Về lại Hủng Trăn
Đúng là tôi chưa tới Hủng Trăn bao giờ, dù đã có lần đi qua Đồng Thành, Quang Thành, Kim Thành của quê lúa Yên Thành? Dù đã bao lần hứa hẹn tới thăm thú cảnh sắc hồ Vệ Vừng, nghe cá quẫy những đêm trăng, xem rừng dẻ trổ hoa và những đàn cò trắng bay về động Nẩy, động Dành Dành. Nhưng tôi đã thăm Hủng Trăn qua những trang bút ký tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Xuân Phầu viết cách đây gần 20 năm. Chính vì vậy, với tôi, về Hủng Trăn là xin được “về lại”. Con dốc ấy, với tôi, đã gần và xa như một giấc mơ...
(Baonghean) Đúng là tôi chưa tới Hủng Trăn bao giờ, dù đã có lần đi qua Đồng Thành, Quang Thành, Kim Thành của quê lúa Yên Thành? Dù đã bao lần hứa hẹn tới thăm thú cảnh sắc hồ Vệ Vừng, nghe cá quẫy những đêm trăng, xem rừng dẻ trổ hoa và những đàn cò trắng bay về động Nẩy, động Dành Dành. Nhưng tôi đã thăm Hủng Trăn qua những trang bút ký tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Xuân Phầu viết cách đây gần 20 năm. Chính vì vậy, với tôi, về Hủng Trăn là xin được “về lại”. Con dốc ấy, với tôi, đã gần và xa như một giấc mơ...
Và con dốc ấy đã hiện ra trước mắt tôi lặng buồn trong một ngày mưa giá. Ngôi nhà nép mình dưới chân ngọn đồi bạt ngàn dẻ, phía trước mặt là hồ Vệ Vừng phẳng lặng và xanh ngắt hóa ra là nhà của con trai ông cố Thọ- út Lương trong bài bút ký năm nào. Không thể nghĩ út Lương nhỏ bé, nóng nảy, có phần ngang tàng xưa lại là người đàn ông to khỏe và điềm tĩnh, đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu.
“Trời lạnh thế này mà các nhà báo vẫn phải đi xa...” Anh pha ấm trà nóng, xuýt xoa. Tôi đưa mắt dõi nhìn một bà lão lụi cụi nép dọn phía sân nhà, hỏi anh: “Có phải mẹ anh, bà Tỳ, vợ cố Thọ đó không?”. Anh gật đầu xác nhận. Tôi đi theo bà xuống bên bếp lửa, hỏi chuyện, thấy đôi mắt bà rưng nước: “Mỗi khi thấy nhà báo về hỏi chuyện, tôi lại nhớ ông ấy...”
Tính ra, cố Thọ đã đi xa được gần 4 năm rồi. Những năm 1960, từ Phú Thành, ông lên với Đồng Thành sinh cơ lập nghiệp và sau đó gắn bó với những cánh rừng đầy nắng gió ở Hủng Trăn này. 120 ha rừng mà ông nhận chăm sóc, bảo vệ xanh tốt hôm nay, đã có những khoảng rừng bắt đầu bằng những mầm dẻ còn sót lại trên những quả đồi trơ trọi. “Bây giờ có thằng Lương lại theo nghiệp bố nó. Thế mà đã có lúc, tôi nghĩ thằng này rồi hỏng. Nó làm cả nhà cơ khổ...” Bà Tỵ kể, giọng nghèn nghẹn.
Đúng vậy, út Lương đã từng làm cả nhà điêu đứng với dăm bảy lần “đi trại”. Có người đã từng gọi anh bằng cái tên “đại ca giang hồ”. Cái ngày chị Đặng Thị Thu quyết định gắn bó đời mình với anh, không ít người biết “tiếng” anh cản ngăn, lo ngại. Khi lấy anh rồi, bao lần chị cắn chặt môi đến bật máu, nén tiếng khóc ròng trong đêm vì tủi phận. Ấy vậy mà từ sâu thẳm lòng mình, chị vẫn tin vào thiện lương trong anh, chị vẫn chờ đợi cái ngày anh nhận ra và làm lại đời mình. Là người con gái thôn quê, quanh năm chỉ biết có ruộng đồng, chị “không suy nghĩ cao xa được như người ta”, chỉ biết một điều “đã yêu là tin và mong mỏi”. Kiên trì chờ đợi cái ngày “anh ấy trở lại” bằng tất cả sự nhẫn nại, bao dung. Bây giờ người ta lại gọi Lương là tỷ phú, triệu phú. “Là gọi vậy chứ bọn em chỉ có nếp nhà đơn sơ này. Những tỷ, những triệu là người ta tính ở cây trong rừng, cá dưới hồ, những thứ mà bao năm cả nhà em dốc lòng bảo vệ, chăm nom. Những thứ ấy, ai lại đem đếm được”.
Tôi dè dặt hỏi Lương về cái ngày anh “hoàn lương”. Đôi mắt sắc lẹm dưới hàng lông mày đen rậm thoáng chút trầm ngâm. Chưa vội trả lời, anh nhìn xa xăm đồi dẻ phía sau nhà, rồi chậm rãi: “Là cái ngày bố tôi nằm xuống”. Chính là cái ngày cố Thọ ra đi sau cơn tai biến. Lương đã ngồi lặng đi trước mất mát lớn nhất của đời mình. Lúc ấy, những ký ức về người cha đã trở về vẹn nguyên trong lòng đứa con lông bông, khó bảo nhất của cố Thọ. Lương nhớ cái tuổi 13 của mình, cái mốc đầu tiên anh theo cha lên những cánh rừng mênh mang, nâng từng cái cây non bị đổ, phát dọn thực bì để chống cháy. Không có tiền để thuê người, hai cha con cứ đi như thế, đem theo cơm nắm, mệt thì tựa vào những gốc cây mà nghỉ. Anh nhớ đôi bàn tay dẻo dai, đôi chân thoăn thoắt của cha. Nhớ đôi mắt khích lệ, ân cần ông nhìn mình. Nhớ cái phút ông ngoái đầu tìm anh khi đôi chân mỏi của anh tụt lại phía sau. Nhớ những lần rừng bị người ta tìm cách chặt phá, hai cha con lại chạy mải miết lên đồi và trào nước mắt khi chứng kiến những dòng nhựa tươi ứa ra trên thân cây bị đốn. Có những người bị ông Thọ bắt quả tang chặt cây trộm củi tới 7 lần, vậy mà ông vẫn tha. Uất ức quá, út Lương hỏi cha: “Sao cha lại không bắt phạt, không giải lên xã cho họ chừa đi?”, ông chỉ ngắn gọn: “Con ạ, mình phải xử sự sao cho có chiều sâu. Sống trong cuộc đời này, có những điều nhẹ nhàng mà nên”. Nỗi uất ức của Lương tích tụ sau những lần chống chọi với những kẻ tìm cách phá rừng. “Người ta (người bản địa) cậy thế anh em đông, ức hiếp mình. Họ khinh mình dân nơi khác, thân cô thế cô, nên họ ra sức tung hoành như thế. Mình phải tìm cách nào để không thể bị chà đạp” Lương đã đấm tay vào ngực mình mà nghĩ thế. Những sai lầm, quậy phá của Lương đã manh mún từ những nghĩ suy ấy. “Bây giờ thì tôi biết, trong thẳm sâu, cha tôi cũng rất hiểu cho tôi, nỗi lòng của đứa trẻ phải chứng kiến nhiều ngang trái, hiểu cho những phản ứng nông nổi mà tôi đã chọn. Ông buồn, nhưng ông hiểu” Lương tin thế. Cũng như anh đã tin, tình yêu rừng, yêu đất của cha đã khiến mọi cái cây ở nơi đây đều có linh hồn trong ông. Ông đã từng nói với anh rằng: “Cái cây, mình nuôi hắn mình phải yêu hắn, dốc tâm huyết vào từng nhành cây mới thấy cái cây nó có giá trị. Nếu không đặt tâm hồn vào nó, chắc chắn cái cây ấy sẽ hư”. Và anh quả quyết với chúng tôi: “Rừng còn tồn tại đến ngày hôm nay, chính là nhờ những lời nói đó của ông. Đã bao lần túng thiếu, tôi định nhắm mắt mà làm liều, nhưng những lời ông dặn đã giữ tôi lại”
Càng ngày, Lương càng nhận ra mỗi lời nói với con, mỗi xử sự của cha anh là biết bao gửi gắm, là đúc kết cuộc đời. Năm 1994, lần đầu tiên anh bị bắt giam 3 tháng tại Trại tạm giam công an huyện. Bình thường, cha anh chẳng lần nào xuống thăm con, nhưng khi hết thời hạn, ông lặn lội xuống trại giam, viết bảo lãnh, đưa con về. “Ông đội nón cời, đi xe đạp, bắt tôi ngồi sau dù tôi xin được chở ông. Ông nói: “Con cứ ngồi, cha có sức khỏe để chở con”. Có lẽ ông muốn tôi phải ngẫm nghĩ, thấm thía, ân hận. Về nhà, tôi đã thấy cha mổ lợn mừng sự trở về của tôi. Hôm đó, ông uống rượu và ngồi giảng cho tôi rất nhiều điều. Ông nói về nhân cách sống của con người, rồi nói chuyện giàu-nghèo. “Giàu là cái số, mà đói là cái phận. Nhưng muốn được đổi thay thì phải gắng mà làm. Có làm lụng mới có giàu, đừng có há miệng mà chờ sung. Muốn làm giàu cấp tốc cũng không được mô con. Phải làm từ từ, vừa làm vừa suy nghĩ mới có kết quả”. Thế mà, sau cuộc ấy, những lời cha nói tôi cũng để tuột trôi. Chỉ khi không còn ông nữa, tôi mới thực lòng tỉnh ngộ”
Anh đã gác lại một quá khứ lầm lỗi, để bắt đầu bằng con dao lên rừng, công việc mà anh quen làm từ năm 13 tuổi theo dấu chân cha mình. Lại phát quang bụi rậm và gai góc, ươm vào những mầm cây mới. Lại bấm chân giữa đất để thấy hình như đất thật ấm, thật vững. Lại tựa lưng vào những thân cây rời rợi vòm lá để nghe rì rầm mạch nhựa sinh sôi. Thấy lại niềm vui từ màu xanh rưng rưng đang nối nhau trải dài.
Anh Phan Trọng Lương kiểm tra rừng keo
Không chỉ có rừng, Phan Trọng Lương còn nhận thầu, quản lý và bảo vệ khu sinh thái đập Vệ Vừng, con đập trọng yếu của Yên Thành, với mặt hồ rộng hàng trăm ha và nhiều hòn đảo lớn, nhỏ trồng keo, trồng tràm, tạo việc làm cho gần chục công nhân. Hình như còn chút ngang tàng để anh “dám làm”, chút phiêu du giang hồ để anh mơ mộng với những dự án giữ lại vẻ đẹp một thắng cảnh quê hương. Từ con thuyền nhỏ, đến con thuyền máy tự chế, bây giờ anh mua ca nô để làm nhiệm vụ “tuần đảo, tuần hồ” mỗi ngày. Tất cả đã là máu thịt của anh, không chỉ là những cây dẻ đang độ thanh xuân, mà còn là 18,2 triệu mét khối nước hồ Vệ Vừng, là những đàn cò, đàn diệc, đàn le le... nháo nhác tìm về động Nảy, động Hòn Biền, động Bạch Đàn... mỗi chiều buông. Anh xót xa khi vùng sinh thái “của mình” bị xâm lấn bởi rác thải, xót xa khi thấy “những con chim bay hoảng về đây, có con bị thương, có con hãi hùng. Ở đâu đó, chúng đã bị săn bắn, bị giết hại”. Thế rồi năm 2011, khi anh vừa ra hồ về với nỗi xót xa khi chứng kiến sự hoảng sợ của đàn chim, mở ti vi anh lại bắt gặp một phóng sự quay cảnh người dân bảo vệ đàn cò ở Bắc Giang, anh vội vã xách xe đi một mạch tới huyện. Anh gõ cửa Phòng Tài nguyên, Phòng Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm để hỏi cách xin được bảo vệ đàn chim ở Vệ Vừng. Cuối cùng thì anh đã thỏa nguyện…
Hàng vạn con cò về trú đêm trên động Nẩy - hồ Vệ Vừng
Thế rồi chúng tôi cũng theo Phan Trọng Lương ra phía bến nước, nơi neo đậu những con thuyền của anh. Chiếc ca nô sơn trắng rẽ mặt hồ phẳng lặng đưa chúng tôi ra cùng với đảo, với những đàn chim trời đang mải miết tìm về những nhành cây ấm dưới màu trời xám xịt. Chúng rủ nhau vỗ cánh bay lên khi nghe tiếng ca nô xé sóng hồ, vừa bay vừa kêu thảng thốt. Lương cho ca nô đi chầm chậm, bớt đi tiếng nổ động cơ. Nhìn đàn chim nháo nhác chao liệng bay dậy cả cánh rừng keo, rừng tràm, chúng tôi đều sửng sốt như thấy điều kỳ vĩ. Nhiều chim quá, nhiều nhất là cò trắng. Lương nói, dễ có đến hàng vạn con cò. Ngoài ra còn có hàng ngàn con vạc, rồi le le, diệc mốc, cu ngói… Cứ độ từ 4h30 phút chiều là chúng bắt đầu từng đàn bay về trú ngụ trên đảo sau một ngày đi kiếm ăn khắp nơi. Mỗi sáng, chúng bay đi quãng 6 giờ. Anh thuộc từng giờ đi, giờ ngủ, cả những căn bệnh của chúng. Lương kể: Mùa đông này, cò thường bị khô chân. Rồi thịt xương cũng rút khô dần, tội lắm. Ngoài ra, chúng còn bị chết do bị dính bẫy hay bắn hạ. Có những con bay về nơi này, rồi gục, vạch thân ra thấy còn nguyên vết đạn”. Dõi mắt theo những đôi cánh chấp chới ngoài xa, anh trầm ngâm: “Tôi nhận thấy, hình như chim trên đảo có vẻ không thật thích nghi với cây tràm. Giá mà có thể trồng tre cho chúng tìm về đậu”…
Lương bỏ lửng lời mong mỏi, tắt máy ca nô để nó đứng im giữa mặt hồ đầy mưa. Xa kia, có một con thuyền nhỏ cuốn xong lưới tôm đang neo vào bờ đảo. Người công nhân làm việc tận thu thủy sản cho anh lên bờ và nhen lửa bằng những cành củi khô để nấu bữa cơm chiều. Đàn bò được gia đình anh Lương thả rông trong rừng cây thấy bóng chủ tới chậm rãi nhìn theo bằng đôi mắt hiền từ. Khung cảnh đẹp và bình yên đến độ, chúng tôi không thể nghĩ nơi đây có thể len lỏi những điều xấu, điều ác, không thể có những tỵ hiềm, gian trá…
Ca nô cập bến. Lương xách từ tấm lưới thả dưới chân bè nứa những chú cá gáy, cá mè, cá trắm hàng chục cân lên cùng. Anh nhất định bắt chúng tôi phải nhận một con cá to làm quà. Hủng Trăn khi này đã sẫm đen. Phía trên kia, chỉ còn nghe tiếng rừng dẻ xạc xào trong gió lạnh. Lương cũng nhìn lên phía ấy, nơi cha con anh đã đổ những giọt mồ hôi chát mặn bao năm qua. Không biết nhà văn Nguyễn Xuân Phầu đã nghe “gió từ phía Hủng Trăn” bằng đôi tai hay trái tim ông. Ông đã kết thúc bài ký của mình với hình ảnh út Lương với dáng đi khẩn khoản trong đêm tối. Còn bây giờ, thì người đàn ông gần 40 tuổi ấy đang đứng lặng vẫy bàn tay theo xe chúng tôi dần xuống dốc Hủng Trăn. Tôi đã nhìn theo anh, cho đến khi bóng anh tan cùng chóp núi đầy mây và mưa bụi…
Thùy Vinh