"Vẽ" gì lên "tờ giấy trắng"?
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Đừng để tâm hồn trẻ thơ bị "đục khoét"!” của tác giả Hải Triều ở chuyên mục “Cùng suy ngẫm”, đăng báo Nghệ An cuối tuần ra ngày 16/8 có số phiếu bình chọn bài hay cao thứ 3. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết…
TIN LIÊN QUAN
Người ta thường ví trẻ em như tờ giấy trắng, nếu người lớn khéo dạy bảo thì sẽ có một bức tranh đẹp, tươi sáng. Đối với trẻ, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học, các em chưa ý thức được các hành động của mình mà thường tuân theo những lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ và thầy cô giáo. Từ bé, trẻ được giáo dục đạo đức qua các câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện như Tấm Cám, Trầu cau, Thạch Sanh… qua lời kể của bà, của mẹ đều là những bài học về đạo lý làm người, khơi gợi trong bản năng mỗi đứa trẻ những mầm thiện, thắp sáng tính nhân văn… Vậy nhưng, đáng buồn, đáng báo động thay, hiện nay, có rất nhiều truyện tranh cổ tích xuất hiện nhưng với nội dung, cách trình bày được làm mới để bắt kịp xu thế. Với lý do cố gắng "hiện đại hóa" truyện cổ tích, để phục vụ giới học sinh, sinh viên, rất nhiều sách truyện tranh được "chế" một cách khó hiểu.
Hầu hết trong các truyện cổ tích này, những tình tiết thú vị đều đã bị cắt bỏ, thêm vào đó là những câu nói "thời @" mang đậm tính hiện đại hóa. Việc "chế biến" này nhằm tạo nên tính chất hài hước, giúp giới trẻ dễ tiếp thu hơn nhưng thực chất thì ngược lại. Truyện Tấm Cám thời hiện đại xuất hiện trên nhiều trang mạng như một cuốn truyện giải trí. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là mặc dù cốt truyện Tấm Cám vẫn giữ nguyên như cũ, nhưng lời nói, tình huống đều bị... biến dạng. Chẳng hạn, một đoạn trong truyện miêu tả cảnh mẹ Cám mắng Tấm như sau: "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với dấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm!" hay: "Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm"... Trong truyện tranh này, Tấm còn âm mưu bắn cả đỉa vào người Cám khi Cám đang ngủ trên đồng trong buổi chiều đi bắt tép. Tiếp theo, Tấm còn mắng Cám xối xả: "Dám chôm giỏ tép của tao à?"… Từ cách diễn đạt đó, hình ảnh cô Tấm ngoan hiền đã trở thành một người nham hiểm, ác độc…
Bên cạnh đó, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều đồ chơi bạo lực. Đã có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý chứng minh rằng, nhiều loại đồ chơi có những giá trị giống như việc học tập của trẻ, thậm chí với trẻ nhỏ thì nó có một giá trị không thể phủ nhận trong việc phát triển kỹ năng và hình thành nhân cách. Tuy nhiên, các nhà tâm lý cũng khẳng định rằng, mỗi loại đồ chơi có một kiểu tác động tâm lý và trí tuệ khác nhau. Ví dụ như những loại đồ chơi xếp hình, lắp ghép tranh … nó sẽ giúp trẻ phát triển trí não và khả năng tư duy. Còn những loại đồ chơi bạo lực sẽ làm cho trẻ luôn muốn tìm tòi và muốn hóa thân thành những nhân vật trong phim ảnh để trở thành anh hùng.
Những đứa trẻ tiếp xúc và chơi những loại đồ chơi bạo lực ngay từ nhỏ, sau này khi lớn lên nó sẽ là đứa trẻ hiếu thắng và chỉ muốn thắng người khác bằng bạo lực, bằng dao kiếm, súng ống. Nếu những đứa trẻ mê đồ chơi bạo lực và mê cả những trò chơi điện tử mang tính bạo lực thì những ảnh hưởng xấu đến tâm lý là không thể lường trước được. Điều đó cũng lý giải được vì sao ngày càng nhiều trẻ em tuổi vị thành niên phạm tội. Chuyên gia tâm lý Tô Thị Anh trong một bài báo đã phát biểu: “Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với thế giới xung quanh có tính giáo dục và khơi gợi tính nhân văn, tâm hồn trẻ được gần gũi với thiên nhiên, với "chất" người, khi lớn lên trẻ sẽ có tấm lòng nhân ái. Ngược lại, với những trẻ tiếp xúc với môi trường sống hoặc thói quen giải trí với những trò chơi, đồ chơi bạo lực, sẽ dễ hình thành thói quen dùng bạo lực để giải quyết mọi việc. Trẻ không được giáo huấn lòng nhân ái, khi lớn lên sẽ khô cạn tình yêu thương".
Trong khi đó, người lớn lại ít quan tâm đến yếu tố này khi lựa chọn sách truyện và đồ chơi cho con trẻ: “Không hiểu những nhà sản xuất đồ chơi nghĩ gì khi đem đến cho các em những nội dung giải trí vô nghĩa, vô bổ nhưng không hề vô hại ấy? Và không hiểu, các bậc phụ huynh nghĩ gì khi bỏ tiền ra mua cho con em mình những món đồ chơi như thế, hay bản thân họ thậm chí còn không biết con mình đang chơi gì, xem gì, nghe gì?”. Điều này dẫn đến thực trạng: “Nếu chúng ta cứ viết mãi, viết hoài lên tờ giấy đó những dòng chữ vô nghĩa, vô bổ và thậm chí là độc hại, dần dà tờ giấy tinh khôi ấy sẽ bị ăn mòn, đục khoét lúc nào không hay…”. Xin các bậc phụ huynh hãy cẩn trọng khi quyết định chọn lựa sách truyện, đồ chơi cho con, hãy trăn trở khi định “vẽ” gì lên “tờ giấy trắng” để nó không bị “ăn mòn và đục khoét”?
Người xây dựng