Về đôi câu đối của cụ Nguyễn Sinh Sắc tặng thầy giáo
Làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) là một trong những địa danh nổi tiếng của Nghệ An với nhiều di tích lịch sử ông cha để lại, đây cũng là quê hương của cụ tú tài Phạm Văn Thuấn – một trong những người thầy của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ.
(Baonghean) - Làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) là một trong những địa danh nổi tiếng của Nghệ An với nhiều di tích lịch sử ông cha để lại, đây cũng là quê hương của cụ tú tài Phạm Văn Thuấn – một trong những người thầy của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ.
Năm 1878, Nguyễn Sinh Sắc được cụ Hoàng Đường dạy học, nhưng sau 8 năm rèn luyện, cảm thấy trình độ của mình có hạn, năm 1886, cụ quyết định gửi Nguyễn Sinh Sắc tới làng Đông Chữ, xã Thịnh Trường, cách Hoàng Trù trên 30km để học với thầy đồ Nguyễn Thức Tự, người nổi tiếng uyên bác và có lòng yêu nước. Cụ là một trí thức Nho học ở làng Đông Chữ, từng tham gia phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Cụ nhiều năm dạy học ở Nam Đàn, Thanh Chương, nhưng lâu nhất là ở quê nhà. Học trò đến trường thầy Tự có đủ con em các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nam Định. Năm 1886, sau hai năm từ quan, cụ chính thức mở trường dạy học, đồng thời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Lúc bấy giờ, cùng dạy với thầy Nguyễn Thức Tự còn có Phạm Văn Thuấn, Nguyễn Năng Chúc, Nguyễn Năng Phiên, Lê Văn Hoan, Lê Xuân Huyên…
Sau một thời gian học tập ở đây, được thầy Tự, thầy Thuấn và nhiều thầy đồ khác truyền dạy kiến thức, năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đi thi đỗ cử nhân. Nhân dịp thầy Nguyễn Thức Tự tròn 60 tuổi (năm 1900), học trò khắp nơi làm một bức trướng mừng thầy. Bức trướng rộng 1,8m, cao 1,6m, làm bằng gỗ dổi. Toàn bộ nội dung viết bằng chữ Hán, nói lên công lao to lớn của người thầy. Bài trướng có đoạn: “Năm Canh Tý, thầy tinh sơn phòng sứ Nguyễn Tiên Sinh xuất thân nhà Nho. Ngài không ưa khí chất yếu ớt, là một anh hào, thích sách, mài chí vào nghiên bút, nổi tiếng văn chương vượt lên hàng đầu tỉnh, trải qua kỳ ân khoa đạt được sự nghiệp thỏa chí… Khi ở quận, lúc tại triều công danh một mạch không kém ai, lại một trông ngóng nơi trời mây để trở về an nhàn nơi dậu cúc, giáo dục con trẻ, có hướng, có phương. Dạy dỗ người đời không chán không mệt…” (bản dịch trong nhà thờ Nguyễn Thức Tự). Phía dưới trướng, ký tên 36 môn sinh, trong đó có Phan Bội Châu, cử nhân Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc), Nguyễn Điểm, Nguyễn Thúc Dinh, Nguyễn Năng Cảnh, Hoàng Kiêm, Phan Sỹ Ngạc, Nguyễn Can,… Bức trướng để trong nhà khách, năm 1903 khánh thành nhà thờ, học trò treo ở giàn phía Tây, để mọi người thưởng thức.
Năm 1901, sau hơn 20 năm khổ học, tu luyện văn chương, kỳ thi hội này Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng. Sau khi đỗ đạt vinh quy bái tổ, cụ có đến thăm thầy Phạm Văn Thuấn ở làng Vạn Lộc, huyện Nghi Lộc và tặng thầy đôi câu đối. Cụ Sắc vâng lời cha, đem lễ vật đến báo đáp công ơn dạy dỗ của thầy với lòng thành kính. Đôi câu đối hiện nay ở nhà ông Phạm Văn Quý, khối 2, phường Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò) – người chắt, gọi cụ Phạm Văn Thuấn là cố nội. Đôi câu đối bằng gỗ mít, rộng 0,27m, dài 1,74m, xung quanh được chạm hoa văn vân mây hoa lá cách điệu. Câu đối được viết bằng chữ Hán trang trọng trên nền gỗ sơn đen. Con cháu đời sau có viết thêm chữ Quốc ngữ phiên âm để người đời đến đọc dễ nhớ.
Nội dung câu đối như sau:
Đương vi tất vi lệnh danh dĩ di phụ mẫu,
Tích thiện phùng thiện, phúc hựu khán nhi tôn.
(Tạm dịch: Việc nên làm phải làm, nêu tên tốt để vui lòng cha mẹ. Tích thiện thì gặp điều thiện, có phúc đức thấy ở chỗ con cháu).
Lạc khoản: “Nguyễn Sinh Huy quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, đậu phó bảng, thừa lệnh cha đến phúng điếu. Thành Thái – Giáp Ngọ Xuân”.
Theo các cụ lão thành trong phường Nghi Tân cho biết, khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đem câu đối, lễ vật thay mặt cha mình là cụ Hoàng Đường tế sống thầy, cụ Thuấn hết sức cảm động, vội đỡ cụ Sắc dậy, tỏ vẻ vui mừng trước tấm lòng hiếu nghĩa của cha con cụ phó bảng.
Trải qua trên 100 năm, chiến tranh và khí hậu khắc nhiệt của miền Trung, gia đình ông Phạm Văn Quý vẫn bảo quản chu đáo hiện vật lịch sử này. Nội dung câu đối cũng được các cụ đồ nho đời sau viết vào mặt trước nhà thờ họ Phạm Văn ở trong làng, để mọi người ngẫm nghĩ mà răn mình…
Phan Xuân Thành (Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An)