Vẹn đời ca nương
(Baonghean) - Ở tuổi 96, bà vẫn có tiếng cười thanh thoát, bà đùa rằng, bà chả dám soi gương, sợ nhìn thấy cái già của mình, lúc nào cũng thèm đi hát, thèm không khí hội hè. Bao ký ức thanh tân đắm đuối chiếu ca trù làm lệch ánh mắt trai đinh chốn sân đình và nỗi buồn mai sau phai nhạt điệu dân ca vốn cổ, đều được bà trút vào tiếng hát…
Nghệ nhân dân gian Trần Thị Như. |
Nếp nhà xây chưa đến vài chục mét vuông nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, nằm giữa thôn Đồng Hoa, xã Đồng Thành (Yên Thành) hóa rộng đối với nghệ nhân Trần Thị Như những khi không có con cháu hay người làng đến chơi. Líu ríu đón khách lạ, bà háo hức hỏi: “Có phải gọi tui đi hát không?”. Cô con gái bảo: “Tội thế đấy! Bà thèm được hát, dừ anh rủ đi hát bất cứ đâu, là bà đi liền!”.
Bà Như là gương mặt “nghệ nhân hát” khá quen thuộc trong các kỳ liên hoan Dân ca xứ Nghệ với chất giọng vang, nẩy nhịp cổ hiếm có. Vốn quê ở làng Vân Nam, thuộc tổng Vân Tụ (xã Khánh Thành nay), từ năm 1965 bà cùng gia đình di dân lên Đồng Thành làm ăn. Quê cũ quê mới, ở đâu cũng tình tự một lời quê trong đam mê ca hát.
Trí nhớ của người già tuổi 96 nay đã không cho phép bà rành rọt về cái ngày đầu theo cha là cụ kép đờn Trần Bật đi hát kiếm cơm khắp huyện Đông Thành, thuộc phủ Diễn Châu. Những đắm đuối đờn ca phong lưu tài tử của người cha đã truyền hết cả sang người con gái rượu, để thường ngày thì theo mẹ lo việc đồng áng, khi có hội hè thì theo cha làm phận ca nương... Bà không biết chữ, nhưng mê nghe cha và bạn phường hát, riết rồi thuộc hết các làn điệu ví, giặm, ca trù.
Vào quãng năm 1932, bà 15 tuổi, lần đầu tiên được cùng cha theo đám hát lớn phục vụ hội thi cờ người của làng Vân Nam mừng khánh thành đình Đông. Cha đờn, con hát, cô bé Trần Thị Như cảm được cái phận ca nương vận vào đời mình, say sưa như lên đồng ém hơi nhả chữ suốt bảy ngày bảy đêm, thả câu “mưỡu” rằng “Chơi... chơi... cũng gọi rằng chơi vậy/ Biết mà chơi... chơi... dễ (có) mấy người...” làm xiêu đổ quan viên và đám trai đinh để từ đó nức tiếng ca nương một xứ. Những năm tháng sau đó, cha con bà góp mặt hầu hết các đám hội hè, lễ lạt mừng thọ khắp Phủ Diễn, có khi vào tận Kim Liên – Nam Đàn, hay lên miệt Tân Kỳ. Bà kể, vui nhất là dịp bà và phường hát tổng Vân Tụ được mời gọi vào làng Nho Lâm (nay là xã Diễn Thọ, Diễn Châu) hát hầu đám vui nhà cụ Thượng (ở đây, rất có thể là Hoàng giáp Đặng Văn Thụy lúc ấy cũng đã bị triều Nguyễn cho hồi hưu sớm ở quê nhà làng Nho Lâm với hàm Thượng thư, được người dân gọi là cụ Thượng).
Bà Như hồi tưởng ngày đó bà và đám phường hát tổng Vân Tụ đã được đích thân cụ Thượng đặt lời cho hát, nay bà còn nhớ rõ vài bài. “Hát ở Nho Lâm mười ngày được hàng thúng tiền. Cụ Thượng dung mạo nghiêm nghị mà gần gũi, rất mê nghe hát, hầu như suốt ngày ngồi với đám phường hát, vừa đặt lời, vừa nghe vừa sửa. Lời ca cụ Thượng đặt thuộc lối hát chơi, dễ thuộc và dễ hát” – bà Như nói rồi bỗng gọi giục cô con gái: “Mau đưa cho mẹ cặp phách, mẹ hát cho nhà báo nghe bài hát cụ Thượng đặt lời”. Không cần kép, chẳng cần đờn, kỳ diệu thay ngón phách vẫn chắc và giòn vang lên nền nã, trước mắt tôi như không còn là một bà cụ già 96 tuổi, mà là một đào nương thần thái tươi tắn thanh cao, vẹn nguyên giọng ca mê đắm:
“...Đại hội thái hòa vừa gặp tiết xuân dương
Rộn muôn tế tiếng phong lưu nổi giữa cõi y phùng
Này hương khôi hội giáp, này văn chức võ công
Kẻ thọ khảo, người hào hùng thêm mãi mãi
Tôn tổ triệu bồi công đức đại
Ấm quang đang đồng dân thương mục hạ hòa
Lắng tai nghe tiếng hát tiếng ca...”.
Bà là thế, cứ có người chịu nghe là hát. Từ tuổi thanh tân rồi lấy chồng, nuôi 6 người con khôn lớn, thành đạt; dường như bà thanh thản đi qua những dâu bể một đời người nhờ nương vào những câu hát dân ca cổ. Chồng bà người cùng tổng Vân Tụ, có tiếng khôi ngô tuấn tú, vì mê tiếng hát của cô thôn nữ đẹp người, hát hay mà nhờ người dạm hỏi. Kết tóc xe duyên với ông rồi, bà vẫn đảm đương tháo vát việc nhà mà không bỏ nghiệp ca nương, cứ có đám gọi hát là bà đi. Và bà hát hay đến nỗi, mẹ chồng phải gạ: “Mi bồng con hát tau nghe, tau thái rau lợn cho!” – bà kể thế, rồi sảng khoái cười.
Cụ Như đang truyền lại cho thế hệ sau các làn điệu dân ca cổ |
Cho đến nay, bà vẫn là thành viên danh dự, nguồn động viên to lớn cho đam mê ca hát của các thành viên CLB Dân ca xã Đồng Thành, nơi những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương với ruộng đồng, cây cỏ, chỉ cần gặp nhau bên bát nước chè xanh, dưới bóng cây trước sân nhà là họ có thể say sưa cất lên tiếng hát thắm tình quê hương. Trong số các thành viên thuộc CLB Dân ca xã Đồng Thành, thì gia đình bà Như đã có 5 người, trong đó có ông Nguyễn Cảnh Sơn là con rể của bà. Say dân ca không kém gì nhạc mẫu, ông Sơn từng đoạt Huy chương Bạc tại cuộc thi Liên hoan tiếng hát miền Trung Tây Nguyên (Huế, năm 1998), Huy chương Vàng cuộc thi Tiếng hát nông dân (Quảng Ngãi, năm 2000), giải A toàn tỉnh tại Liên hoan Dân ca xứ Nghệ (năm 2011)...
Con cháu bà đông đúc, đều tự hào có một người mẹ, người bà, người cố như thế. Những lúc rỗi rãi, các con trai, con gái, dâu rể của bà tóc đã hoa râm lại đến quây quần bên bà, nghe bà hát, nhắc bà nhớ tới bữa ăn, giấc ngủ. Nghệ nhân Trần Thị Như và CLB Dân ca xã Đồng Thành nay cũng đã là niềm tự hào của huyện quê lúa. Mỗi khi có sự kiện, xã và huyện mời bà Như đi hát, bà lại mặc quần áo đẹp, trang điểm và têm trầu ăn cho “kịp đỏ môi”. Người ta chưa kịp đến đón, bà đã sốt sắng giục con cháu chở đi, rồi hồi hộp chờ được mời lên hát y như ngày nào bà còn là một ca nương quyến rũ với sênh phách làm xiêu đình đổ quán hàng tổng. Không những hát ca trù, ví, giặm, nghệ nhân Trần Thị Như còn làu làu điệu ru Kiều và khúc “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng. Nữ nghệ nhân già lão ấy, còn làm chúng tôi bất ngờ khi bà tiễn chúng tôi bằng làn điệu ca trù “Chúc hỗ” cao sang: “Chúc người thánh thọ vô cương/Vạn thọ vô cương”...
Đam mê dân ca vốn cổ và có giọng hát thiên bẩm, nghệ nhân dân gian Trần Thị Như đã có những cống hiến không nhỏ góp phần gìn giữ di sản dân ca, bản sắc văn hóa xứ Nghệ cho thế hệ mai sau nơi quê lúa Yên Thành. Tấm bằng công nhận nghệ nhân dân gian được trao đầu năm 2013 này, với hành trình ngót thế kỷ “người hát dân ca cổ”, âu cũng là dấu ấn cho bà trọn niềm khát khao, vẹn một đời ca nương đắm đuối.
Bài, ảnh:Đình Sâm