Vai trò vụ hè thu trong bảo đảm an ninh lương thực
(Baonghean) - Vụ mùa năm 1980, PGS-TS Tạ Minh Sơn chuyển giao về 1 giống lúa mới mang tên 75-10. Sau 1 vụ thử nghiệm ở HTX Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu), giống lúa này đã thể hiện được nhiều ưu điểm nổi bật như: Thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày), cây thấp, năng suất cao bình quân đạt từ 50-55 tạ/ha.
Đặc biệt, giống lúa này còn chịu được nắng nóng, gió Lào khắc nghiệt của miền Trung. Sau kết quả thí điểm thành công ở Quỳnh Hồng, Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh đã đưa giống lúa mới 75-10 này cơ cấu vụ mùa sớm (sau này gọi là hè thu), làm thí điểm tại 3 điểm là: HTX Đông Phú (Diễn Phú - Diễn Châu), HTX Ba Tơ ( Hưng Nguyên) và xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), với diện tích mỗi điểm từ 20- 30 ha ở 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau, đồng thời phân công 3 kỹ sư trực tiếp chỉđạo ở 3 xã - kỹ sưĐào Nghĩa Nhuận chỉđạo tại Diễn Châu, kỹ sư Doãn Trí Tuệ tại Hưng Nguyên và kỹ sư Trần Minh Doãn ở Cẩm Xuyên.
Được mùa. Ảnh: Trường Sinh
Vụ mùa năm 1981, cả 3 mô hình đều đạt năng suất trên 50 tạ/ha, thời gian 105 ngày đảm bảo gặt trước 5/9 hoàn toàn né tránh được bão lụt, chất lượng gạo tốt. Từ kết quả của vụ sản xuất năm 1981, Ty Nông nghiệp Nghệ Tĩnh đã tổ chức tổng kết rút bài học kinh nghiệm cho sự phát triển vụ lúa bền vững, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh, chính thức gọi tên là vụ lúa hè thu thay cho mùa sớm.
Từ năm 1980 đến nay, sau hơn 30 năm, sản xuất lương thực đã có bước phát triển nhanh và bền vững, sản lượng lương thực đã tăng hơn 3 lần:
- Năm 1980, toàn tỉnh mới đạt 368.812 tấn, bình quân 182 kg/người/năm;
- Năm 1990 đạt 479.771 tấn, bình quân 189 kg/người/năm;
- Năm 2000 đạt 832.399 tấn, bình quân 295 kg/người/năm;
- Năm 2010 đạt l.063.285 tấn, bình quân 363 kg/người/năm;
- Năm 2011 đã đạt 1.160.244 tấn, bình quân 387 kg/người/năm.
Nhiều huyện ở vùng trọng điểm lúa, màu của tỉnh, bình quân lương thực/người đạt khá cao như: Yên Thành 578 kg, Anh Sơn 586 kg, Nam Đàn 550 kg, Đô Lương 482 kg, Diễn Châu 475 kg. Cơ bản Nghệ An đã đạt được mục tiêu an ninh lương thực trên địa bàn toàn tỉnh.
Đạt được thành tựu to lớn trên có nhiều nguyên nhân như: Kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc...) khá hoàn thiện; Năng lực đầu tư của nông dân được tăng cường; Đặc biệt, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được tiếp thu, ứng dụng, chuyển giao liên tục, có hiệu quả.
Thành công lớn nhất là việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống. Từ sản xuất vụ lúa mùa bấp bênh, thường xuyên bị mất do bão, lũ, chuyển sang sản xuất vụ lúa hè thu đã đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, năng suất cao. Sau khi hình thành vụ sản xuất hè thu, Nghệ An đã hình thành thêm một vụ sản xuất mới là vụđông, một vụ sản xuất khá toàn diện. Sản xuất nông sản hàng hóa đã góp phần không nhỏ làm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
Bên cạnh chuyển đổi mùa vụ, còn chuyển đổi cơ cấu bộ giống lúa, bộ giống ngô, bỏ hẳn bộ giống lúa, ngô cũ năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài, sang sản xuất các giống lúa, ngô có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt chuyển giao, ứng dụng thành công công nghệ lúa lai, ngô lai đã góp phần làm tăng nhanh sản lượng lương thực của tỉnh.
Vụ hè thu ra đời cùng các loại giống lúa tiến bộđã đóng góp thành công cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn quê hương xứ Nghệ, góp phần to lớn trong việc thay đổi tập tục canh tác, thay đổi mùa vụ, khai thác tối đa năng suất trên một diện tích đất đai.
Trần Minh Doãn