Về bài báo "Sớm thu hồi diện tích đất lấn chiếm tại khu tập thể Công ty CP giấy Sông Lam"
(Baonghean) Liên tiếp trong 2 ngày 11 và 12/10, Báo Nghệ An nhận được đơn của vợ chồng ông Nguyễn Năng Lập, bà Châu Thị Sâm tố cáo giám đốc, lãnh đạo phòng tổ chức Công ty CP giấy Sông Lam hành hung thô bạo công nhân, ép gia đình ông Lập phải trả lại diện tích đất lấn chiếm.
(Baonghean) Liên tiếp trong 2 ngày 11 và 12/10, Báo Nghệ An nhận được đơn của vợ chồng ông Nguyễn Năng Lập, bà Châu Thị Sâm tố cáo giám đốc, lãnh đạo phòng tổ chức Công ty CP giấy Sông Lam hành hung thô bạo công nhân, ép gia đình ông Lập phải trả lại diện tích đất lấn chiếm.
Sau khi cử phóng viên về địa phương điều tra, ngày 25/10/2012 Báo Nghệ An đăng bài "Sớm thu hồi diện tích đất lấn chiếm tại khu tập thể Công ty CP giấy Sông Lam" phản ánh gia đình ông Lập, bà Sâm lấn chiếm đất công và tố cáo sai sự thật về lãnh đạo Công ty CP giấy Sông Lam. Ngày 29/10, Báo Nghệ An nhận được đơn của bà Sâm khiếu nại về bài báo trên. Bà Sâm cho rằng, phóng viên Báo Nghệ An phản ánh sai thực tế. Để rõ hơn vấn đề bà thắc mắc, Báo Nghệ An xin trao đổi thêm một số nội dung sau:
- Thứ nhất, bà Sâm cho rằng gia đình bà được mua nhà hóa giá của công ty vào năm 1992, đến nay ở đã 22 năm không có tranh chấp mà phóng viên đến thẩm tra không nắm bắt được rõ ràng đã nêu là bà lấn chiếm. Vấn đề này qua tìm hiểu chúng tôi khẳng định: Đất tại khu tập thể Công ty CP giấy Sông Lam là đất do Nhà nước giao Công ty CP giấy Sông Lam quản lý và sử dụng ổn định từ trước đến nay. Hàng năm, Công ty CP giấy Sông Lam vẫn nộp tiền thuế đất cho Nhà nước. Công ty CP giấy Sông Lam xây nhà tập thể và bàn giao cho các hộ gia đình chỉ được phép sử dụng phần trên đất, vì vậy việc gia đình bà tự ý cơi nới là trái với quy định của công ty.
Còn theo như bà nói, gia đình bà ở đến nay đã 22 năm không có tranh chấp là không đúng, vì theo tìm hiểu chúng tôi được biết, kể từ sau khi gia đình ông Tế được hóa giá gian nhà phía sau vào tháng 10/1992, từ đó đến nay hai gia đình đã không ít lần tranh cãi, xô xát. Và một thực tế nữa là phần đất gia đình bà cơi nới hoàn toàn không phù hợp với quy hoạch của khu tập thể, bởi đây là đường đi giữa dãy nhà trước và dãy nhà sau. Và đặc biệt, hiện nay chính quyền xã Hưng Phú và Công ty CP giấy Sông Lam đang tiến hành quy hoạch khu tập thể này thành khu dân cư thì phần đất cơi nới của gia đình bà nằm trong phạm vi đường quy hoạch. Từ những căn cứ đó, cùng với ý kiến của nhiều người nguyên là cán bộ, công nhân viên Công ty CP giấy Sông Lam chứng kiến sự việc từ trước đến nay đều khẳng định gia đình bà đã lấn chiếm.
- Thứ hai, vấn đề bà Sâm cho rằng "công ty đã thành lập ban hội đồng, ông trưởng ban đã phê chuẩn vào đơn kiến nghị có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, sơ đồ bản vẽ trước lúc về hưu đã bàn giao cho anh Lê Thắng là cán bộ tổ chức nhà máy. Vậy mà phóng viên xem bản vẽ giả mà kết luận cho tôi". Nội dung này xin trao đổi với bà như sau: Trong biên bản hợp đồng thanh lý của Công ty CP giấy Sông Lam lập ngày 13/8/1991 nêu rõ: "chỉ bán căn nhà tập thể kể từ phần mặt đất trở lên, còn đất đai của nhà máy chủ mua không có quyền sử dụng". Vậy thì lập luận của bà có đúng không, khi biên bản thanh lý chỉ bàn giao nhà, nghĩa là người mua không có quyền lợi gì về đất thì công ty cần gì phải đo đạc, vì vậy lấy đâu ra bản vẽ? Và như thế làm gì có bản vẽ cũ hay bản vẽ mới, bản vẽ thật hay bản vẽ giả như bà nói?
- Thứ ba, bà cho rằng, ông Tế không có bìa đỏ nên không có quyền tranh đất. Vấn đề này, có thể khẳng định toàn bộ những hộ gia đình ở khu tập thể này không gia đình nào có sổ đỏ (kể cả gia đình bà và gia đình ông Tế) bởi đây là đất của nhà nước giao cho Công ty CP giấy Sông Lam quản lý và sử dụng ổn định từ trước đến nay.
- Thứ tư, bà cho rằng "Ông giám đốc lấy tiền tập thể trả thuế cho Nhà nước. Như vậy có đúng không?". Vấn đề này bà cần phải hiểu rằng, đây là đất Nhà nước giao cho Công ty CP giấy Sông Lam quản lý và sử dụng thì đương nhiên phải lấy tiền công ty để nạp thuế đất hàng năm. Còn vấn đề bà cho rằng giám đốc vì vụ lợi riêng, biện bạch việc làm đường, thông mương trong khi không có đường, mương nào cả.
Theo tìm hiểu thực tế và các căn cứ trên giấy tờ, chúng tôi được biết, sau khi UBND xã Hưng Phú có Văn bản số 01/UBND-SDĐ gửi Công ty CP giấy Sông Lam vào ngày 26/4/2012, với nội dung xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình thuộc xóm 8 xã Hưng Phú, đã tổ chức các cuộc họp để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai của các hộ gia đình, trong đó có gia đình ông Lập. Và đã kết luận gia đình ông Lập không có giấy tờ đầy đủ để chứng minh phần đất gia đình đang ở và cơi nới đã được Nhà nước giao đất, nên buộc phải trả lại phần đất xâm phạm.
Liên tiếp sau đó, nhiều cuộc họp giữa UBND xã Hưng Phú, Công ty CP giấy Sông Lam và các hộ gia đình liên quan, cũng như nhiều cuộc họp của chi bộ, cấp ủy, mặt trận xóm đều thống nhất yêu cầu gia đình ông Lập phải tháo dỡ phần cơi nới để xóm làm đường, mương thoát nước.
Như vậy, bài báo khẳng định gia đình bà Sâm, ông Lập đã lấn chiếm đất của Công ty CP giấy Sông Lam là hoàn toàn có căn cứ. Từ đó, trong bài báo tác giả đã kiến nghị chính quyền địa phương, Công ty CP giấy Sông Lam cần tổ chức họp kiểm điểm về hành vi ngang ngược của ông Lập, cùng với đó kịp thời có biện pháp cưỡng chế để thu lại phần đất do ông Lập lấn chiếm, không để dây dưa, nhằm bảo đảm quyền lợi chung của những gia đình sống tại đây. Việc phản ánh sự việc trong bài báo của Báo Nghệ An là hoàn toàn khách quan, không có chuyện "phóng viên vì vụ lợi riêng" như bà Sâm nói.
Báo Nghệ An