Về lại ngôi nhà của mình
(Baonghean) Làng Bái, một vùng thôn quê xưa nay thật bình yên. Vậy mà giờ đây có sự đảo điên. Quán xá, nhà hàng mọc lên như nấm. Ca ve mắt xanh mỏ đỏ, ăn mặc hở hang gọi khách thập phương về, làm đủ chuyện trên trời dưới đất. Thôi thì nói sao cho hết được!
Chỉ khổ cho những người làm cha mẹ trong làng luôn lo ngay ngáy chẳng biết con gái mình có giữ được tấm thân không? Có người sợ quá tối lại nhốt con gái trong nhà. Nhưng rồi nó cũng sổ lồng sổ cũi như chơi, ai mà nhốt nó cả đời được. Những ông chủ thì luôn luôn tính chuyện kinh doanh có hiệu quả. Và tận dụng tối đa mọi hình thức để có thu nhập cao là “thượng sách”.
Rồi cái gì đến nó đến, làng Bái thật ngỡ ngàng chứng kiến đêm ấy, Phạm Thị Quế bị các nhà chức trách bắt quả tang trò dâm đãng trong nhà hàng khá sang trọng. Quế đã một chồng, một con rồi mà như vậy! Chồng của Quế là Nghị, ghét và tức ách đến mức không nói một câu nào. Quế thấy khó chịu muốn xông lên cào cấu phá phách, ra sao thì ra…Thà nói toạc ra để người ta còn liệu. Đằng này cứ im như thóc ai mà chịu được. Và kể từ đó, mỗi người một góc giường. Quế cậy thế mình trẻ đẹp, dù đã một con nhưng vẫn duyên dáng, sắc sảo mặn mà như gái tơ. Quế nhìn xỉa xói vào mặt Nghị: “Ôi dà, chớ coi thường nhá. dám bỏ con này không? Bỏ con này có mà lấy cầy. Gái tân lắm đứa theo con này còn tướt phở. Ừ, được rồi, nếu vậy cho biết mặt. Con này đã nói là làm”. Quế quyết định chia tay.
Thằng Sơn buồn chuyện bố mẹ và gia đình, nó buộc phải bỏ học giữa chừng. Rồi đến tuổi, nó vào lính làm nghĩa vụ. Hết nghĩa vụ nó về. Nhưng năm nó về cũng không ít ngỡ ngàng. Nghị đem một người đàn bà rất trẻ goá chồng về ở với mình. Nghị nói với con: “Sơn này, bố phải lấy vợ. Đây là mẹ Châu. Nhờ có mẹ Châu mà cuộc đời bố lấy lại được cân bằng sau những mất mát đắng cay và căm giận”. Nghe thế, Sơn nhìn chằm chằm vào mặt mẹ Châu. Bỗng nó đứng phắt dậy: “Mẹ Châu đây à! Mẹ Châu cũng như mẹ Quế, đồ ca ve già. Cút ra khỏi nhà bố con tôi ngay!”. Bất giác, thấy bố trừng mắt đổ xuống mặt mình, nó im phắc. Nghe bố nói, nó tin…Rồi nó xin lỗi mẹ Châu.
Ngày bố Nghị qua đời, chưa tuần năm mươi ngày, tự dưng Sơn phát bệnh. Có người nói nó bị gái dân tộc bỏ bùa hồi còn ở lính, rồi thất tình đâm ra bệnh. Có người lại bảo do sốc chuyện gia đình… Nói là nói vậy, còn ai biết được sự thật ra sao? Chỉ biết giờ đây, nó là thằng mắc bệnh tâm thần nặng!
Chị Châu nhờ người chạy chọt. Và bản thân chị hôm lên Huyện đội trình bày chuyện của Sơn, được trả lời không có chính sách nào trong trường hợp này. Trước khi ra quân, Sơn là người bình thường. Sơn đã thuộc người của địa phương quản.
Là con nhưng Sơn đâu phải là con đẻ của chị. Chị chỉ hơn nó ba bốn tuổi. Ở trong một ngôi nhà như thế này, chị cảm thấy sợ. Lắm khi rùng mình trước một người tâm thần. Biết chuyện gì sẽ xảy ra ai mà đoán trước được? Nhiều đêm chị không dám ngủ, thơ thẩn ra sân, ra vườn ngửa mặt lên cao xanh thầm mong một điều an lành. Và những lúc này, lòng chị quay quắt nhớ đứa con dị dạng sinh ra từ người cha là lính nhiễm chất độc điôxin thời chiến tranh. Chị bỏ nó cho bà ngoại để đi bước nữa, hy vọng tìm chút con lành lặn. Vậy mà ông trời cũng không cho...
Những lúc nhìn Sơn ngủ, nó hiền lành như cục đất, mà nước mắt trào ra ướt đôi má. Chị lại thắp nhang lên bàn thờ. Giọng chị lại buồn thiu. Bức ảnh trên bàn thờ khói nhang lại phủ mờ. Chị tìm cách và nhờ vả… để đưa Sơn vào trại tâm thần. Nhưng chẳng hiểu sao nó nghe được. Nó nằm lăn ra giữa nhà khóc lu loa và van xin: “Mẹ Châu ơi, mẹ đừng bỏ con. Nhờ mẹ mà con mới sống được mấy năm qua. Mẹ là mẹ của con cơ mà. Không có mẹ, con sống làm sao được. Mẹ đừng bỏ con mẹ nhá”. Châu mủi lòng khóc nấc lên rồi chạy lại nâng nó dậy, ôm nó, xoa tay lên đầu nó, nói: “Ừ, được rồi mẹ không đem con đi đâu hết. Mẹ sẽ ở cùng con, con nín đi…”.
Bỗng một ngày, căn nhà trở nên ấm cúng và hạnh phúc tràn ngập sau bao năm chị vất vả khó nhọc thuốc thang, kể cả mời thầy đến tận nơi cứu chữa tận tình, Sơn đã khỏi bệnh, thành một anh chàng đẹp trai như hồi nào. Bà con làng Bái mừng vui khôn xiết, kéo nhau đến chia sẻ cùng mẹ con chị Châu.
Nhưng người làng Bái đang còn bao nỗi buồn. Kẻ lỡ bước lao vào chốn mê cung khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Quế đã thành thân tàn ma dại nơi nhà hàng quán xá để một ngày bước liêu xiêu về mái nhà vốn là tổ ấm bình yên. Chị Châu nâng đỡ dìu Quế vào nhà và nói: “Thôi, giờ chị ở lại đây. Đây là nhà của chị… Coi như nghĩa vụ của tôi trong ngôi nhà này đến đây là hết.
Thực ra chị mới là người hợp pháp. Còn tôi trước đây về ở với ông Nghị không đăng ký kết hôn để thành vợ chồng chính thức là không hợp pháp…”. Quế khóc, nhìn chị Châu như có lời cầu mong, nói: “Không…Tôi là đồ vứt đi rồi! Tôi mong nhờ chị sẽ mãi mãi là mẹ của Sơn và xây dựng vợ con cho nó. Còn tôi về đây cũng chỉ mong một điều duy nhất là được chết trong ngôi nhà của mình mà thôi!”.
Hồ Dương Điềm