Về tục "trộm vợ": Cái kết đẹp cho những mối duyên "trộm"
(Baonghean) - Những mối lương duyên được xây đắp bằng tục “trộm vợ” thường mang lại dư vị lâu dài. Họ chung sống hạnh phúc vì đã phải vượt khó khăn để đến với nhau một cách tự nguyện và họ đã được tự do trong hôn nhân…
Bản Khe Bu (xã Châu Khê - Con Cuông) là quần cư của 152 hộ dân, trong đó đại đa số là người Đan Lai. Báo chí đã nói nhiều về cộng đồng thiểu số này là một trong những cộng đồng bản địa ít người nhất ở Nghệ An. Trai gái nơi đây có thói quen lập gia đình sớm, và thường rất đông con. Người Đan Lai ở Châu Khê sống chan hòa với người Thái nên tục “trộm vợ” cũng là một hiện tượng trong cuộc sống hôn nhân của họ. Vì sống gần gũi với nhau nên trai gái giữa hai cộng đồng này quý mến rồi xây dựng gia đình là điều tất yếu. Dù vậy, trong quá khứ, quan niệm sống của người Thái vẫn phân biệt đối xử với người Đan Lai. Họ vẫn bị người Thái gọi bằng những cái tên khinh miệt. Mãi sau này, khi người Đan Lai tiếp xúc nhiều hơn với xã hội bên ngoài thì hình ảnh của họ cũng được cải thiện nhiều. Ngày nay phải nói rằng người Thái không còn coi thường người Đan Lai nữa.
Cũng vì phân biệt đối xử nên trước đây không ít người trong cộng đồng Thái cấm đoán con cái họ kết hôn với người Đan Lai. Để đến được với nhau, những đôi “uyên ương” đã trộm phép mẹ cha về lập gia đình. Trong số này có anh La Văn Sao (người Đan Lai) và chị Lô Thị Vân (người Thái) ở bản Khe Bu.
Anh Sách, chị Chiên bên bếp lửa ngày đông. |
Anh Sao nhớ lại, đó là vào năm 1990, khi ấy cha mẹ anh chuyển về ở bản Chai xã Chi Khê (Con Cuông). Gốc gác Đan Lai của gia đình thì làng bản ai cũng biết, dẫu không nói ra nhưng không ít kẻ khinh thường. Thế nhưng anh Sao có tiếng là người chăm làm, khỏe mạnh. Anh đem lòng cảm mến cô bạn hàng xóm hơn tuổi. Sự chân tình của anh đã được chị Vân đáp lại. Thế nhưng gia đình chị phản đối quyết liệt lắm. “Đã vậy thì ta trộm về với nhau đi.”, anh Sao bàn vậy và nhận được cái gật đầu của chị.
Đêm 29 Tết, rét căm căm, trong khi gia đình nhà gái đang say giấc, chờ ngày ba mươi dậy mổ lợn thì nhóm “trộm” của anh Sao cũng tiếp cận ngôi nhà. Theo kế hoạch đã định trước, một người đưa cơi trầu trên bàn thờ nhà gái, nhóm khác đón dâu đi. Rạng sáng, ông bố gọi con đi đun nước mổ lợn thì không thấy đâu cứ ngỡ đang ở nhà bạn. Sáng dậy dọn bàn thờ cúng mâm tất niên thấy cơi trầu, chai rượu mới biết con gái đã trốn theo chồng. Khi mâm cơm tất niên bày ra cũng là lúc nhà trai mang theo lễ đến tạ tội. Ngày Tết, người Thái có thói quen nhẫn nhịn để giữ hòa khí vì lo ra Tết sẽ cãi vã nhau cả năm nên gia đình nhà gái chỉ “phạt” nhà trai 20.000 đồng cho có lệ rồi bỏ qua. Anh Sao được chấp nhận là con rể trong nhà.
Cuộc sống sau hôn nhân của gia đình anh Sao, chị Vân gặp trăm bề khó khăn. Hai người liền được cho ra ở riêng. Trong căn lều nhỏ chỉ có chiếc nồi nhỏ, vài cái bát ăn cơm. Anh đi xin được chiếc kiềng gãy mất một chân phải kê bằng đá. Phải năm mất mùa nên có khi phải xin gạo từ họ hàng ăn qua bữa. Sau 2 năm đánh vật với cái nghèo, anh bàn chị về quê cha đất tổ là bản Khe Bu. Ngày ấy nói vào vùng biên viễn này là thâm sơn cùng cốc rồi. Thế nhưng đất này đã giúp anh nuôi chí thoát cái khổ. Và cũng từ nơi đây, những đứa con của anh đã chào đời và được học hành tử tế. Sau hơn 20 năm cần mẫn làm lụng, gia đình anh đã không còn đói khổ như trước nữa, các con của anh đều được bố cho đi học, trong đó có 2 cô con gái đang là sinh viên ĐH Vinh.
Anh Sao tâm sự: Suốt hơn 20 năm qua, anh vẫn đi tết ông bà ngoại đều đặn chẳng thiếu năm nào. Ngày trước chưa có xe máy thì anh tắt rừng lội núi sang. Đi nhanh lắm cũng phải mất 5 giờ đồng hồ mới về đến nhà ngoại. Giờ thì đã có xe máy. Đó là nghĩa vụ và cũng là tình cảm của người con rể dành cho gia đình nhà vợ như là một sự báo đáp ân tình của cha mẹ đã sinh thành và anh lấy được được một người vợ hiền thảo.
Sau gần 25 năm chung sống anh Sao, chị Vân vẫn chưa tổ chức đám cưới. Người viết bài này hỏi dò: “Thế chị có buồn về điều này không?”. Chị Vân chỉ cười hiền: “Sống được với nhau đến ngần này rồi vẫn thuận hòa thì cần gì đám cưới nữa. Với lại, vẫn đang phải lo cho 3 đứa con đều đang đi học.” Đối với đôi vợ chồng đã cùng nhau đồng cam cộng khổ vượt qua nhưng kì thị của cộng đồng cũng như quãng đời hơn 20 năm gian khó thì đám cưới dường như chẳng còn mấy quan trọng. Điều tốt đẹp nhất đối với họ là gia đình luôn hòa thuận, quan tâm lẫn nhau và cùng lao động sản xuất. Mùa đông về, cứ mỗi buổi chiều anh Sao lại nấu nồi nước lá chua cho chị tắm. Theo kinh nghiệm dân gian thì tắm bằng nước lá sẽ đỡ khô da. Chị thường đón nhận sự quan tâm của chồng bằng một cử chỉ thân thiết.
Ở bản Khe Bu, không chỉ có anh Sao, chị Vân lập gia đình theo tục “trộm” vợ. Nguyên nhân của những cặp vợ chồng này đến với nhau ít nhiều đều do sự phân biệt đối xử giữa người Thái và Đan Lai trước đây. Cách đây gần 20 năm, anh La Văn Mun, chị Vi Thị Thủy cũng đã đến với nhau bằng hình thức này. Anh Mun yêu chị Thủy là người Thái ở bản Diềm (xã Châu Khê), bị gia đình nhà vợ cấm đoán. Hai người “trộm” về với nhau được được gần 10 năm, khi kinh tế gia đình đã dần ổn định, anh chị mới về nhà ngoại xin được tổ chức đám cưới. Bây giờ anh chị đã có cháu ngoại. Mỗi lần nhớ lại chuyện này vẫn bảo nhau, may mà có một phong tục như vậy mới nên duyên vợ chồng.
Câu chuyện của anh Lang Văn Sách, chị Lang Thị Chiên ở bản Kẻ Sùng (xã Mậu Đức – Con Cuông) lại có phần khác biệt. Là người chăm làm, lại khá giỏi giang trong việc ruộng nương nên anh Sách chiếm được cảm tình của chị Chiên ở bản bên. Khi bàn chuyện cưới hỏi, gia đình chị đã “hiến kế” cho nhà trai “trộm” con gái mình về làm dâu. Ngày ấy, điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, không thể tổ chức đám cưới cho con gái. Nhà trai sau đó vẫn tổ chức một đám cưới linh đình, nhưng bên nhà gái chỉ làm bữa cơm để họ hàng, làng bản chia vui. Cưới nhau được 7 năm, nhờ chí thú làm ăn, anh Sách cũng đã sắm được 2 chiếc máy cày, dựng được một căn nhà gỗ cho riêng mình.
Anh Sách nhớ lại: Ngày ấy đường sá khó khăn nên anh phải đón vợ về bằng xe máy. Đó cũng là một kỷ niệm vui về những ngày khó khăn nhất trong cuộc sống gia đình của anh chị.
Ngoài những câu chuyện buồn mà người viết đã có dịp kể cùng bạn đọc trong chuyên đề này, thì về căn bản, tục “trộm vợ” là một nét đẹp. Phong tục này đã giúp cho nhiều người nên duyên, nhiều người đã vượt qua những cấm kỵ và cả sự phân biệt đối xử với các cộng đồng với nhau để đạt đến tình yêu và tự do hôn nhân.
Hữu Vi