Vì sao bạn cần xé nhỏ hóa đơn trước khi vứt?
Những thứ bạn 'tiện tay' vứt đi như hóa đơn mua sắm, hóa đơn điện nước... có thể bị kẻ gian lấy để ăn cắp thông tin cá nhân.
Trong cuốn The Truth About Identity Theft, tác giả Jim Stickley cho biết thùng rác của bạn chính là "kho báu" cho những tên trộm danh tính. Chúng có thể tìm thấy ở đây hóa đơn mua sắm, hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại, truyền hình cáp, Internet...
Từ đây, kẻ gian có thể mạo danh nhân viên cung cấp dịch vụ để yêu cầu bạn thanh toán khoản phí nào đó, nếu không sẽ bị cắt dịch vụ. Chúng cũng có thể lừa bạn bổ sung nhiều thông tin cá nhân hơn để phục vụ mục đích phạm tội khác, một trong số đó là đánh cắp thẻ tín dụng hoặc mở thẻ mới lấy tiền tiêu xài.
Hóa đơn trên các gói hàng chuyển phát cần phải xé nhỏ trước khi vứt vì chứa thông tin cá nhân của bạn. Ảnh: Hạ Miên |
Khi đến trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, bạn thường tiện tay vứt hóa đơn vào thùng rác ngay trên đường ra. Kẻ gian có thể nhắm vào thùng rác ở những nơi này để tìm kiếm hóa đơn. Dẫu một tờ biên lai không thể hiện tất cả thông tin về bạn nhưng vẫn có thể tiết lộ một vài chi tiết quan trọng.
Ví dụ, kẻ gian lấy được bốn số cuối của thẻ tín dụng và cố gắng tìm ra các số còn lại. Chúng thậm chí sử dụng chương trình máy tính để thử các con số khác nhau cho đến khi nhận được kết quả phù hợp. Vì thế, bạn nên mang hóa đơn về nhà và cắt nhỏ trước khi vứt.
Cách lục thùng rác "truyền thống" vẫn phổ biến trong các vụ đánh cắp thông tin cá nhân, bên cạnh tội phạm sử dụng công nghệ thông tin. Bởi những tài liệu quan trọng như bản sao giấy phép lái xe, thông báo sao kê từ ngân hàng, đơn đăng ký tín dụng, số thẻ tín dụng, tên và địa chỉ đầy đủ kèm số điện thoại... vẫn bị vứt đầy ở bãi rác.
Trang Spy Escape and Evasion khuyên, bạn nên tập thói quen cắt nhỏ giấy tờ có thông tin cá nhân trước khi cho vào thùng rác. Nếu định vứt thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng..., bạn nên cắt thành nhiều mảnh, vứt một ít ở nhà và một ít ở nơi khác. Như vậy, dù kẻ gian có lật tung thùng rác của bạn thì cũng sẽ không tìm được tấm thẻ hoàn chỉnh.
Khi mua một món đồ giá trị, như chiếc tivi mới, nếu vứt cả chiếc hộp lớn ra đường, bạn đang thông báo cho kẻ gian việc mua sắm của mình. Theo A Secure Life, đồ điện tử là mục tiêu hấp dẫn trộm thứ hai, sau tiền mặt. Để không gây chú ý, bạn có thể cắt những chiếc thùng carton thành từng miếng, bó chúng lại để không nhìn thấy nhãn.
Bên cạnh đó, thùng rác ở các công ty cũng mang nhiều rủi ro. Bạn không nên vứt các tài liệu nhạy cảm như bản sao đơn từ, bảo hiểm y tế, bảng sao kê ngân hàng... mà chưa xé nhỏ hoặc hủy tài liệu.