Vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản: Khó kiểm soát

24/03/2015 14:36

(Baonghean) - Hiện nay, tình trạng các chủ phương tiện sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hủy diệt trong khai thác thủy sản vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và có biện pháp xử lý mạnh mẽ.

Lực lượng thanh tra của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản  kiểm tra tàu thuyền của ngư dân.
Lực lượng thanh tra của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản kiểm tra tàu thuyền của ngư dân.

Đã 4 tháng trôi qua nhưng vụ việc tàu của anh Cao Xuân Lương, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) và tàu của anh Hồ Hữu Nghĩa, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) dùng mìn tấn công nhau vẫn xôn xao dư luận bởi đây là sự việc “chưa có tiền lệ”... Thông tin ban đầu cho biết, do tranh chấp ngư trường khai thác nên 2 tàu cá này đã xảy ra xung đột, dùng mìn ném vào tàu đối phương. Hậu quả làm cho tàu của anh Lương bị chìm, may mắn các thuyền viên được cứu vớt kịp thời.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền xã, đồn biên phòng đã chuyển vụ việc cho cơ quan công an điều tra làm rõ. Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ngư dân sử dụng chất nổ trái phép khi tham gia đánh bắt thủy sản trên biển nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Hiện, ở một số địa phương như xóm Sơn Hải, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), xã Nghi Quang (Nghi Lộc), phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò)... tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện vào khai thác thủy sản vẫn đang diễn ra phổ biến.

Ngày 2/1/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Thực hiện chỉ thị trên, ngày 20/7/1998, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 25/1998/CT-UB.NN về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mới đây nhất, vào ngày 1/10/2014, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 25.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện chất độc trong khai thác thủy sản. Song, tình trạng này tiếp diễn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; tác động xấu đến các hệ sinh thái đặc thù.

Ông Lê Văn Lan, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết: Hiện nay đang vào mùa nước nổi nhưng việc ngư dân sử dụng xung điện vẫn rất lớn. Trong đó, nhiều nhất vẫn là những ngư dân đến từ xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Để chứng minh, ông Lan cung cấp bảng cập nhật 13 vụ việc được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển kiểm tra, xử lý từ đầu năm 2015 đến nay. Theo đó, các đồn biên phòng đã tịch thu 13 bộ giã kích điện và phạt các đối tượng này với số tiền hơn 70 triệu đồng.

Điển hình, ngày 9/3/2015, Chi cục đã kiểm tra và đã bắt giữ 3 phương tiện vi phạm khi sử dụng xung điện để khai thác thủy sản. Các chủ phương tiện vi phạm gồm: Mai Văn Quý (SN 1968); Mai Đình Tự (SN 1972) và Mai Văn Mười (SN 1973) cùng trú tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã ra quyết định xử phạt tổng cộng 22,5 triệu đồng và tịch thu 3 bộ giã điện. Gần đây nhất là vào ngày 14/3, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã kiểm tra và phát hiện 2 tàu của Bùi Văn Thoan và Đồng Phúc Duy, cùng trú tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) sử dụng công cụ kích điện trên tàu để khai thác thủy sản. Các đối tượng này đã bị tịch thu tang vật và xử phạt 10 triệu đồng.

Tang vật thu được sau khi kiểm tra.
Tang vật thu được sau khi kiểm tra.

Việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản chủ yếu diễn ra ở vùng lộng. Vì cái lợi trước mắt, nhiều ngư dân bằng mọi thủ đoạn tinh vi vẫn đưa chất nổ ra biển, như giấu chất nổ trong ngư cụ, khi bị lực lượng biên phòng phát hiện thì dùng phao định vị phi tang xuống biển, sau khi lực lượng chức năng đi lại vớt lên thuyền. Thậm chí, có những vụ phát hiện được chủ phương tiện vừa nổ mìn xong nhưng vì không có bằng chứng nên cơ quan chức năng cũng khó xử phạt.

Theo anh Trần Châu Thành, Phó phòng Thanh tra thì nguyên nhân là các tàu kiểm tra của Chi cục chỉ kiểm tra, kiểm soát được khu vực vùng lộng, nhưng do lực lượng mỏng, kinh phí hạn chế cộng với vùng biển rộng nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho ngư dân về quy định pháp luật cũng như những nguy hại khi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản chưa hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức quán triệt cho nội bộ và nhân dân thông suốt các quy định, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, các ngành chức năng và các địa phương, nhất là cấp xã, phải quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản, nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để đánh bắt thủy sản, phát động quần chúng tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát hiện và ngăn chặn mọi hình thức sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các hình thức gây hủy diệt môi trường sống của các loài thủy sản để có biện pháp xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, cần trang bị các thiết bị, máy móc để cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý. Nhà nước cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, nâng mức hỗ trợ đóng các loại tàu thuyền to, hiện đại, giúp ngư dân có điều kiện đánh bắt xa bờ, nhằm khắc phục tình trạng khai thác kiểu hủy diệt bằng chất nổ, xung điện hay những nghề hủy diệt.

Nguyên Hưng

Mới nhất
x
Vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản: Khó kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO