Bác mất.

“Bấy giờ, phòng giam chỉ rộng cỡ 9m2. Trần thấp, nền xi măng lấp xấp nước bẩn, điều kiện sống tồi tệ vô cùng. Ngày hôm ấy, anh em tù cách mạng sinh hoạt bình thường thì một tên cai tù ghé vào ô cửa bảo: “Vừa có tin ông Hồ mất. Lãnh tụ mất rồi, chúng bay liệu mà quy hàng!” Anh em tất thảy đều bàng hoàng, nhưng rồi tự trấn an nhau, có lẽ đó chỉ là “chiêu” tâm lý chiến của kẻ thù, không thể dễ dàng nghe theo được” – ông Nguyễn Nhất Thắng nhớ lại. Nhưng rồi, thông tin về sự ra đi của Bác được cơ sở mật của ta truyền vào. “Bác Hồ mất thật rồi. Thật rồi… Anh em trong buồng giam thẫn thờ. Mãi đến chiều tối, chúng tôi tiếp tục nhận lệnh bí mật của Chi bộ Đảng lâm thời, sẽ tổ chức một buổi lễ truy điệu, tưởng nhớ Bác!”

Và buổi lễ bí mật ấy diễn ra trong hầm giam nhỏ, chỉ lấp lóe chút tia sáng từ ánh đèn phía ngoài nhà lao. Những chiến sỹ cách mạng kiên trung, qua bao trận đòn thù của giặc, cùng dìu nhau đứng lên, hướng về phía Bắc. Miền Bắc quê hương, miền Bắc yêu thương, có hình ảnh Bác Hồ và bầu trời thanh bình trong tâm tưởng. Trong điều kiện lao tù, không có cờ, hoa, không cả tấm ảnh nhỏ của Bác, nhưng trong trái tim mỗi người vẫn vẹn lành hình ảnh Bác Hồ, và cứ thế, lời hát Quốc ca vang lên…

Bác đã giúp sáng lòng tôi

Trong số những người hành hương về quê Bác ngày hôm ấy, mọi người nhìn thấy một cụ ông nếp người nhỏ, vầng trán rộng, bước chân tập tễnh. Trong khoảng sân rộng của Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Mính, thi thoảng ông cụ lại dừng bước, đưa mắt bao quát ra xung quanh. Tựa như cụ muốn lưu giữ thật lâu những hình ảnh mình nhìn thấy vào đáy mắt. Đó là cụ Nguyễn Ấn, một cựu chiến binh trong Hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày đến từ Thành phố Đà Lạt.

Ông Nguyễn Nhất Thắng trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An
Ông Nguyễn Nhất Thắng trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An

Cụ Nguyễn Ấn nói rằng cụ quê gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên nhưng sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Và ở Hà Nội, tại phố Hàng Đường “cậu ấm” Ấn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình con đường trưởng thành bằng vốn Tây học trong môi trường giáo dục của Pháp lúc bấy giờ. Nhưng không, cuộc gặp gỡ mà cụ Ấn nói rằng đã thay đổi suy nghĩ, làm sáng lòng của chàng trai đất Hà Thành là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Ấy là vào đầu năm 1946, lúc đó Nguyễn Ấn 19 tuổi, là tự vệ thành Hà Nội phụ trách Đội thiếu niên cứu quốc Lý Thường Kiệt.

Trong không khí sục sôi trước ngày kháng chiến chống Pháp, cả Hà Nội bừng bừng khí thế cách mạng. Đội thiếu niên cứu quốc của Nguyễn Ấn đi từng con đường, đến từng góc phố để tuyên truyền, vận động mọi người tham gia cách mạng, hỗ trợ lực lượng tự vệ, Vệ quốc đoàn đập tường phá rào, đào đắp công sự chuẩn bị kháng chiến chống giặc. Sự tích cực, nhiệt huyết của Đội thiếu niên cứu quốc Lý Thường Kiệt đã được Bác Hồ biết và khen ngợi.

Tại Nhà hát lớn Hà Nội, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện, biểu dương thiếu niên Thủ đô, trong đó có đội do Nguyễn Ấn phụ trách. Và đó chính là lần đầu tiên trong đời Nguyễn Ấn được gặp Bác Hồ. “Bác nói nhỏ nhẹ, ánh mắt sáng và đầy trìu mến. Mỗi cử chỉ của Người đều toát lên sự nhã nhặn và giản dị. Bác nhìn từng người, tôi cảm nhận trong ánh mắt của Bác có những âu lo, tràn ngập thương yêu và niềm tự hào, tin tưởng. Ngay trong phút giây đó, tôi biết mình đã thực sự thay đổi”, cụ Nguyễn Ấn đưa tay lau khoé mắt kể lại. Thế rồi vào đúng ngày 19/12/1946, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Ấn chính thức được kết nạp vào lực lượng Vệ quốc đoàn, trở thành chiến sĩ Đại đội 101 thuộc Trung đoàn Thủ đô phụ trách mặt trận chống giặc ở Ô Quan Chưởng. Những cuộc chiến giáp lá cà, những mảng tường loang lổ máu, những chiến sĩ gục xuống nhưng tay vẫn giơ cao thủ pháo, những xác địch phơi mình trên thiết giáp… mùa Đông Hà Nội năm 1946 như hầm hập sốt.

Trong một trận đánh vào tháng 2/1947 Nguyễn Ấn đã bị thương nặng nên buộc phải ở lại nội thành trong khi các lực lượng rút khỏi Hà Nội lên vùng kháng chiến. Ngay sau đó anh bị địch bắt và giam cầm suốt 2 năm trời tại nhà lao Hỏa Lò từ 1947 - 1948. Trong 2 năm liên tục không được ra ngoài, không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời ấy, điều duy nhất giúp chàng trai Hà Thành vẫn vững tâm, sáng lòng chính là niềm tin đối với Bác Hồ, với cách mạng. Và với một người như Nguyễn Ấn điều đặc biệt hơn nữa khi bố anh là công chức chế độ toàn quyền Pháp. “Tôi bỏ gia đình đi theo Bác Hồ, theo tiếng gọi đúng đắn của lòng mình, em trai tôi cũng lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông cụ nhà tôi biết điều đó nhưng ông không nói gì. Tôi tin ông cũng hiểu. Lịch sử và thời gian đã chẳng chứng minh đấy thôi”, cụ Nguyễn Ấn đã nói như vậy.

Năm 1949, do ở Hà Nội bọn mật thám theo dõi ráo riết, thân lại bị thương nặng sợ liên lụy đến nhiều người khác cụ Nguyễn Ấn đã vào Đà Lạt. Trước đó ông cụ thân sinh cũng được chính quyền bảo hộ thuyên chuyển vào làm ở Sở Bản đồ Đà Lạt. Tại đây, cụ Nguyễn Ấn dưới vỏ bọc là một nạn nhân chiến tranh đã được nhận vào làm tại cơ quan của bố mình. Với khả năng hội họa và thêm sự chỉ bảo của người thân sinh, Nguyễn Ấn nhanh chóng lấy được lòng tin của mọi người. Cũng từ đây, cụ tham gia vào hội kín bằng cách in sao bản đồ, cung cấp thông tin cho cơ sở cách mạng ở Lâm Đồng.

Trong khi đó, vợ cụ Ấn với việc buôn bán ở chợ thường xuyên cung cấp thực phẩm và nhu yếu cho lực lượng cách mạng hoạt động bí mật trên địa bàn. Đến năm 1951, địch đánh hơi, nghi ngờ có lực lượng Việt Minh nằm vùng trong Sở Bản đồ nên đã bắt bớ, giam cầm, đánh đập nhiều nhân viên trong tổ vẽ. Chúng đã sát hại ông Võ Sanh - vị tổ trưởng, người trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên tham gia lực lượng bí mật. Bản thân Nguyễn Ấn, bị địch bắt giam 3 tháng tại nhà lao Đà Lạt, sau nhiều lần đánh đập, tra khảo không thành Tòa án Nha Trang đã xử Nguyễn Ấn 2 tháng tù treo. Hết hạn tù, Nguyễn Ấn lại tiếp tục được nhận lại vào làm tại Sở Bản đồ và cho đến năm 1975 khi chính quyền về tay nhân dân, cụ Nguyễn Ấn đã có công rất lớn trong việc bàn giao nguyên vẹn tài liệu, thông tin, bản đồ quân sự, hành chính mà ông thu thập cất giữ suốt những năm tháng làm việc tại đây.

Năm nay đã 89 tuổi và đây cũng là lần đầu tiên cụ Nguyễn Ấn được đến Nghệ An, về thăm quê Bác Hồ. Cụ nói rằng, mình sẽ chẳng bao giờ yên lòng nhắm mắt được nếu chưa một lần tận mắt nhìn thấy quê Bác, được thỏa nguyện lời hứa của lòng mình. Rồi ông cụ tần ngần đứng trước ngôi nhà của Bác, đưa tay chạm khẽ vào từng liếp mái. Rồi lại lau nước mắt, lại nghiêm cẩn chắp tay trước mỗi hương án trong quần thể Khu Di tích Kim Liên. Trong khung trời đầy ắp nắng của một ngày tháng 5, cái dáng người bé nhỏ ấy bước đi thấp cao xiêu xiêu, cây ba toong đã bóng mồ hôi như chạm vào lưng nắng. Có chút gì rưng rưng sau những cánh hoa đại thắm một màu tha thiết. Ngoài kia sen cũng đã nở. Kim Liên ngan ngát hương.

Đào Tuấn - Phương Chi

Mới nhất

x
Ước hẹn ở Quê chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO