Ví, giặm xứ Nghệ trong dòng chảy văn hóa dân gian

20/09/2015 08:02

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL

CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh) hát ví phường cấy. Ảnh: Trường Sinh
CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh) hát ví phường cấy. Ảnh: Trường Sinh

Phóng viên: Dân ca ví, giặm thể hiện chân thực, tinh tế mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần… của người dân xứ Nghệ và đã trở thành di sản vô giá trong dòng chảy văn hoá dân gian Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông Phạm Tiến Dũng: Cũng giống như hò Huế, đờn ca tài tử, hát xoan, hát quan họ… Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là hồn cốt của người dân xứ Nghệ. Từ xa xưa, Dân ca ví, giặm đã sống và gắn liền với cuộc sống lao động của người dân miền Trung gió Lào cát trắng. Chưa ở đâu, chưa ở vùng quê nào có những lời hát, lời dạy bảo ý nghĩa, sâu sắc mà chân thực, đau đáu đến thế. Và cũng chưa có một làn điệu nào được các thế hệ nhạc sỹ trong cả nước lấy làm chất liệu chính để sáng tác ra những ca khúc để đời, có những ca khúc sống mãi với thời gian, được thế hệ trẻ yêu thích như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”…

Hiện nay, hát ví, giặm đã có những thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới, tiếp tục tồn tại và khẳng định sức sống trong đời sống đương đại. Thông qua nhiều hình thức, từ hát trong sinh hoạt đến tái hiện trên sân khấu, sàn diễn, nó được bảo lưu, gìn giữ và phát huy bởi cả cộng đồng người xứ Nghệ và ngay cả những người không sinh ra trên quê hương xứ Nghệ.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hơn 100 câu lạc bộ dân ca đang hoạt động; Liên hoan Dân ca ví, giặm được thường xuyên tổ chức từ cơ sở, cấp vùng, cấp tỉnh, liên tỉnh. Ví, giặm được thể hiện phổ biến trong các cuộc vui, các hoạt động giao lưu, được tổ chức truyền dạy trong cộng đồng và trong trường học; được quảng bá, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tất cả cho thấy tình yêu, niềm tự hào, và sự nỗ lực của tỉnh ta trong việc khôi phục và làm sống lại loại hình nghệ thuật có không gian diễn xướng mọi lúc, mọi nơi này. Bảo tồn phát huy giá trị của ví, giặm xứ Nghệ là góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam đậm đà bản sắc, làm cho ví, giặm mãi là món ăn tinh thần không chỉ dành cho người xứ Nghệ, người Việt mà dành cho cả nhân loại. Chính vì thế mà Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn, phát huy.

Phóng viên: Thưa ông, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vậy để bảo tồn, phát huy di sản quý giá này, chúng ta đã có những hoạt động cụ thể nào sau lễ vinh danh?

Ông Phạm Tiến Dũng: Ngay sau lễ vinh danh, rất nhiều các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ta đã diễn ra hết sức rầm rộ: đó là sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh trong tuyên truyền, quảng bá di sản. Đặc biệt ngày 25/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015 về hỗ trợ các CLB dân ca trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Dân ca ví, giặm tại địa phương. Một điều đáng mừng nữa là hiện nay huyện Nam Đàn phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ đã và đang tiến hành đưa dân ca vào phục vụ khách du lịch tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật mỗi tuần… Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này mới chỉ là bề nổi của quá trình bảo tồn. Bởi muốn bảo tồn, phát huy thì chúng ta phải đưa dân ca về với người dân lao động, dân ca phải sống, phải gắn bó với đời sống tinh thần của người dân lao động. Đó mới là cách bảo tồn, phát huy hiệu quả nhất.

Phóng viên: Như ông đã nói, muốn bảo tồn Dân ca ví, giặm một cách bền vững nhất thì chúng ta phải trả dân ca về với người dân lao động. Và việc các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả chính là hướng đi đúng đắn nhất hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, ở các CLB việc bảo tồn, truyền dạy các làn điệu dân ca lời cổ có phần bị “lép vế” trước những làn điệu dân ca lời mới. Điều này có ảnh hưởng gì tới công cuộc bảo tồn Dân ca ví, giặm, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Dân ca ví, giặm cũng phải phát triển theo hướng đi lên của xã hội. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không giữ gìn cội nguồn gốc rễ mà để chúng ta hiểu rằng: Bảo tồn và phát triển phải đi song song với nhau. Trước đây, ông cha ta hát dân ca trong những buổi lên rừng, đi cấy, kéo sợi, dệt vải hay tát nước đầu đình… thế nhưng hiện nay những khung cảnh đó không còn nữa, mà thay vào đó là những mái ngói cao tầng, là những con đường bê tông hóa, là những cánh đồng đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Vậy làm thế nào để bảo tồn Dân ca ví, giặm theo đúng không gian của ngày xưa? Hay bảo tồn Dân ca ví, giặm theo kiểu viết lời mới trên làn điệu cổ cho phù hợp với không gian của ngày hôm nay? Đó là những trăn trở của những người làm trong ngành như chúng tôi.

Thật ra, để phù hợp với tình hình mới, hiện các CLB trên địa bàn tỉnh đang đi theo xu hướng bảo tồn làn điệu cổ trên nền tảng viết lời mới. Tức là họ vẫn giữ những làn điệu cổ của ví, của giặm nhưng thay bằng lời mới có nội dung gắn với đời sống hôm nay như ca ngợi nông thôn mới, quê hương đổi thay hay ca ngợi Đảng, Bác Hồ… Còn các làn điệu lời cổ hiện nay không hề “lép vế” trước làn điệu mới. Tôi có thể khẳng định như vậy, hầu hết các làn điệu cổ đã trở thành những câu hát nằm lòng, thành bảo bối đối với những nghệ nhân dân gian ở các CLB. Bởi muốn sáng tác một bài hát mới dựa trên làn điệu cổ, những nghệ nhân đó phải thuộc hết các làn điệu cổ mới có thể sáng tác thành công được. Đó là điều mà tôi dám khẳng định bởi tôi cũng từng hát dân ca, từng sáng tác những ca khúc có âm hưởng dân ca.

Phóng viên: Vậy thời gian tới, chúng sẽ có những định hướng cụ thể gì đối với di sản quý giá này, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Trách nhiệm này không riêng ngành Văn hóa mà phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Sau lễ vinh danh, mỗi người dân xứ Nghệ phải tự nhận thấy được trách nhiệm của mình trong đó. Làm thế nào để người dân xứ Nghệ nào cũng phải biết hát dân ca, thuộc một bài dân ca và yêu dân ca. Bởi suy cho cùng, bản thân mình không yêu dân ca thì làm sao những người dân ở mọi miền quê khác yêu dân ca được. Muốn làm được như thế thì chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Tuyên truyền bằng cách đưa dân ca vào các hội thi, hội diễn hàng năm trong trường học, công sở… Riêng ngành Giáo dục, ngoài đưa dân ca vào học ngoại khóa thì phải tổ chức thi hát dân ca hàng năm, mở rộng quy mô từ cấp trường, cấp huyện lên cấp tỉnh, tăng thời lượng học hát dân ca cho các em, làm cho tâm hồn các em thấm đẫm dân ca.

Để dạy hát dân ca cho người dân, hiện ngành Văn hóa đang xây dựng chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình Nghệ An. Thật ra trước đây chúng ta đã từng triển khai và rất có hiệu quả, nhưng để phù hợp với tình hình mới và tăng thời lượng phát sóng, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Đài PT-TH mở lại chương trình này với thời lượng nhiều hơn và nội dung bài bản hơn, phù hợp hơn cho nhiều lứa tuổi. Bên cạnh đó, một hướng đi cũng đang được chú trọng đó là tạo dựng không gian diễn xướng và gắn Dân ca ví, giặm với các hoạt động phát triển du lịch, trước mắt tập trung ở Khu di tích Kim Liên. Tổ chức các cuộc vận động sáng tác lời mới, in và phát hành các ấn phẩm, xây dựng các chính sách khuyến khích các nghệ nhân và cộng đồng đóng góp tích cực cho công tác quản lý bảo tồn, phát huy di sản quý giá này… Để ví, giặm trở thành hành trang tinh thần cho các thế hệ người dân xứ Nghệ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung, cùng góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện và tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Thủy

(Thực hiện)

Mới nhất
x
Ví, giặm xứ Nghệ trong dòng chảy văn hóa dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO