Về quê trồng rau, nuôi gà

19/11/2014 14:46

(Baonghean) - Lớn lên ở miền quê trung du, đất đai sản xuất rộng lớn, anh Trần Quốc Dũng (Hoa Sơn - Anh Sơn) luôn nuôi quyết tâm học tập để sau này khai thác những tiềm năng sẵn có trên đất quê. ước mơ của người thanh niên giàu nghị lực ấy nay đã thành hiện thực khi anh đang là chủ một trang trại hoa màu, chăn nuôi tổng hợp, hiệu quả kinh tế cao...

Là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo đông con, bố mẹ làm nông, nên từ bé Dũng “thấm” nỗi vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ. Có lẽ cũng từ đó đã giúp anh quyết tâm lập nghiệp, mở hướng làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Bởi vậy, tốt nghiệp THPT, Dũng thi vào khoa Kinh tế của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, anh rời quê vào Gia Lai lập nghiệp với ý nghĩ giản đơn, đây là một trong những vùng đất có nền kinh tế nông nghiệp phát triển, vào đó có thể học hỏi được rất nhiều điều về chăn nuôi, trồng trọt. Anh nộp đơn thi tuyển vào Phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê và trúng tuyển.

Với anh, quãng thời gian hai năm làm việc tại đây là cơ hội lớn; đó là được tiếp cận với các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp địa phương, được trải nghiệm và được học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế từ lĩnh vực này. “Ở Gia Lai, những gia đình có điều kiện, họ đầu tư mua đất để làm nông nghiệp, xây dựng trang trại theo mô hình kép kín; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, nên đã mang lại nguồn thu nhập cao. Tôi nhận thấy, với điều kiện tự nhiên như đất đai, nguồn nước tưới ở quê mình cũng có nhiều điểm tương đồng. Tôi từ bỏ công việc của một công chức và về quê phát triển kinh tế trang trại sau khi đã tích lũy được những kinh nghiệm sản xuất nhất định và “lưng vốn” nho nhỏ cho bản thân” – anh chia sẻ.

Anh Trần Quốc Dũng (Hoa Sơn, anh Sơn) chăm sóc vườn mướp hàng hóa.
Anh Trần Quốc Dũng (Hoa Sơn, anh Sơn) chăm sóc vườn mướp hàng hóa.

Năm 2011, Dũng trở về, mang theo dự định mở trang trại tổng hợp trên đất đai sẵn có ở quê mình. Vùng quê anh, trước nay người dân vẫn quen trồng một số cây nông nghiệp chủ lực: lúa, ngô và cây mía, hiệu quả kinh tế mang lại không cao; riêng cây mía mấy năm trở lại đây năng suất giảm và không được giá. Thế nhưng, để thay đổi tập quán sản xuất của người dân quê không phải là chuyện dễ dàng. Anh đã kiên trì vận động gia đình chuyển đổi 2 ha đất nông nghiệp sang trồng các loại rau ngắn ngày như: dưa chuột, bí xanh, bí ngô, mướp... Những cây trồng này anh đều lựa chọn những giống mới, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như mướp hương Thái Lan, dưa chuột Thái Lan 937. Anh còn đi tham quan mô hình ở các xã lân cận như: Cẩm Sơn, Thọ Sơn… để học hỏi thêm kinh nghiệm áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Trên diện tích 1,2 ha, anh trồng cây ngắn ngày gối vụ, nhằm khai thác tiềm năng đất và nâng cao thu nhập. Cũng chính trồng theo hình thức gối vụ, nên những thời điểm trái vụ, việc chăm sóc, tưới tiêu và phòng bệnh cho cây trồng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, anh tìm tòi kiến thức kỹ thuật qua các kênh thông tin và áp dụng vào sản xuất thực tế. Hồi tháng 5/2013, dưa chuột trái vụ của anh bị sâu bệnh nhiều. Để giảm sâu bệnh cho cây thời điểm ra hoa, anh áp dụng phương pháp giăng bóng đèn sáng để thu hút côn trùng và dùng vợt bắt vào ban đêm vừa hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho quả sắp đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, anh còn tính toán thời điểm gieo trồng phù hợp tránh thời tiết xấu; đưa các loại máy vào sử dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất như: máy tưới nước, máy phun thuốc sâu, sử dụng hệ thống đèn điện chiếu sáng… Nhờ vậy, vườn rau của anh cho năng suất cao và có sản phẩm bán quanh năm. Doanh thu từ cây bí đao, mướp, dưa chuột trong năm qua của anh đạt hơn 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với thu nhập từ cây mía.

Thực hiện xây dựng mô hình trang trại khép kín, vừa trồng trọt, chăn nuôi, anh Dũng đã đầu tư nuôi 20 con lợn thịt và đào 6 sào mặt nước để nuôi cá. Sau hơn 1 năm, trang trại tổng hợp của anh đã có lãi; thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi đạt trên 150 triệu đồng. Anh Dũng chia sẻ: Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại, bên cạnh phát triển các loại cây trồng ngắn ngày, tôi sẽ đầu tư chăn nuôi, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Hướng đi của anh là sẽ đầu tư những vật nuôi có giá trị kinh tế lớn. Anh tìm hiểu qua bạn bè và lặn lội đi nhiều nơi để tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Sắp tới, anh sẽ phối hợp với một doanh nghiệp ở Quảng Ninh nuôi 4.000 con rắn và 2.000 con rùa để cung cấp sản phẩm cho họ. Hiện anh đang xây dựng chuồng trại để thả con giống trong tháng tới.

Trao đổi về hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại của anh Dũng, anh Nguyễn Đình Hà – Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn cho biết: “Thực tế hiện nay, thanh niên địa phương phát triển những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả không nhiều. Bởi vậy, chúng tôi rất khuyến khích những thanh niên trẻ có quyết tâm làm giàu trên đất quê hương như anh Trần Quốc Dũng, tạo điều kiện cho họ được giao lưu học hỏi, tham quan các mô hình để ứng dụng thực tiễn, vốn phát triển kinh tế…”.

Tốt nghiệp đại học, nhưng Trần Quốc Dũng lại chọn cho mình con đường phát triển kinh tế nông nghiệp, điều đó khiến nhiều người dân quê anh bất ngờ. Nhưng chàng trai trẻ giàu ý tưởng sáng tạo ấy luôn có quan điểm không để hoài phí kiến thức mình học được, mà phải vận dụng chúng để phục vụ cho công việc mỗi ngày một hiệu quả hơn điều đó đã được anh chứng minh một cách thuyết phục...

Bài, ảnh: Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Về quê trồng rau, nuôi gà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO