Vẫn chưa được khai thông

21/04/2014 17:28

(Baonghean) - Vừa qua, vòng đàm phán 3 ngày cấp bộ trưởng giữa Nhật Bản và Mỹ về Hiệp định Kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương - gọi tắt là TPP diễn ra tại Washington, Mỹ đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Đây được đánh giá là vòng đàm phán vô cùng quan trọng đối với cả Mỹ và Nhật Bản, nhằm tạo tiền đề tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 24/4 tới đây. Không chỉ vậy, một khi những vấn đề then chốt giữa Nhật Bản và Mỹ chưa được tháo gỡ, thì tiến trình đàm phán TPP nói chung giữa 12 nước cũng sẽ khó đi đến chặng cuối cùng.

Kết quả đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng đơn giản là bởi, đây là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm có Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Từ năm 2005, quá trình đàm phán TPP đã được khởi động, nhưng ban đầu chỉ có 4 nước tham dự là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Theo kỳ vọng, nếu đàm phán thành công, với sự góp mặt của 12 nước vừa nêu thì TPP sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 800 triệu dân, đóng góp gần 40% tổng sản phảm quốc nội GDP của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.

Các đại diện tham gia đàm phán TPP.
Các đại diện tham gia đàm phán TPP.

Thế nhưng, kỳ vọng bao nhiêu thì khó khăn, thách thức trong các vòng đàm phán càng chồng chất bấy nhiêu. Điều này đã được chứng minh khi mục tiêu hoàn thành ký kết Hiệp định vào cuối năm ngoái mà các bên đặt ra đã không thể đạt được. Rồi đến vòng đàm phán gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia tại Singapore hồi cuối tháng 2, các bên một lần nữa lại thất bại với những bất đồng chưa thể thu hẹp. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn được cho là mâu thuẫn giữa hai thành viên có nền kinh tế lớn nhất là Nhật Bản và Mỹ, trong việc xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu và tiếp cận thị trường. Bắt đầu quyết định tham gia đàm phán TPP từ ngày 15/3/2013, dù tham gia sau nhưng Nhật Bản lại nhanh chóng đóng vai trò một nhân tố quyết định.

Theo đó, nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á này được đánh giá sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng mạnh mẽ cho TPP, nhưng cũng đang trở thành nguyên nhân khiến cho tiến độ đàm phán bị kéo dài. Bởi Nhật Bản chắc chắn phải lo lắng về những thiệt thòi về ngành nông nghiệp khi tham gia Hiệp định TPP và nước này muốn có sự bảo lưu hoặc giãn tiến độ giảm thuế cho một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng. Dễ hiểu vì nền nông nghiệp trong nước của Nhật Bản gần như sẽ phải đối mặt với sức ép đến từ các thành viên khác của TPP. Bên cạnh đó, bảo hộ nông nghiệp vốn luôn là một vấn đề chính trị nội bộ gây tranh cãi của nước Nhật, không chỉ riêng với TPP mà hầu như tất cả các hiệp định mậu dịch tự do trước đó mà Nhật Bản có liên quan.

Không chỉ có vậy, sự xuất hiện của Nhật Bản còn đang khiến cả cục diện TPP thay đổi. Trước kia, đàm phán TPP hầu như bị chi phối và dẫn dắt hoàn toàn bởi Mỹ, nhưng với quy mô kinh tế của Nhật Bản, đàm phán đa phương đã trở thành đàm phán song phương giữa Mỹ và Nhật để thiết lập các tiêu chuẩn thương mại mới cho thị trường. Và thực tế cho thấy là còn rất nhiều khoảng cách và bất đồng giữa hai nền kinh tế hàng đầu này, như vấn đề bảo hộ nông sản, hàng rào thuế quan cho xuất khẩu ô tô hay các hàng hóa chế tạo... Ngay trong vòng đàm phán chuyên sâu vừa diễn ra giữa Mỹ và Nhật Bản, bế tắc này vẫn chưa thể khai thông.

Cụ thể, đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman và Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản, ông Akira Amari cho biết, cuộc đàm phán vừa qua hiện chưa thể thu hẹp khoảng cách, đặc biệt là về vấn đề ô tô và các mặt hàng nông sản. Cụ thể, hiện Mỹ vẫn muốn bảo hộ thị trường ô tô con trong khi Nhật Bản vẫn muốn bảo hộ hàng nông sản. Như với hai nhóm mặt hàng thịt (bò, lợn) và các sản phẩm sữa, Mỹ muốn Nhật Bản miễn thuế hoặc giảm tối đa; còn Nhật Bản vẫn giữ lập trường bảo lưu chính sách thuế nhập khẩu hiện nay ở mức 38,5% và cho biết chỉ có thể giảm con số này về mức 10%. Với những khác biệt lợi ích chưa thể thu hẹp như vậy, quá trình đạt được thống nhất giữa hai nền kinh tế Mỹ - Nhật chắc chắn sẽ còn nhiều trắc trở.

Trong khi đó, một xu hướng khác trong TPP hiện nay là các nước nhỏ đang tìm kiếm liên minh với Nhật hoặc Mỹ trong đàm phán, điều này sẽ càng khiến tiến trình này thêm phức tạp. Ở đây cũng không thể không nhắc tới những tính toán của Mỹ khi tham gia và hào hứng kêu gọi các nước tham gia TPP. Rõ ràng, Hiệp định TPP là một trong những cách thức để Mỹ tăng cường vị thế kinh tế trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như hiện nay. Thúc đẩy tiến tới TPP còn là nhằm làm mới những quy tắc của WTO vốn không đổi từ năm 1994 và cũng để tìm kiếm một phương thức thay thế hoặc thúc đẩy vòng đàm phán Doha. Rõ ràng, sự cạnh tranh giữa những nhóm lợi ích khác nhau đang khiến TPP không chỉ là một thỏa thuận kinh tế và thương mại đơn thuần. Và điều này hiển nhiên sẽ khiến quá trình cân bằng lợi ích trở nên vô cùng khó khăn và sẽ còn mất nhiều thời gian để giải quyết.

Còn với đàm phán Mỹ - Nhật Bản, theo kế hoạch, đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman sẽ tới Nhật Bản trong ngày hôm nay - 21/4 để tiếp tục đàm phán, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận sơ bộ về TPP trước khi lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Mỹ tiến hành hội nghị thượng đỉnh. Tuy vậy, hy vọng về một bước tiến thực sự có thể phá vỡ bế tắc vẫn là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay. Nhưng nhìn lại có thể thấy rằng, những lợi ích mà TPP đem lại cho từng quốc gia thành viên nói riêng và cho cả khối kinh tế nói chung là không thể phủ nhận. Bởi Hiệp định này là một thỏa thuận bao gồm chuỗi các hoạt động trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…

Không chỉ giúp cho việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước được dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ, TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng. Bởi vậy, vấn đề bây giờ là tất cả các bên cần tận dụng thời gian và thể hiện sự nhiệt tình thực chất của mình trong các vòng đàm phán. Có thể một vài lợi ích nhỏ bị thiệt hại, nhưng bù vào đó, những “món hời” vô cùng lớn lại đang chờ đợi tất cả thành viên.

Phương Hoa

Mới nhất
x
Vẫn chưa được khai thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO