Vẫn “nặng thu”, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng

03/10/2013 23:08

(Baonghean) - Sau gần 5 năm chuyển đổi từ Ban quản lý chợ (do UBND phường quản lý) sang Hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ, tại 3 mô hình thực hiện thí điểm (chợ Kênh Bắc, chợ Cửa Bắc và chợ Bến Thủy) ở TP. Vinh, đã có bước chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, mô hình này vẫn tồn tại những bất cập như, khó huy động nguồn vốn của xã viên và hộ kinh doanh, cơ sở hạ tầng không được bổ sung đầu tư nâng cấp, ô nhiễm môi trường…

Năm 2008, UBND TP Vinh xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn. Theo đó, chuyển đổi, thành lập các HTX kinh doanh khai thác chợ đối với 3 chợ khu vực, là Kênh Bắc (phường Hà Huy Tập), chợ Cửa Bắc (phường Lê Lợi) và chợ Bến Thủy (phường Bến Thủy). Ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP Vinh cho biết: “TP Vinh đã chỉ đạo các phường tiến hành thành lập HTX chợ theo đúng quy trình và hướng dẫn. Ban quản lý chợ xây dựng phương án quản lý, kinh doanh, điều lệ HTX chợ, nội quy quản lý chợ… Tại 3 mô hình này đã tổ chức thành công việc chuyển đổi và đại hội xã viên trong tháng 9/2008. Từ đó, các HTX hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, đi vào hoạt động kinh doanh từ tháng 1/2009, và hoạt động rất hiệu quả”. Thời gian mới chyển đổi mô hình này gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, do sau khi xã viên đóng góp vốn điều lệ, phần lớn nguồn tiền này phải chi trả lại cho UBND phường, với lý do đã đầu tư xây dựng công trình trên đất (trong khu vực chợ). HTX Bến Thủy với 54 xã viên góp vốn điều lệ được 620 triệu đồng, chi trả cho UBND phường 500 triệu đồng. HTX Cửa Bắc có 44 xã viên góp vốn điều lệ, được 705 triệu đồng, cũng chi trả cho phường 520 triệu đồng... Nhưng nhờ hoạt động theo Luật HTX và có phương án kinh doanh cụ thể, sau một thời gian ngắn, các mô hình này “bắt nhịp” khá nhanh và ngay sau năm đầu tiên chuyển đổi mô hình (2009) tổng mức thu phí của 3 chợ đạt hơn 3,2 tỷ đồng (trước đây là 972 triệu đồng/năm).

Chợ Kênh Bắc do HTX Kênh Bắc quản lý.
Chợ Kênh Bắc do HTX Kênh Bắc quản lý.

Chủ nhiệm HTX Cửa Bắc – Đậu Doãn Thắng không ngần ngại cho biết: “Trước đây, dãy ki ốt bám mặt đường Lê Lợi do phường quản lý, mỗi tháng chỉ thu được 800 nghìn đồng/ki ốt, sau khi chuyển sang mô hình HTX, đã tổ chức đấu thầu, nên mỗi tháng thu được 3 triệu đồng/ki ốt. Cùng với đó, HTX mạnh dạn quy hoạch, sắp xếp lại các ngành hàng kinh doanh trong khu vực chợ để thu hút thêm các hộ kinh doanh, nên trong khu vực chợ có trên 200 hộ kinh doanh ổn định, và khoảng 100 hộ vãng lai. Nhờ đó, chợ Cửa Bắc từ số thu chỉ đạt 240 triệu đồng/năm, nay ổn định với con số 680 triệu đồng/năm”.

Sự thay đổi đó là rất đáng mừng, nhưng đáng tiếc là điều kiện kinh doanh tại chợ Cửa Bắc lại chưa được cải thiện nhiều. Do khu chợ cấp khu vực, được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, chưa được đầu tư đồng bộ để tu sửa, nâng cấp lại.Trong chợ diện tích mỗi quầy hàng chật chội, bó hẹp chỉ trong vài m2, trong khi đó môi trường bị ô nhiễm vì thiếu hệ thống xử lý rác, nước thải gây nguy cơ cháy nổ cao đe dọa cả tính mạng, tài sản… Trước thực tế, các hộ kinh doanh trong chợ phải đóng rất nhiều phí và mức đóng ngày càng tăng, nhưng ngược lại điều kiện kinh doanh chưa được cải thiện, mà có chiều hướng đi xuống.

Bởi sự xuống cấp trầm trọng của chợ, BQL HTX Cửa Bắc thời gian qua đã lập kế hoạch đầu tư xây dựng lại chợ, nhưng vì lý do thiếu nguồn vốn (do khó huy động được nguồn vốn của xã viên, các hộ kinh doanh), lại chưa được cấp bìa chứng nhận quyền sử dụng đất, nên kế hoạch đầu tư xây dựng vẫn phải đợi… Đến nay, muốn tiến hành xây dựng chợ phải điều chỉnh lại thiết kế. Theo BQL HTX chợ Cửa Bắc cho hay, sau một thời gian tích cực vào cuộc, nay chợ Cửa Bắc đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và được cắm mốc, chỉ giới xây dựng. Sau khi nhận được bìa đỏ, nếu huy động được nguồn vốn, sẽ tính toán lại phương án đầu tư xây dựng chợ cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Chợ Kênh Bắc có diện tích hơn 2.171 m2, thu hút gần 200 hộ kinh doanh buôn bán. Sau khi chuyển đổi mô hình sang HTX kinh doanh chợ, đã tạo sự nhảy vọt về nguồn thu phí. Nếu trước đây UBND phường Hà Huy Tập khoán thu gần 200 triệu/năm, thì năm 2012 HTX chợ đạt hơn 500 triệu đồng, dự kiến năm 2013 này sẽ là 600 triệu đồng. Tuy nguồn thu phí đạt cao, nhưng việc tái đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật chợ lại rất ít. Do đó các hộ kinh doanh tại chợ Kênh Bắc không những phải gánh chịu sự ô nhiễm môi trường, mà tính mạng, tài sản cũng bị đe dọa, bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, hệ thống PCCC thiếu đồng bộ… Một hộ kinh doanh tại chợ Kênh Bắc phàn nàn: “Bà con tiểu thương nơi đây đã phản ánh với HTX chợ về điều kiện kinh doanh, buôn bán không bảo đảm, nhưng những vấn đề này vẫn không được giải quyết. Chúng tôi phải nộp nhiều khoản phí, thuế, mà không được tạo điều kiện bình đẳng trong kinh doanh buôn bán, do HTX chợ cho các hộ vãng lai bán hàng trước cổng chợ, trên vỉa hè…”.

HTX chỉ tập trung tận thu phí, mà chưa chú trọng đến các điều kiện kinh doanh buôn bán của người dân, đó là điều rất dễ nhận thấy ở chợ Kênh Bắc. Và cũng chính vì vậy, trong thời gian qua chợ Kênh Bắc vẫn gần như nguyên trạng bộ mặt cũ của cách đây cả chục năm trời. Với cách làm này, BQL HTX chợ Cửa Bắc sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai các phương án kinh doanh và chắc chắc, thời gian tới việc huy động nguồn vốn của người dân để đầu tư xây dựng lại chợ sẽ gặp không ít trở ngại. Theo ông Đặng Duy Hương - Chủ nhiệm HTX Kênh Bắc cho hay, do gặp khó khăn trong việc tìm vị trí di dời chợ tạm để xây dựng chợ mới, và bị hạn chế về nguồn vốn huy động, nên phương án đầu tư xây dựng lại chợ Kênh Bắc trong mấy năm qua vẫn không thực hiện được (mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Cũng như chợ Cửa Bắc và Kênh Bắc, chợ Bến Thủy trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng gặp không ít khó khăn. Tuy không phải lo lắng nhiều về nguồn vốn đầu tư (do chợ Bến Thủy có 560 hộ kinh doanh và đạt nguồn thu khá cao, năm 2009 đạt 1,4 tỷ đồng, năm 2012 đạt 2,4 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến đạt khoảng 2,6 tỷ đồng, và các hộ kinh doanh sẵn sàng đóng góp vốn xây dựng chợ), nhưng lại gặp vấn đề tư tưởng chưa “thông” của một số hộ kinh doanh buôn bán trong khu vực chợ, nên khi đưa ra phương án xây dựng lại chợ Bến Thủy thì không nhận được sự đồng tình, và đã xẩy ra tình trạng kiếu kiện. Chị Nguyễn Thị Lan Hương – là xã viên HTX Bến Thủy và là hộ kinh doanh tại chợ cho biết: “Hàng năm, HTX đều tiến hành đại hội xã viên và đều thống nhất các phương án kinh doanh của HTX. Việc đầu tư xây dựng lại chợ được xã viên đồng tình cao và đây là điều phải làm, vì chợ đã xuống cấp, điều kiện kinh doanh không bảo đảm… Nhưng khi chuẩn bị các bước đầu tư lại bị một số hộ kinh doanh trong chợ chưa đồng tình, gây khó khăn. Nguyên nhân là không đồng tình với phương án thiết kế, quy hoạch lại chợ”.

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được cán bộ BQL HTX Bến Thủy giải thích: Trước đây, quy hoạch, xây dựng các ki ốt chợ bám sát với vỉa hè đường Nguyễn Văn Trỗi, nên trong quá trình kinh doanh buôn bán, hộ có ki ốt và hộ kinh doanh vãng lai bày bán hàng lấn chiếm lòng lề đường, khu vực này lại thường xuyên bị ách tắc giao thông, trở thành “điểm nóng” về tình trạng mất trật tự trị an, an toàn giao thông, nên các cấp, ngành chức năng đã vào cuộc tích cực nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề này. Thực tế đó, cùng với sự tham khảo của cơ quan chức năng, BQL HTX đã quyết định đầu tư xây dựng lại các ki ốt khang trang, cao 2 tầng và không hướng ra mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi để bảo đảm mỹ quan đô thị, không ảnh hưởng đến trật tự trị an, an toàn giao thông, nên một số hộ kinh doanh tại khu vực này không đồng tình và cho rằng nếu đầu tư thì làm đồng bộ cả khu vực chợ, không theo kiểu “cuốn chiếu” như phương án của HTX.

Hay một trong những nội dung, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thủy kiến nghị gửi lên các cấp, ngành chức năng là yêu cầu được trở thành xã viên HTX Bến Thủy. Vấn đề này, ông Cao Xuân Phúc - Phó Chủ nhiệm HTX Bến Thủy nói rằng: “Trước đây, BQL HTX kêu gọi, vận động các hộ tiểu thương đóng góp vốn điều lệ vào HTX, nhưng rất ít người tham gia, nay lại có rất nhiều hộ xin gia nhập xã viên HTX. Để giải quyết vấn đề này, phải chờ quyết định đại hội giữa nhiệm kỳ vào đầu năm 2014”. Rõ ràng, trong quá trình hoạt động, HTX Bến Thủy vẫn đang còn vướng mắc với các tiểu thương kinh doanh trong chợ và khi chưa giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyên vọng của hộ kinh doanh, thì HTX Bến Thủy sẽ rất khó khăn trong việc vận động ủng hộ xây dựng lại chợ.

Qua 3 mô hình làm thí điểm tại TP Vinh, thấy rằng bên cạnh những mặt đã làm được (tăng nhanh nguồn thu, đóng góp ngân sách Nhà nước, tạo thêm việc làm cho người dân, tham gia các hoạt động xã hội…) thì một điều thấy được rằng, BQL HTX tập trung vào việc tăng nguồn thu, mà chưa thực sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng vào hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến tình trạng chợ ngày càng xuống cấp, và sau 5 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, người dân lại càng buồn thêm bởi bộ mặt chợ ngày càng trở nên “tuyềnh toàng” hơn. Thành phố Vinh, liệu có giải pháp phù hợp để giải quyết được tình trạng này?

Hoàng Vĩnh

Mới nhất
x
Vẫn “nặng thu”, thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO