(Baonghean) - Nguồn tài nguyên phong phú, chỉ là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển ngành công nghiệp xản xuất xi măng. Kèm theo đó, còn rất nhiều vấn đề liên quan như: Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết; hạ tầng kỹ thuật; Quy hoạch, định hướng phát triển; thời cơ … Bởi chưa hội tụ đầy đủ những yếu tố đó, Nghệ An đang gặp khó khăn trong thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước.
Những “Gam màu xám”
Ngành công nghiệp sản xuất xi măng của Nghệ An được đánh giá là có bề dày truyền thống. Với sự ra đời từ rất sớm của Nhà máy xi măng Cầu Đước và Nhà máy xi măng 12/9 Anh Sơn, đúng ra, đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh ta phát triển mạnh mẽ ngành sản xuất xi măng, nhưng thực tế lại khác.
Trên lý thuyết, nếu cộng tổng công suất của tất cả các nhà máy xi măng hiện có trên địa bàn tỉnh thì có con số 1,648 triệu tấn/năm (gồm: Xi măng Hoàng Mai 1,4 triệu tấn; Xi măng Cầu Đước 0,072 triệu tấn; Xi măng Dầu khí 12/9 là 0.088 triệu tấn và xi măng Hợp Sơn 0,088 triệu tấn). Nhưng thực tế, ngoại trừ Xi măng Hoàng Mai (đi vào sản xuất từ năm 2002) với công nghệ lò quay, là sản xuất - kinh doanh ổn định, còn lại hầu hết các nhà máy xi măng đều “tụt dốc”.
Nhà máy xi măng Cầu Đước, với dây chuyền sản xuất lò đứng công nghệ lạc hậu, sản phẩm chất lượng không cao, khó tiêu thụ. Đã vậy, khi hoạt động còn gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm chủ lực của nhà máy hiện nay, không phải là xi măng, chủ yếu mua nguyên liệu Clanhker về nghiền, với sản lượng rất ít. Hiện nay, nhà máy chuyển hướng sang làm các loại vật liệu xây dựng. Còn tại xi măng Dầu khí 12/9 và Hợp Sơn - Anh Sơn cũng do công nghệ sản xuất lạc hậu (lò quay), nên cũng đang trong tình trạng, sản xuất cầm chừng, chờ đợi đầu tư dự án mới. Công nghệ làm xi măng lạc hậu, năng lực sản xuất kém, sản phẩm khó cạnh tranh với thị trường…, đó là những “gam màu xám” của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng ở Nghệ An.
![]() |
Sản xuất xi măng công nghệ lò quay đã lạc hậu ở Công ty CP xi măng Cầu Đước.
Đá vôi, đất đá sét là những nguyên liệu chính của ngành sản xuất xi măng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông… nguồn nguyên liệu này rất phong phú. Tuy nhiên, do các nhà máy xi măng công nghệ sản xuất lạc hậu, công suất thấp và quy trình khai thác đá không đồng bộ, nên chưa tạo được giá trị cao cho các sản phẩm từ đá vôi. Đã vậy, việc khai thác đá còn gây lãng phí, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái… Theo kết quả khảo sát, thăm dò của các ngành chức năng, địa bàn tỉnh ta nguồn nguyên liệu đá vôi có trữ lượng hơn 4 tỷ m3, trên 1 tỷ tấn đất sét và hàng trăm triệu tấn phụ gia Bazan, CaoSilich, quặng sắt… Cùng với đó, có khoảng 4 – 5 triệu tấn than (ở Tương Dương và Con Cuông) là loại than lửa dài có nhiệt năng lớn, thích hợp cho nung đốt xi măng. Với trữ lượng lớn như vậy, bất cứ nhà đầu tư nào của ngành sản xuất xi măng cũng “bị” hấp dẫn và muốn “nhảy vào”. Như vậy, lợi thế về tài nguyên của ngành sản xi măng tại tỉnh ta rất lớn, nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả, thậm chí nguồn tài nguyên này đang được khai thác để phục vụ cho dự án sản xuất xi măng ở ngoại tỉnh.
Từ bao đời nay, Núi Len, Kim Giao, Răng Cưa, Đá Bạc… là những dãy núi đá vôi, đá sét không mang lại ý nghĩa cũng như giá trị về kinh tế cho người dân xã miền núi Tân Thắng và vùng lân cận của huyện Quỳnh Lưu. Nhưng kết quả khảo sát gần đây, cho thấy, đây là vùng mỏ có trữ lượng đá vôi khoảng 241 triệu tấn và 36 triệu tấn đá sét, chất lượng tốt, rất lý tưởng cho ngành sản xuất xi măng. Với kết quả đó, người dân nơi đây có quyền hy vọng, thời gian tới, sẽ có những dự án xi măng đầu tư trên địa bàn xã và họ sẽ được hưởng lợi về việc làm, thu nhập, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Cũng như ở Tân Thắng, bà con vùng Lèn Rỏi - Tân Kỳ rất vui khi biết, qua thăm dò, khảo sát cho kết quả, nguồn đá vôi nơi đây có tổng trữ lượng hơn 2.782 triệu tấn, chất lượng tốt và Tập đoàn đầu tư Sài Gòn đã quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu công nghiệp tổ hợp sản xuất xi măng VLXD lớn tại Tân Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn tài nguyên quý này vẫn đang là… tài nguyên, bởi chủ đầu tư dự án đã “rút lui”. Người dân nơi đây, đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị khai thác bữa bãi. Nhiều “chủ mỏ” khai thác đá xây dựng không phép “mọc lên”. Quy trình khai thác không đáp ứng các yêu cầu, quy định của Nhà nước, tạo nên mối nguy hiểm luôn rình rập, đe dọa tính mạng người lao động vì nguy cơ sập mỏ (cách đây không lâu đã xẩy ra vụ sập mỏ đá ở Lèn Rỏi. Cơ quan chức năng đã bắt giữ những người liên quan, vì không chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật)…
Như đã nêu ở trên, nguồn tài nguyên đá vôi, đất đá sét trên địa bàn tỉnh ta rất phong phú, nhưng chưa được quản lý, khai thác hiệu quả phục vụ cho ngành sản xuất xi măng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch. Vì vậy, đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin, triển khai dự án... Chủ đầu tư dự án xi măng Tân Thắng, sau một thời gian triển khai dự án, nay được điều chỉnh bổ sung từ quy hoạch mỏ khoáng sản dự trữ sang quy hoạch thăm dò, khai thác trữ lượng khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng đến năm 2020.
Hay dự án triển khai dây chuyền xi măng Hoàng Mai 2 cũng rất lo lắng về mỏ nguyên liệu và một số dự án khác cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc khi quy hoạch vùng mỏ nguyên liệu. Sự thiếu quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu, làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Trong những năm qua, tỉnh ta liên tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xi măng.
Tuy nhiên, có dự án ban đầu vào cuộc khá “ồn ào”, nhưng lại “chìm” nhanh. Điển hình là Tập đoàn đầu tư Sài Gòn với dự án xây dựng Khu công nghiệp tổ hợp sản xuất xi măng VLXD lớn tại Tân Kỳ. Mở đầu cho việc triển khai một dự án đầu tư dài hơi, là khởi công nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (ngày 19/5/2010) với công suất thiết kế giai đoạn 1 gần 1 triệu tấn xi măng/năm (tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng), giai đoạn 2 sẽ mở rộng công suất lên 10.000 tấn clinker/ngày, với 2 dây chuyền, tương đương 4 triệu tấn xi măng/năm.
Sau sự kiện lễ khởi công xây dựng nhà máy, đem đến bao hy vọng cho người dân Tân Kỳ và các cấp, ngành của tỉnh cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án này. Nhưng sự chờ đợi, mong mỏi kéo dài khá lâu và kết cục, tỉnh đành phải rút Giấy phép đầu tư. Ông Hồng Trường - Nguyên Tổng Giám đốc dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ từng chia sẻ: “Vì gặp khó khăn về nguồn vốn, nếu tiếp tục đầu tư, phải vay vốn ngân hàng với lãi suất thương mại, đã vậy còn rất khó vay. Lĩnh vực đầu tư làm xi măng cần có thời gian dài, do vậy, đầu tư bằng nguồn vốn vay lãi suất thương mại sẽ không khả thi”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại này, nhưng có thể thấy rõ, nhà đầu tư thiếu tiềm lực và lựa chọn giai đoạn đầu tư (thời điểm) chưa phù hợp. Tuy đã chi phí không ít kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công, đền bù GPMB, xây dựng các hạng mục phụ trợ, hoạt động xã hội, từ thiện…nhưng chủ đầu tư đành phải “buông” dự án.
Hay tại dự án xi măng Hợp Sơn (trước đây là Nhà máy xi măng 19/5 Anh Sơn), do chủ đầu tư không đủ tiềm lực để tiếp tục triển khai dự án và tiến độ thực hiện dự án chậm hàng năm trời, nên tỉnh đã rút giấy chứng nhận đầu tư. Có thể thấy, từ năm 2010 đến cuối năm 2012, thị trường tiêu thụ xi măng diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy xi măng trên toàn quốc lâm vào tình trạng, càng sản xuất càng thua lỗ vì cung đã vượt cầu, hơn nữa do ảnh hưởng của Nghị quyết 11 - CP và chính sách thắt chặt đầu tư, cùng với đó, chính sách và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng siết chặt và khá cao. Do “mắc cạn” bởi những khó khăn này, trên địa bàn tỉnh ta, một số dự án xi măng đầu tư mới, hay liên doanh, liên kết đều gặp khó khăn khi triển khai, như: Xi măng Cầu Đước, Xi măng Đô Lương, Xi măng Dầu khí 12/9…
Tín hiệu ấm dần...
Từ đầu năm 2013, thị trường xi măng, vật liệu xây dựng đang có dấu hiệu ấm dần lên. Tiêu thụ xi măng hiện đang tăng trưởng từ 10 - 15%, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng ở mức 5- 10%/năm. Sở dĩ có được tín hiệu mới cho ngành sản xuất xi măng, là do Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách kích cầu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất cho vay… và đã có thêm những dự án đầu tư xây dựng mới được khởi công. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ phục vụ khối dân sinh cũng đang có xu hướng tăng. Có thể xem đây là cơ hội mới cho việc khởi động các dự án đầu tư ngành sản xuất xi măng.
Đón đầu xu thế đó, Xi măng Tân Thắng sau một thời gian dài thực hiện đầu tư theo kiểu “cầm chừng”, đầu tháng 8 này, Công ty quyết định đẩy nhanh tiến độ bằng việc tổ chức Lễ ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện gói thầu EP cung cấp thiết bị với tổng giá trị hơn 93,3 triệu USD. Các nhà thầu cung cấp thiết bị là những thương hiệu nổi tiếng thế giới về công nghệ sản xuất xi măng. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào năm 2016, Nhà máy xi măng Tân Thắng mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường xi măng 2 triệu tấn sản phẩm chất lượng cao. Ông Nguyễn Cao Điến – Tổng Giám đốc Công ty CP xi măng Tân Thắng cho biết: “Xác định xu thế thị trường tiêu thụ xi măng của Việt Nam và trong khu vực đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng cao, giá cả hợp lý và có đủ năng lực đáp ứng những hợp đồng cho các dự án lớn, Công ty quyết định đầu tư công nghệ sản xuất xi măng vào loại hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay của thế giới, thân thiện với môi trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, Nhà máy xi măng Hoàng Mai mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1,4 triệu tấn xi măng, các nhà máy xi măng khác đạt từ 300 - 400 ngàn tấn. Nhưng qua khảo sát, thống kê của ngành chức năng, năm 2011 địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiêu thụ 2,7 triệu tấn xi măng. Như vậy, ở thị trường nội tỉnh vẫn còn “thị phần” cho các dự án nhà máy xi măng. Theo dự báo, đến năm 2015, nhu cầu tiệu thụ xi măng trên địa bàn tỉnh sẽ giao động khoảng 3,3 - 4,95 triệu tấn, năm 2020 sẽ khoảng 7,2 - 8,8 triệu tấn… Điều này có ý nghĩa, tạo động lực để một số nhà đầu tư mạnh dạn “tiến công” vào lĩnh vực sản xuất xi măng.
Công ty CP Xi măng Dầu khí 12/9 tại huyện Anh Sơn nắm bắt cơ hội này đã gấp rút hoàn thành dự án với công suất 550.000 tấn/năm, bằng công nghệ lò quay hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành một số hạng mục lớn là Xi lô xi măng, tháp trao đổi nhiệt, nhà đóng bao, kho tổng hợp, nhà nghiền xi măng, bệ lò… Công ty quyết tâm trong quý 4/2003 sẽ hoàn thành dự án, đầu năm 2014 sẽ tiến hành sản xuất tấn sản phẩm đầu tiên. Nhờ có vùng nguyên liệu đá vôi phong phú (vùng mỏ được quy hoạch của xi măng 12/9) với trữ lượng 49,5 triệu tấn, là điều kiện để nhà máy hoạt động lâu dài.
Một dự án xi măng khác cũng đang nỗ lực triển khai, là Nhà máy xi măng Đô Lương. Sau nhiều năm lao đao, chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư mà vẫn khó có “bến đậu”. Hiện nay, Tập đoàn xi măng The Vissai – Ninh Bình đã chấp thuận tiếp nhận dự án, đồng thời lắp đặt thiết bị, công nghệ tiên tiến đạt công suất 2 triệu tấn/năm (thiết kế của dự án trước đây là công suất hơn 900 nghìn tấn/năm). Trước quyết tâm lớn của nhà đầu tư, UBND tỉnh đã có văn bản trình các cấp, ngành liên quan xem xét giải quyết. Rõ ràng, sự tăng tốc đầu tư của một số dự án xi măng là cách lựa chọn phù hợp với giai đoạn hiện nay.
![]() |
Sản phẩm xi măng của Công ty CP Vicem Hoàng .
“Đón”... thời cơ
Thời gian tới, trong cả nước khả năng chỉ có 7/46 dự án xi măng (trong quy hoạch) có thể hoàn thành đi vào sản xuất (rất nhiều dự án xi măng chưa triển khai do thiếu nguồn vốn đầu tư). Như vậy, từ năm 2015 trở đi, dự báo sẽ thiếu hụt ở phân khúc sản phẩm xi măng, nhất là xi măng chất lượng cao. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay đang là giai đoạn thuận lợi để các dự án xi măng (đã được Chính phủ phê duyệt) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030 tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An là một trong bốn khu vực có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp xi măng trong cả nước, bao gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây cũ); Ninh Bình; Hà Nam và Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình). Như vậy, mục tiêu xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm lớn về sản xuất xi măng là phù hợp, vấn đề còn lại là cách tổ chức thực hiện của tỉnh.
Để tạo động lực phát triển ngành sản xuất xi măng, thời gian tới, cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích để thu hút nguồn vốn đầu tư cho sản xuất xi măng, phát huy hiệu quả của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, giải quyết nhanh các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án... thì vấn đề quy hoạch và cấp mỏ nguyên liệu cần được quan tâm kịp thời. Hiện nay, thủ tục cấp mỏ còn khá phức tạp, qua nhiều cấp ngành phê duyệt. Cần có một quan điểm thấu suốt, sau khi thẩm định, lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, các cơ quan chức năng trong tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Tập trung nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các dự án. Áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và tăng cường huy động vốn tại địa phương của các ngân hàng quốc doanh, tổ chức tín dụng và chuyển hình thức cho vay theo dự án, hướng luồng vốn vào lĩnh vực cần ưu tiên chính là sản xuất và tiêu thụ xi măng...
Để trở thành trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước, Nghệ An không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên phong phú, mà vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng với sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành và sự đổi mới mạnh mẽ trong điều hành, chỉ đạo của tỉnh, sự tâm huyết, nỗ lực của nhà đầu tư, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu “trở thành Trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước”.