Về Nghệ An vui hội, mừng Xuân

Công Kiên 21/12/2020 18:56

(Baonghean.vn) - Như nhiều vùng quê khác trên mọi miền đất nước, mỗi độ Tết đến, Xuân về Nghệ An lại nô nức bước vào mùa trẩy hội. Lễ hội mùa Xuân chính là nơi để khơi dậy mạch nguồn truyền thống, để dòng chảy văn hóa và những nét bản sắc mãi trường tồn, để sáng mãi hình ảnh đất và người quê hương.

Là vùng đất cổ có lịch sử Danh xưng hơn 990 năm, Nghệ An là điểm hội tụ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó, lễ hội cổ truyền là một minh chứng sinh động. Hằng năm, vào dịp mùa Xuân ở Nghệ An có trên 10 lễ hội quy mô cấp huyện và cấp tỉnh, chưa kể đến lễ hội của các làng, xã. Đây là dịp để du khách gần, xa khám phá đời sống văn hóa, tinh thần của một vùng quê đậm nghĩa tình.

“Địa chỉ thiêng” trên miền quê văn hiến

Không gian lễ hội mùa Xuân ở Nghệ An trải rộng từ miền biển, đồng bằng đến miền núi, vùng cao. Ở miền xuôi, xưa nay người đời vẫn truyền tụng về sự linh thiêng bậc nhất của 4 ngôi đền nổi tiếng (tứ linh) trong tâm thức người dân xứ Nghệ: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Hiện có 3 ngôi đền vẫn duy trì hoạt động lễ hội đầu Xuân, gồm đền Cờn ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai); đền Quả ở xã Bồi Sơn (Đô Lương) và đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt (Thanh Chương). Có thể xem 3 lễ hội này là điểm nhấn văn hóa, là đại diện cho bản sắc văn hóa của cư dân vùng đồng bằng và ven biển.

Đền Cờn có lịch sử khoảng 800 năm, từ thời nhà Trần, là nơi thờ Tứ Vị Thánh Nương, Lễ hội Đèn Cờn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được tổ chức vào dịp 19 – 20/1 Âm lịch. Lễ hội thực sự mang đậm bản sắc của cư dân vùng biển cửa Càn (Cờn). Trong đó, có thể kể đến như: Lễ khai quang, rước kiệu, yết cáo, cầu ngư, hợp tế tại đền Ngoài, yên vị tại đền Trong, lễ đại tế, lễ tạ, chạy ói….

Phần hội diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với trò chơi dân gian như cờ thẻ, kẹp bóng, kéo co, bơi thuyền trên cạn, đẩy gậy, đấu vật, nướng cá, nướng bánh… thực sự mang đến không khí vui vẻ, thoải mái cho nhân dân và du khách thập phương tìm về với lễ hội.

Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức vào hạ tuần tháng Giêng Âm lịch, cũng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, điểm hẹn của đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước. Lễ hội là dịp để người dân xứ Nghệ tưởng nhớ công ơn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, là con trai thứ 8 của Vua Lý Công Uẩn.

Lễ hội diễn ra với các nghi lễ truyền thống như rước bằng thuyền rồng trên sông Lam, lễ Đại tế, Tạ ơn và các trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn, thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương. Đây là một trong những lễ hội lớn, nhiều ý nghĩa ở Nghệ An, thể hiện đậm nét truyền thống của dân tộc, làm sống động tinh thần thượng võ và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Đền Bạch Mã cũng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, là nơi thờ Phan Đà, vị tướng trẻ có công lớn trong kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV, góp phần cùng nghĩa quân Lam Sơn lấy lại nền độc lập cho đất nước Đại Việt. Tương truyền, khi ra trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trụ trắng, cưỡi ngựa trắng nên nhân dân thường gọi ông bằng cái tên “Thần Bạch Mã”.

Cũng như Lễ hội Đền Cờn, Đền Quả Sơn và Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Bạch Mã đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, tổ chức vào ngày 8 – 10/2 Âm lịch với các nghi lễ trang trọng để tưởng nhớ công đức của vị tướng trẻ Phan Đà. Phần hội gồm các trò chơi dân gian như vật cù, ném còn, đập niêu và chương trình giao lưu văn nghệ, bình thơ hàng năm thu hút rất đông du khách khắp mọi miền.

Đầu Xuân, về với Nghệ An, du khách có thể về trẩy hội đền Cuông (Diễn Châu), đền Đức Hoàng (Yên Thành), đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên) và đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc)… Mỗi lễ hội là một nét đặc trưng về văn hóa, thể hiện nét đẹp tâm linh của cộng đồng và giá trị nhân văn ở vùng quê văn hiến.

Hấp dẫn từ miền núi cao

Nếu có nhu cầu tìm hiểu đời sống văn hóa cư dân vùng cao, du khách có thể ngược ngàn lên các huyện miền Tây vui lễ hội. Ngược Quốc lộ 7A, điểm đặt chân đầu tiên thường là ngã ba Cửa Rào (xã Xá Lượng, Tương Dương), nơi hợp lưu của 2 dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ. Nơi đây có một ngôi đền cổ hơn 700 năm tuổi, gọi là đền Vạn - Cửa Rào), là nơi thờ Đoàn Nhữ Hài, một Đốc tướng thời nhà Trần không may bị tử trận trên đường truy kích giặc Ai Lao đến xâm lăng bờ cõi.

Trải qua những bước thăng trầm, đến nay đền Vạn- Cửa Rào đã được huyện Tương Dương tu bổ, nâng cấp và hàng năm tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu Xuân, vào hạ tuần tháng Giêng Âm lịch.

Tiếp tục ngược lên chừng 40 km là địa phận xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), nơi có đỉnh Pu Nhạ Thầu cùng ngôi đền thiêng nhìn xuống dòng Nậm Mộ quanh năm rì rào tuôn chảy. Vào mỗi độ Xuân về, khi mùa màng đã xong, lúa ngô đã về nhà, đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn lại hân hoan bước vào mùa lễ hội để tưởng nhớ những vị thần linh đã che chở, phù hộ cho cuộc sống bản, làng luôn được thanh bình, no ấm.

Chia tay vùng đất Tây Nam, ngược Quốc lộ 48, chúng ta đến với vùng Tây Bắc xứ Nghệ, vùng đất ngày xưa có tên gọi Phủ Quỳ. Điểm dừng chân trước tiên là Làng Vạc thuộc xã Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa), khu di chỉ khảo cổ học nổi tiếng cả nước. Đã hàng chục năm nay, vào dịp đầu năm, người dân vùng Phủ Quỳ lại nô nức trẩy hội Làng Vạc. Đây là dịp để tưởng nhớ tới công đức tổ tiên, những con người đến vùng đất này khai sơn phá thạch từ hàng ngàn năm trước, cũng là dịp để bà con các dân tộc giao lưu và thể hiện bản sắc của mình.

Nằm cuối Quốc lộ 48 là huyện Quế Phong, nơi có đền Chín Gian với huyền tích về thời khai bản, lập mường của người Thái vùng đất Phủ Quỳ. Đầu năm, con dân của chín bản, mười mường cùng hành hương về mường Tôn để mở hội tế trời, tế tổ và cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây là nét tín ngưỡng độc đáo của người Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ. Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức vào giữa tháng 2 Âm lịch và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Từ Quế Phong, chúng ta lại xuôi về Quỳ Châu, nơi có hang Bua (tiếng Thái gọi là Thẳm Bua), một danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia, nơi vị vua Bảo Đại từng đặt chân tới để thưởng ngoạn. Danh thắng hang Bua thuộc mường Chiềng Ngam xưa với những câu chuyện mang đậm sắc màu huyền thoại. Lễ hội hang Bua gắn liền với câu chuyện truyền thuyết về mối tình trong sáng, thủy chung nhưng cũng đầy éo le, trắc trở của nàng Ni, con gái của một phìa bản và một chàng trai nghèo.

Về Nghệ An trẩy hội mùa Xuân, chúng ta như được đắm mình trong không khí linh thiêng, giữa không gian lung linh, huyền ảo. Trong ánh lửa trại bập bùng, các cụ già kể lại những câu chuyện thưở xưa. Nghe văng vẳng tiếng trống, chiêng giục giã và tiếng khèn, tiếng sáo dặt dìu gọi bạn...

Năm nay, các địa phương đang nỗ lực đem đến cho lễ hội những nét mới mẻ, vừa giữ được nét linh thiêng trong phần lễ, vừa thêm phần náo nức, hân hoan ở phần hội. Trong đó, đáng chú ý là việc mở rộng sân hội, tổ chức nhiều trò chơi dân gian để mọi người về trẩy hội có dịp được trải nghiệm, không khí lễ hội thêm vui tươi. Đồng thời, ở một số lễ hội sẽ có những gian hàng đặc sản địa phương để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của du khách gần xa.

Đặc sắc chương trình Mừng Đảng, mừng Xuân

Năm 2021 đã cận kề, khắp mọi miền trong tỉnh đang náo nức hướng về các hoạt động vui Tết, mừng Đảng, mừng Xuân. Các hoạt động này nhằm nâng cao sức sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển. Đồng thời, tạo không khí vui tươi, phấn khởi động viên, cổ vũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Theo kế hoạch, dịp Tết Dương lịch, UBND tỉnh sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt Chào năm mới 2021 tại Quảng trường Hồ Chí Minhvà chiếu phim tại Trung tâm Điện ảnh đa chức năng và tổ chức các điểm vui chơi tại Công viên Trung tâm và một số điểm ở thành phố Vinh. Các huyện, thành, thị cũng tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ "Chào năm mới 2021" và bố trí các điểm vui chơi cho các cháu thiếu nhi.

Dịp đón Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ thực sự sôi nổi, phấn khởi với Đêm hội “Sắc Xuân miền Tây” tổ chức tại huyện Tân Kỳ và Hội Báo Xuân Nghệ An năm 2021, các hoạt động chào mừng Ngày thơ Việt Nam. Đồng thời, triển lãm ảnh chuyên đề mừng Đảng, mừng Xuân tại các Bảo tàng; biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, giao lưu nghệ thuật, trò chơi dân gian tại Quảng trường Hồ Chí Minh và trung tâm các huyện, thị. Hội chợ hoa Xuân, cây cảnh ở thành phố Vinh và tổ chức các tour du lịch, hướng dẫn khách tham quan nhân dịp Tết Tân Sửu và mùa lễ hội đầu Xuân.

Đặc biệt, chương trình “Đêm hội giao thừa” tổ chức vào tối 11/2/2021 (tức 30/12/2020 Âm lịch) tại Quảng trường Hồ Chí Minh với các hoạt động sôi nổi, đặc sắc chắc chắn sẽ mang lại niềm phấn khởi, vui tươi cho bà con nhân dân và du khách thập phương trong dịp đón chào Xuân mới Tân Sửu 2021...

Mới nhất

x
Về Nghệ An vui hội, mừng Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO