Vẫn còn những chỉ số đạt thấp

05/07/2013 21:22

(Baonghean) - Năm 2013, mặc dù kinh tế trên thế giới cũng như trong nước đã có những dấu hiệu hồi phục trở lại, nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn. 6 tháng đầu, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy vẫn đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2012, song mức tăng này không cao và còn thấp so với kế hoạch năm.

Nguyên nhân chủ yếu là bởi những tháng đầu năm nay, giá cả một số vật tư đầu vào cho sản xuất không ổn định, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp luôn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn, nhất là vốn vay với lãi suất thấp. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô, ngừng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, bất động sản, một bộ phận lao động mất việc làm, thu nhập không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn… Hết tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm ước đạt 15.600 tỷ đồng.

Đối với ngành công nghiệp khai khoáng, chỉ số phát triển giảm 28,18% so với cùng kỳ. Hầu hết, các sản phẩm như quặng thiếc, đá phiến và các sản phẩm đá xây dựng như đá dăm, đá hộc đều đạt thấp so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân là do trữ lượng khai thác quặng đang dần cạn kiệt, chưa tìm ra được địa điểm khai thác mới. Các sản phẩm là đầu vào của ngành Xây dựng như xi măng, gạch, tấm lợp kim loại đều giảm mạnh. Đối với giá trị công nghiệp ngành chế biến, chế tạo tăng 8,67% nhưng đây là mức tăng trưởng nhẹ, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh ta. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ hạn chế, sức mua kém nên nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, tồn kho nhiều. Như Công ty Mía đường Tate & Lyle, niên vụ 2012-2013 ép 1 triệu tấn mía cây, trong khi niên vụ trước chỉ ép 605 nghìn tấn mía. Tuy nhiên, do đường ngoại nhập vào Việt Nam nhiều, nhu cầu trong dân thấp nên các nhà máy bánh kẹo, các hãng sản xuất thực phẩm dùng đường đều không bán được hàng, tiêu thụ giảm nên nhu cầu đường ít nên sản phẩm đường hiện tồn kho khá lớn.
Trong khi đó, đối với các mặt hàng trọng yếu như sữa, bia, điện có mức tăng trưởng khá. Sữa tươi ước đạt 8,2 triệu lít, sữa các loại đạt 14,706 triệu lít. Bia lon ước đạt 44 triệu lít, bia chai 36,5 triệu lít. Ngành Điện thì giá trị sản xuất không ngừng tăng mạnh. 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất đạt 803 triệu KWh, tăng 47,67%; sản lượng điện thương phẩm đạt 698 triệu KWh, tăng 2,85%. Có được sự tăng trưởng này là do Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Khe Bố và Thủy điện Nậm Mô bắt đầu hòa lưới điện quốc gia.



Nhà máy Thủy điện Nậm Mô đi vào hoạt động góp phần tăng sản lượng
điện của tỉnh.

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, ngành Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Hiện sàn giao dịch thương mại điện tử đã ra mắt được 8 tháng và thu hút được hơn 1.200 sản phẩm và gần 150 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã xây dựng được 2 trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và năng lượng. Đây là giải pháp nhằm quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm cho các doanh nghiệp. Để thu hút các dự án may mặc, Sở đã sử dụng nguồn quỹ khuyến công quốc gia để đào tạo nghề may cho 500 lao động; đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông. Hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công địa phương cho 42 đề án với tổng kinh phí 2,167 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nắm bắt, tiếp cận với thị trường, Sở đã tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin diễn biến thị trường đầy đủ đến với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được rút gọn, nâng cao hoạt động của phòng giao dịch 1 cửa để tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Sở còn phối hợp với các công ty tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở quy mô nhỏ và vừa. Với số vốn hạn chế nên tình hình sản xuất gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp này lại khó tiếp cận. Mặt khác, công nghệ sản xuất tại các nhà máy tương đối lạc hậu dẫn tới năng suất thấp, giá thành cao, khó tìm kiếm đầu ra.

Những tháng còn lại của năm, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục có diễn biến phức tạp và sẽ có những tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất công nghiệp. Ông Dũng cho biết: Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngành Công thương đang cùng với các doanh nghiệp xúc tiến thực hiện các giải pháp như: Củng cố và phát triển hệ thống phân phối nhằm mở rộng và tăng thị phần cho các sản phẩm công nghiệp. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng xuất khẩu như chế biến chè, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may… Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển công nghiệp nông thôn, quan tâm đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... Với những giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh và các cấp ngành đang được triển khai, cùng sự nỗ lực của chính bản thân các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm sẽ có những khởi sắc, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.


Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
Vẫn còn những chỉ số đạt thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO