Ưu tiên đặc biệt cho cánh đồng mẫu lớn
Thời gian qua, cánh đồng mẫu lớn là mô hình có nhiều ưu điểm trong sản xuất nông nghiệp. Trong Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn giai đoạn 2013 - 2020, Bộ NN và PTNT đề nghị đưa mô hình cánh đồng mẫu lớn vào nhóm ưu tiên đặc biệt.
Nguồn: nongdan.gov.vn
Bộ NN và PTNT cho biết, sau hai năm, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai tại 27 tỉnh với gần 100.000ha. Việc mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn dựa trên đánh giá hiệu quả kinh tế ở một số địa phương trong các vụ lúa 2011-2012 cho thấy, lợi nhuận thu được từ mô hình này cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật làm tăng năng suất. Chi phí sản xuất như lượng giống, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh giảm. Đồng thời, giá thành sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn thấp hơn từ 120-600 đồng/kg so với ngoài mô hình. Người nông dân tham gia tích cực, cơ giới hóa nông nghiệp và nâng cao giá trị lúa gạo ngày càng tốt hơn, đặc biệt là vùng nguyên liệu lúa gạo đã từng bước phát triển mạnh mẽ, chất lượng đồng nhất, tỷ lệ thu hồi gạo cao, đáp ứng nhu cầu của xuất khẩu. Đây được xem là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân gặp khó khăn nhiều. Do hai bên chưa có sự hài hòa, chia sẻ lợi ích và rủi ro nên không xây dựng được mối liên kết chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức mua lúa qua thương lái, các nhà máy chế biến cũng ít ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân. Cách tổ chức tiêu thụ này không chỉ dẫn tới việc người nông dân luôn ở thế yếu vì không có quyền quyết định giá. Trong khi, phần lớn nông dân đều ít vốn, sản xuất phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Do đó, ngay sau khi thu hoạch người nông dân phải bán lúa tại ruộng để trả nợ, tái sản xuất mặc dù giá lúa bán chưa như mong muốn. Ngay cả những hộ gia đình không bị áp lực nợ nần nhưng do hệ thống sấy lúa không đáp ứng, thì cũng buộc phải bán lúa tươi, không thu được nhiều lợi nhuận. Mặt khác, một số nông dân tham gia vào mô hình còn mang tính hình thức, chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia cánh đồng mẫu lớn, vẫn còn quan niệm đây là mô hình nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua lúa với giá cao. Việc cung cấp thông tin thị trường cho nông dân chưa kịp thời, nhất là vai trò điều hành của nhóm liên kết nông dân còn yếu, chưa có kinh nghiệm.
Để việc tiêu thụ lúa gạo tại các cánh đồng mẫu lớn trong thời gian tới được ổn định, Bộ NN và PTNT vừa trình Chính phủ Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn giai đoạn 2013 - 2020. Trong Đề án mới này, Bộ đã đề nghị mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ thuộc nhóm ưu tiên đặc biệt. Nhà nước sẽ tạo môi trường tối đa để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng nông nghiệp nội đồng, nội vùng, kho, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, được ưu tiên vay vốn, ưu đãi về đất đai và thuế, hỗ trợ 100% chi phí mua giống mới vụ đầu, được đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Đồng thời, đề nghị các Công ty thành viên của Hiệp hội Lương thực làm đầu mối ký hợp đồng đầu tư đầu vào và thu mua lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của mỗi doanh nghiệp.
Khởi đầu còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng thuận cao từ các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân và nông dân, trong thời gian tới, cánh đồng mẫu lớn sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn. Đây cũng là xu thế tất yếu của liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt và sản xuất lúa. Việc thực hiện thành công mô hình này sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành trồng trọt.
Theo (Daibieunhandan) - LC