Vấn đề đấu thầu mua thuốc - "nóng" diễn đàn Quốc hội
Chiều 30/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật đấu thầu. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là vấn đề chỉ định thầu và mua thuốc của các cơ sở y tế.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Nhiều đại biểu tán thành với các quy định trong dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, công phu, cụ thể hóa được nhiều nội dung, hướng tới khắc phục được những điểm bất hợp lý của Luật đấu thầu hiện hành.
Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và quy định một mục riêng về đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế, thể hiện sự công khai, minh bạch hơn trong việc đấu thầu thuốc, khắc phục những bất cập trong đấu thầu và quản lý giá thuốc, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định về trường hợp đặc thù để tránh tạo kẽ hở và lúng túng trong đấu thầu thuốc.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhìn nhận khoản 1, Điều 22 chỉ nên quy định chỉ định thầu đối với các gói thầu mua hóa chất, vật tư thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra trên diện rộng, có liên quan đến nhiều tỉnh thành hoặc ở một tỉnh, thành phố nhưng ở mức độ nghiêm trọng, không nên quy định “trong trường hợp cấp bách” chung chung như dự thảo.
Bày tỏ đồng tình với việc có hình thức đàm phán giá trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, song đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho rằng cần bỏ quy định mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp khu vực tại Khoản 2 Điều 48 để tránh trùng lắp khi thực hiện. Nếu mua thuốc tập trung ở cấp trung ương và cấp địa phương như dự thảo Luật thì sẽ được hiểu là đơn vị mua thuốc tập trung thuộc bộ sẽ mua thuốc cho các cơ sở y tế thuộc bộ, đơn vị mua thuốc tập trung thuộc ủy ban nhân dân tỉnh sẽ mua thuốc tập trung cho y tế của tỉnh, như vậy dễ xảy ra tình trạng cùng một mặt hàng thuốc trên cùng một địa bàn nhưng các cơ sở y tế thuộc trung ương thuộc bộ và địa phương sẽ có giá thuốc khác nhau.
Đại biểu đề nghị nên sửa quy định này theo hướng mua thuốc tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế, như vậy sẽ có danh mục thuốc dùng cho cả nước, cho tỉnh, thành phố và cho bệnh viện tùy theo tiêu chí đưa ra quy định. Trong đó, cần đưa rõ tiêu chí lựa chọn danh mục thuốc ở 3 cấp khác nhau để tránh tình trạng xin cho.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi, Điều 43 quy định mua sắm tập trung là lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung, khái niệm này cần làm rõ. Dự thảo Luật và Nghị định hướng dẫn chưa có điều nào đề cập đến chất lượng thuốc, đại biểu đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc mua thuốc tập trung, từ đó quy định chi tiết thành phần, hoạt động của đơn vị mua thuốc tập trung cho cấp quốc gia, cấp địa phương và các cơ sở y tế.
Đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm Xã hội trong việc đấu thầu thuốc, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị bổ sung Điều 48a, quy định trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong lộ trình đàm phán giá, tham gia toàn bộ các khâu đấu thầu, có quyền từ chối chi trả đối với những loại thuốc cao hơn quá mức quy định.
Cơ bản tán thành với những quy định về chỉ định thầu thể hiện tại Điều 22 dự thảo Luật, song các ý kiến cho rằng việc quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cần thực hiện để khắc phục sự cố bất khả kháng một cách chung chung như vậy dễ tạo khe hở cho các nhà đầu tư.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng một số trường hợp chỉ định thầu quy định trong dự thảo Luật quá rộng, thiếu chặt chẽ như khoản 1 điểm a, điểm e, nhiều trường hợp có thể lách luật để không thực hiện đấu thầu, do đó cần quy định chặt chẽ hơn, hạn chế việc chỉ định thầu để đảm bảo phát huy được dân chủ trong mua sắm, đấu thầu xây dựng các công trình.
Nhiều đại biểu đề nghị chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu; rà soát, lường trước các tình huống cần chỉ định thầu để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu, tránh tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu, giao Chính phủ quy định về hạn mức chỉ định thầu theo từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định của Luật. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) kiến nghị cân nhắc chỉ chỉ định thầu áp dụng với các gói thầu nhỏ.
Về vấn đề bảo đảm cạnh trong đấu thầu, các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng luật quy định sự độc lập về pháp lý, về tài chính giữa nhà thầu với nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu là cần thiết, để đảm bảo tính pháp lý, khách quan trong đấu thầu.
Tuy nhiên đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng với việc quy định sự độc lập về pháp lý, về tài chính như vậy, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sẽ bị vướng. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm mục với nội dung tổ chức đấu thầu trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong Chương II để cụ thể hóa cơ chế đấu thầu có tính đặc thù, phù hợp với mô hình tổ chức, nguyên tắc và cơ chế hoạt động của các mô hình kinh tế này theo tinh thần đảm bảo phát huy lợi thế, sức mạnh của nhau, tiềm năng sẵn có, tạo sự liên kết giữa các đơn vị thành viên trong các tập đoàn, tổng công ty.
Nhiều nội dung liên quan đến hạn mức vốn nhà nước, mua sắm tập trung, ưu đãi trong đấu thầu, các hành vi bị cấm, quy định các điều kiện chung đặt ra đối với cá nhân tham gia đấu thầu… cũng đã được các đại biểu thảo luận.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị làm rõ các tiêu chí khi xác định điều kiện của cá nhân tham gia bên mời thầu, cá nhân tham gia đấu thầu cũng phải bảo đảm khả năng cạnh tranh, ngoài những điều kiện chung, cần bổ sung quy định cá nhân, tổ chức tham gia đấu thầu đã có thời gian tối thiểu ít nhất 3 năm mới bảo đảm chất lượng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị Luật quy định rõ chủ đầu tư là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng trong quá trình chọn thầu./.
Theo TTXVN