Vài ý kiến về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng
(Baonghean) - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó bài học thứ năm là:
"Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
Từ bài học này, tiêu đề của Báo cáo Chính trị (chủ đề đại hội) tại Đại hội XI của Đảng ghi rõ:
"Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng..."
Đảng ta, là "Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Do đó "Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo... (Cương lĩnh)
Ý nghĩa và tầm quan trọng của nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cũng như nhiệm vụ then chốt: xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng đã được "lý luận và thực tiễn" khẳng định hẳn không cần phải thảo luận, trao đổi gì thêm. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm gì và làm như thế nào để nâng cao được năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng viên? Của tổ chức cơ sở đảng, của Đảng bộ huyện? đảng bộ tỉnh? Để có câu trả lời cho những câu hỏi trên, lại cần phải xác định cho được thế nào là năng lực lãnh đạo? là năng lực cầm quyền? là sức chiến đấu? của đảng viên, của tổ chức Đảng (từ tổ chức cơ sở đảng đến Đảng bộ tỉnh). Hiện tại, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của đảng viên, của tổ chức đảng ở mức nào, mạnh yếu ra sao?
Rất nhiều câu hỏi nói trên nếu không được giải đáp một cách thật cụ thể, thật đúng chúng ta sẽ không có cơ sở để hành động và hành động đúng. Và, đương nhiên sẽ dẫn đến một thực trạng đang tồn tại ở mức này hay mức khác, ở nơi này nơi khác. Thấy cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhưng lại rất lúng túng không biết phải làm gì và làm như thế nào cho cá nhân mình (với tư cách là một đảng viên) cho tổ chức đảng của mình.
Với cách đặt vấn đề như trên, xin đề nghị:
- Từ Tỉnh ủy, Huyện ủy (và các cấp đảng bộ tương đương) đến tổ chức đảng cơ sở, nên có một kỳ (hoặc vài kỳ) sinh hoạt với chủ đề (hay chuyên đề) với nội dung:
1/. Tổ chức cở sở đảng, tổ chức đảng cấp trên cơ sở, tổ chức đảng cấp tỉnh làm gì và làm như thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng cấp mình. Với tổ chức đảng cấp trên cơ sở chủ yếu là xác định cấp ủy (Ban Chấp hành) phải làm gì và làm như thế nào?
2/. Tổ chức cở sở đảng sinh hoạt để thảo luận trao đổi nhằm xác định đảng viên, bao gồm: đảng viên không giữ chức vụ, đảng viên giữ chức vụ (bao gồm chức vụ trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở cơ sở đó, làm gì và làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu.
Mặc dù có thể trong soạn thảo "Chương trình hành động" thực hiên Nghị quyết Đại hội Đảng lần thưc XI, đã có nội dung này. Song, nhìn chung là vẫn đang ở mức chung chung, chưa xác định được thật rõ, thật cụ thể các việc cần làm và cách làm các việc đó.
Nếu xét thấy cần thiết, có thể tổ chức các cuộc hội thảo (chủ yếu ở cấp tỉnh, huyện và tương đương) để tổng kết các sinh hoạt chuyên đề này.
- Trên Báo Nghệ An và các bản thông tin nội bộ của Tỉnh ủy, các Huyện ủy nên có mục trao đổi về vấn đề này để lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó làm sáng tỏ thêm, góp thêm những đóng góp xác đáng cho tổ chức đảng các cấp.
- Thông qua Mặt trận và các tổ chức quần chúng góp ý kiến cho tổ chức đảng (từng cấp tương ứng) với tính cách là quần chúng góp ý xây dựng Đảng theo tinh thần Đảng ta đã nêu ra là thông qua quần chúng để xây dựng Đảng.
Trương Công Anh