Về bài thơ “Lá thư Xuân”...
Cựu binh Úc trao cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” cho Thượng tá Nguyễn Thị Tiến
(Baonghean.vn)- Một ngày đầu Xuân, chúng tôi đã tìm đến nhà riêng của thượng tá Nguyễn Thị Tiến - nguyên Phó GĐ Bảo tàng quân khu 4 ở khối 7, phường Trung Đô, TP.Vinh) để tìm hiểu về cuốn sổ nhật ký có bài thơ “Lá thư xuân”, một bài thơ từng gây chấn động người yêu chuộng hòa bình thế giới khi người cựu chiến binh Úc Laurens Wildeboer tìm cách trao trả lại cho chủ nhân của nó sau 40 năm cất giữ.
Đó là một cuốn sổ còn nguyên vẹn và được đóng gáy chắc chắn, bọc bìa màu đỏ thẫm. Ngay trang bìa, góc phía trên bên phải là hình cánh buồm đang lướt sóng và ghi số 320 trang. Đây cuốn sổ được đóng bằng những tập giấy caro. Trong cuốn sổ này còn có một số trang từ điển Anh - Việt loại nhỏ, một tệp giấy pa - luya loại dùng để viết thư và một bài thơ viết nháp được kẹp vào giữa.
Cựu binh Úc trao cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” cho Thượng tá Nguyễn Thị Tiến
Mở đầu cuốn nhật ký là dòng thơ “Ta không như con thuyền chờ đợi/ Gió xuôi rồi buồm mới căng lên” và dòng chữ Thanh Phong được khắc kiểu chữ vuông. Trong cuốn sổ này có một số bức hình vẽ hoa đào, chim én, rừng núi bằng bút chỉ màu loại Culo (loại bút chì có một đầu màu xanh và một đầu màu đỏ). 17 bài thơ có trong cuốn bút ký này không phải được viết theo tuần tự thời gian mà đã được tác giả chép lại một cách nắn nót những sáng tác của mình trên đường hành quân. Bởi vậy, có bài thơ theo thời gian được ghi ở cuối bài lại được chép trước bài thơ có thời gian sáng tác sau đó.
Riêng bài thơ “Lá thư xuân” được sáng tác vào tháng 1 năm 1968, khi quân ta đang tiến hành cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Nghỉ dừng chân sau một đêm hành quân, vào thời điểm giao thừa, trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ người yêu, người lính đã viết bài “Lá thư xuân” và gửi nó cho “tình yêu của tôi nơi quê nhà”. Khổ đầu bài thơ là nỗi nhớ người yêu:
“Từ buổi ấy xa em biền biệt
Thấm thoát thoi đưa mấy độ xuân về
Hỡi em yêu còn ở chốn quê
Chắc ngoài ấy đang tung trời vui cánh én
Viết thư cho em đầu xuân sáu tám
Ngoài quê hương em đang rét run người
Xuân trong này cũng lạnh lắm em ơi
Đừng khóc nữa nhớ anh nhiều em nhé
Nhớ buổi ra đi nhìn nhau lặng lẽ
Giọt lệ sầu thương cho tiếng tiễn đưa
Mà hôm nay đã mấy độ xuân về
Nhớ em lắm!”
Ngoài tình yêu, người lính đã viết về nghĩa vụ yêu nước thiêng liêng của mình, về mặt trận, về đêm trước cuộc chiến mà anh hi vọng sẽ đánh bại được giặc ngoại xâm, chúng sẽ “bị chôn xuống bùn đen”:
“Nhớ quê hương đang bừng nổi dậy
Tàu chiến Mỹ ăn đòn bốc cháy
Giặc nhà trời cũng vùi xác bùn đen
Còn trong này anh đứng giữa tiền duyên
Giao thừa đến vui tiếng kèn xung trận
Đêm hành quân mừng xuân sáu tám
Vắng đào thơm mà ngát nhụy mai vàng
Trên người anh rung cành lá ngụy trang
Theo nhịp bước đoàn quân xuống đường quyết thắng”
Bài thơ được viết bằng nét chữ nghiêng phóng khoáng, được trang trí bằng một bức vẽ hình chim én nhỏ đậu trên cành cây nở đầy hoa. Đến thời điểm hiện tại, tác giả bài thơ là ai vẫn chưa được xác định. Theo những phân tích, nhận định ban đầu của Thượng tá Nguyễn Thị Tiến thì đây là bài thơ của người lính miền Bắc đang chiến đấu ở chiến trường miền
Trước đó, bài thơ “Lá thư Xuân” được cho là của liệt sỹ Phan Văn Bần, tên thường dùng là Phan Thanh Hùng và bí danh là Phan Thành Nhơn, quê Long Thành, Biên Hòa, Đồng Nai. Nhưng qua đối chiếu hồ sơ lưu trữ và các chi tiết có liên quan thì tác giả của bài thơ không phải là liệt sỹ Phan Văn Bần.
Bài thơ được sáng tác cách đây 45 năm, vào Tết Mậu Thân 1968, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Người lính đang chiến đấu ở miền Nam. Vào lúc Tết đến, Xuân về, khi nhà nhà đoàn viên, sum họp thì nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người yêu như đang bùng cháy trong trái tim người lính. Nỗi nhớ nhung đó được gửi gắm qua từng câu, từng chữ. Nỗi nhớ đó càng thôi thúc anh thắng giặc trở về “Giao thừa đến vui tiếng kèn xung trận/Đêm hành quân mừng xuân sáu tám/Vắng đào thơm mà ngát nhụy mai vàng/Trên người anh rung cành lá ngụy trang/Theo nhịp bước đoàn quân xuống đường quyết thắng”...
Thanh Phúc