Uống rượu, bia khi tham gia giao thông: Ẩn họa khôn lường
(Baonghean) - Theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều người vi phạm. Đã có không ít vụ TNGT xảy ra bởi chính nguyên nhân này và để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Những hậu quả từ bia, rượu
Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì trong số những ca tai nạn nặng được chuyển vào khoa có khoảng 70-80% là do uống rượu, bia tham gia giao thông hoặc bị người uống rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn. Điều đáng nói là đối với những trường hợp có nồng độ cồn cao vượt quá mức cho phép khi bị tai nạn giao thông thường dẫn đến tử vong hoặc nếu được cấp cứu kịp thời thì cũng để lại di chứng hết sức nặng nề. Lúc chúng tôi đến, tại khoa chấn thương chỉnh hình, các bệnh nhân bị tai nạn giao thông nằm chật kín các phòng bệnh. Họ đa số là những người đang ở độ tuổi sung sức như Phạm Tuấn Lực (20 tuổi), Trần Văn Duật (24 tuổi), Phạm Duy Bình (22 tuổi)..., người thì gãy chân, gãy tay, người thì bị chấn thương sọ não đang ở trong hoàn cảnh "thập tử nhất sinh". Theo tìm hiểu thì các trường hợp này, người thì tự mình gây tai nạn, người thì bị người khác gây nên, nhưng phần lớn đều liên quan đến bia, rượu. Không ít trường hợp khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vẫn còn chưa tỉnh rượu, mê man, nôn ói, người nồng nặc mùi rượu. Có người khi tỉnh rượu, thấy mình nằm trong bệnh viện đã thốt lên: "Chỉ vì một phút vui vẻ với bạn bè, bây giờ hối hận thì đã muộn". Người uống bia, rượu tham gia giao thông thường không làm chủ tốc độ nên đã bị tai nạn là rất nặng và có thể dẫn đến tử vong tại chỗ.
Uống rượu, bia, không làm chủ tốc độ gây tai nạn thảm khốc.
Tại Công an Yên Thành, Trung tá Nguyễn Văn Vân Đội trưởng Đội CSGT cho chúng tôi xem qua hồ sơ một số vụ tai nạn. Theo Trung tá Vân thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT gia tăng hiện nay đó là do người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu, bia. Có trường hợp vì say, điều khiển phương tiện đâm vào cột điện, lề đường, vào người đi bộ, gây tai nạn rất đáng tiếc. Nhiều trường hợp thương tâm như cả gia đình đều bị nạn, chồng, con chết, vợ bị thương nặng khi cả nhà cùng đi trên 1 chiếc xe máy.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng CSGT Công an Nghệ An, từ 1/1/2011 đến 20/9/2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 162 vụ TNGT làm chết 171 người, hỏng 39 xe ô tô, 107 xe mô tô. Đó là chưa kể đến nhiều trường hợp tử vong sau khi nhập viện một thời gian hoặc các bên gây tai nạn tự xử lý mà không báo cho các cơ quan chức năng.
Ngoài thiệt hại về kinh tế ban đầu như hư hỏng các phương tiện, tiền đền bù thiệt hại, tiền viện phí (những người uống bia, rượu bị tai nạn sẽ không được bảo hiểm thanh toán tiền viện phí)... các nạn nhân còn để lại một gánh nặng cho xã hội khi họ là những trụ cột gia đình nhưng khi bị tai nạn người thì thiệt mạng, người thì tàn phế suốt đời làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của cả gia đình họ.
Chấp hành hay đối phó ?
Bất cứ buổi trưa hay buổi chiều, dạo một vòng qua các quán nhậu, đâu đâu cũng thấy phương tiện giao thông đậu kín bãi giữ xe. Để phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia không khó. Nhiều trường hợp, sau khi nhậu, lên xe điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái, tốc độ, có trường hợp hưng phấn chạy lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho chính mình và người đi đường. Tuy nhiên, khi bị cảnh sát giao thông phát hiện xử phạt thì lại biện minh nhiều lý do. Không ít trường hợp cho rằng do công việc, do quan hệ, bị rủ rê nên khó tránh khỏi... Có người khi bị lập biên bản còn gọi điện nhờ cậy, gây áp lực cho lực lượng kiểm tra. Mặc dù số lượng người uống rượu, bia tham gia giao thông là rất nhiều, nhưng trong 20 ngày đầu ra quân tháng ATGT, toàn tỉnh mới xử lý được 448 trường hợp có nồng độ cồn trong máu, hơi thở vượt quá mức quy định.
Theo Trung tá Hoàng Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT TP Vinh thì không thể kiểm soát hết số lượng người uống rượu, bia tham gia giao thông vì lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng. Mặt khác, cũng khó thống kê đầy đủ người gây tai nạn có liên quan đến nguyên nhân uống rượu bia, do đặc thù trong việc xử lý các vụ tai nạn là ưu tiên cứu người, sau đó mới xác định nguyên nhân nên ít khi lực lượng chức năng đo nồng độ cồn ngay sau mỗi vụ tai nạn. Tuy nhiên, qua phân tích có thể thấy rõ, phần lớn các vụ tai nạn và va chạm giao thông thường xảy ra nhiều vào buổi chiều tối - thời điểm mà nhiều người vừa rời quán nhậu trở về...
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một doanh nghiệp ở Hưng Lộc (TP Vinh) cho biết: Do công việc, không thể không tiếp đối tác làm ăn. Mặt khác, ít người có lái xe riêng chở đi nhậu. Biết là có hơi men, điều khiển phương tiện giao thông không an toàn nhưng nếu xử lý nghiêm thì chắc nhiều người không dám vi phạm. Khi đó, nếu đi uống bia, rượu là gửi lại xe ở nơi gần nhất, rồi đi taxi, xe ôm về nhà...
Mục tiêu của tháng ATGT năm nay là từng bước nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về hiểm hoạ của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy vậy, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Để đạt được những mục tiêu này, ngoài việc tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng thì người dân cần phải nâng cao ý thức của mình khi tham gia giao thông. Mặt khác, để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của ngành chức năng cũng như toàn xã hội. Trong đó, không chỉ tập trung vào tháng hành động mà cần được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài tạo ý thức tự giác và thay đổi thói quen trong sinh hoạt của người tham gia giao thông.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu; hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2- 3 triệu đồng. Mức phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu; hoặc vượt quá 0,25 miligam- 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm. |
Đức Chuyên, Trần Hải