Ưu tiên sắp xếp, bố trí dân cư theo phương án xen dắm, lồng ghép
Thực hiện chương trình giám sát tại Nghệ An về
(Baonghean.vn) - Thực hiện chương trình giám sát tại Nghệ An về kết quả thực hiện dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thường xảy ra thiên tai, sạt lở, sau khi khảo sát, làm việc tại các địa phương, sáng nay, đoàn công tác Hội đồng dân tộc Quốc hội do đồng chí Ksor Phước- Ủy viên TW Đảng, Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh.
Dự buổi làm việc, về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Xuân Đường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Xuân Đại- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện đoàn Đại biểu QH tỉnh cùng một số sở, ban, ngành liên quan.
Đồng chí Ksor Phước, Trưởng đoàn công tác (thứ 2, trái sang) phát biểu tại buổi giám sát |
Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn công tác |
Thực hiện chương trình sắp xếp dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg (nay là Quyết định 1776/TTg), từ năm 2006 đến 2013, tỉnh Nghệ An có 25 dự án được phê duyệt, trong đó 8 dự án đã hoàn thành, 13 dự án đã được bố trí vốn đang triển khai, 4 dự án chưa được bố trí vốn. Các dự án được chia làm 2 nhóm là dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở đất và dự án bố trí dân cư vùng ĐBKK và Vùng biên giới. Giai đoạn từ năm 2006 -2010, mục tiêu của tỉnh là bố trí, sắp xếp dân cư cho 20.926 hộ; giai đoạn từ 2011-2015 (và định hướng đến năm 2020) bố trí 1.500 hộ. Để thực hiện các dự án trên, từ năm 2006 đến 2013 nhu cầu vốn bố trí là 2.858 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn TW là 2.000 tỷ, nguồn địa phương 858,3 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Kết quả thực hiện, từ 2006 -2013 đã sắp xếp bố trí được 1.706 hộ (990 hộ tập trung và 716 hộ xen ghép), đạt tỷ lệ 7,8% so với nhu cầu, trong đó vùng bị thiên tai sạt ở 560 hộ, đạt 27% nhu cầu; vùng đặc biệt khó khăn là 744 hộ, đạt 6,3% nhu cầu; vùng biên giới 402 hộ, đạt 17,2% so với nhu cầu. Tổng số vốn được bố trí sắp xếp là 315,44 tỷ đồng (Trung ương hỗ trợ 235 tỷ, địa phương 80,4 tỷ), đạt 11% nhu cầu.
Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 288 vụ thiên tai, sạt lở làm chết 245 người, bị thương 145 người, 876 nhà bị sập, 950 nhà bị hư hỏng, 340 ngàn ha đất nông, lâm nghiệp bị tàn phá, thiệt hại về vật chất hơn 11.297 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi, trao đổi để tỉnh làm rõ biện pháp sắp xếp, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt; tính chất của chính sách di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở là cấp bách nhưng bố trí vốn ngân sách còn ít, tiến độ triển khai chậm thì địa phương làm gì để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân? Thông qua thực tiễn triển khai (di dân lồng ghép và di dân tập trung) thì mô hình, biện pháp triển khai nào có hiệu quả? Tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân ngoài các quy định của Trung ương…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường cảm ơn sự quan tâm của Hội đồng dân tộc Quốc hội khi tổ chức đoàn giám sát đến làm việc. Mặc dù Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhưng với ¾ diện tích tự nhiên là đồi núi nên cũng được coi là tỉnh miền núi. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, vấn đề di dời dân khỏi vùng thiên tai không đợi trung ương mà tỉnh đã có những giải pháp cảnh báo, tổ chức xen dắm di dời dân qua lồng ghép các dự án nên không có thiệt hại trực tiếp do sạt lở xảy ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong đoàn công tác và Trung ương tiếp tục quan tâm đến Nghệ An để có chính sách hỗ trợ, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án, chương trình di dân đúng kế hoạch và tiến độ.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Ksor Phước đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh; các biện pháp, kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng lõi rừng phòng hộ cũng như vùng có nguy cơ sạt lở; công tác quy hoạch di dời dân vùng sạt lở, thiên tai gắn kết với quy hoạch ngành; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân bước đầu đã làm tốt để ứng phó với thiên tai; triển khaicác dự án phù hợp với điều kiện địa phương như tổ chức lồng ghép, xen dắm dân. Đồng chí Trưởng đoàn giám sát đề nghị tỉnh lưu ý đến quy hoạch đất rừng, đất nơi dân đến, phải xác định rõ các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn do thiên tai, nơi dân đến phải an toàn, có đất để người dân ổn định đời sống và phát triển sản xuất; trong khi bố trí dân cư, cùng với phương án bố trí tập trung nên ưu tiên bố trí dân xen ghép, di vén dân phù hợp để phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng thôn bản; đồng thời đảm bảo giữ gìn và phát huy bản sắp văn hóa dân tộc ..../.
Nguyễn Hải