Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

19/09/2012 09:27

Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thay mặt Chính phủ trình.



Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2012, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra vào tháng 10.
Theo Tờ trình của Chính phủ, những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành nằm ở việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; về quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Chưa đồng tình với quan điểm sửa toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ sửa những nội dung quan trọng như thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật...; thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập; đổi mới mô hình và tổ chức, hoạt động của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng...

Nguyên nhân là do thời gian chuẩn bị ngắn, việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng chưa được tổng kết đánh giá đầy đủ (mới chỉ có sơ kết) trong khi dự án Luật sửa đổi theo dự kiến chỉ thông qua tại một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, qua sơ kết, những vấn đề còn tồn tại và khả thi sẽ được sửa đổi trước, những nội dung chưa khả thi, cần nghiên cứu thêm thì làm sau.

Công khai tài sản tại nơi làm việc

Về quy định đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chưa nên mở rộng đối tượng, bởi việc kê khai, minh bạch tài sản hiện vẫn còn hình thức, hiệu quả phòng ngừa tham nhũng thấp nên có mở rộng đối tượng cũng chưa giải quyết được nhiều.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

Tờ trình của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và một số thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng bản kê khai tài sản, thu nhập chỉ nên công khai tại nơi làm việc của cá nhân để tăng cường trách nhiệm nghĩa vụ kê khai cũng như trong việc đảm bảo tính hợp pháp của tài sản.

Ba phương án quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

Trên cơ sở Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Chính phủ đề xuất 3 phương án sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo phương án thứ nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo phương án thứ hai, cần quy định Ban Chỉ đạo trong Luật sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Phương án thứ ba xác định Ban Chỉ đạo là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên Luật sửa đổi sẽ không quy định về việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp nhận định nếu theo phương án thứ nhất thì văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.

Tương tự như vậy, phương án 2 đề cập đến trường hợp chưa có trong tiền lệ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.

Cơ quan thẩm tra bày tỏ sự đồng tình với phương án 3 vì thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và tuân thủ tiền lệ xây dựng hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, vẫn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo được quy định trong văn kiện của Đảng là phù hợp.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với phương án 3.


Theo (Chinhphu.vn) - L.T

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO