Vệ tinh GOCE đã bốc cháy khi rơi trở lại Trái Đất
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết vệ tinh GOCE chuyên nghiên cứu lực hút của Trái Đất đã bốc cháy khi rơi trở lại bầu khí quyển Trái Đất vào sáng ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam).
(Nguồn: gadgetfreak.gr) |
Những mảnh vỡ còn lại với trọng lượng khoảng 200kg của vệ tinh này đã rơi xuống biển sau khi bay trên quỹ đạo dọc bầu trời Siberia, Tây Thái Bình Dương, Đông Ấn Độ Dương và Nam Cực.
Ước tính 25% trọng lượng của vệ tinh GOCE nặng 1 tấn này đã rơi xuống vùng biển thuộc cực Nam của Nam Đại Tây Dương và không gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Trước đó, các nhà khoa học lo ngại về khả năng những mảnh vỡ của vệ tinh này "hạ cánh" xuống đất liền.
Theo ông Heiner Klinkrad, người đứng đầu bộ phận về rác vũ trụ của ESA, vệ tinh GOCE chỉ là một phần nhỏ trong số 100-150 tấn vật thể vũ trụ nhân tạo bay vào khí quyển Trái Đất hàng năm.
Trong lịch sử 56 năm chinh phục vũ trụ, có tới 15.000 tấn mảnh vỡ của vệ tinh, tên lửa... từ quỹ đạo rơi trở lại Trái Đất, song đến nay chưa có thương tích nghiêm trọng hay thiệt hại tài sản nào được ghi nhận.
Được biết, vệ tinh GOCE bắt đầu hết nhiên liệu từ cuối tháng trước và bắt đầu rơi từ quỹ đạo ở độ cao 224 km so với bề mặt Trái Đất.
Vệ tinh GOCE được phóng lên quĩ đạo ngày 17/3/2009 ở độ cao 260 km với nhiệm vụ lập bản đồ trường hấp dẫn của Trái Đất và xác định chính xác các thông số của các dòng hải lưu chủ yếu.
Cho đến nay, có khoảng 6.600 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, ước tính khoảng 3.600 vệ tinh vẫn còn lơ lửng trong không gian quanh Trái Đất, nhưng chỉ khoảng 1.000 vệ tinh còn hoạt động./.
Theo Vietnam+