Vì sao chậm?

11/09/2013 18:22

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ có 19/91 trường đạt chuẩn quốc gia, thấp nhất trong các bậc học và chậm so với kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn của tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chậm trễ” này, đó là: Cơ sở vật chất khó khăn, thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất hay khó nâng cao chất lượng, duy trì sỹ số...

(Baonghean) - Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ có 19/91 trường đạt chuẩn quốc gia, thấp nhất trong các bậc học và chậm so với kế hoạch xây dựng trường THPT đạt chuẩn của tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chậm trễ” này, đó là: Cơ sở vật chất khó khăn, thiếu kinh phí, thiếu quỹ đất hay khó nâng cao chất lượng, duy trì sỹ số...

Trong báo cáo tóm tắt quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp của tỉnh đến 2020, tầm nhìn đến 2030 có đặt ra mục tiêu “Đến 2015 có 30% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia”. Tuy nhiên, cho đến nay, khối các trường THPT mới chỉ có 19/91 (20,88%) trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có đến 11 trường đã quá hạn cần phải được kiểm tra công nhận lại) - tỷ lệ thấp nhất trong các cấp học trên địa bàn tỉnh. Theo ông Võ Văn Mai- Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “chậm trễ” này: cơ sở vật chất thiếu thốn; diện tích đất chật hẹp, chất lượng dạy và học còn hạn chế...

Theo kế hoạch, Trường THPT Nghi Lộc 3 (Nghi Lộc) sẽ đạt chuẩn vào năm học 2013-2014, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể đạt do còn thiếu tiêu chí về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Hiện nhà trường đã có đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng thực hành - thí nghiệm. Song nếu so sánh với quy chuẩn, thì phòng thực hành - thí nghiệm chưa đảm bảo đủ diện tích 150m2. Đặc biệt, hiện nhà trường còn thiếu nhà đa chức năng – “đây là cái nằm ngoài tầm tay của nhà trường. Bởi theo tính toán, để xây dựng nhà đa chức năng ít nhất cũng cần 10 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà trường mỗi năm huy động xã hội hóa cũng chỉ được 250 - 300 triệu đồng, chủ yếu sử dụng để sửa chữa nhỏ, mua sắm thêm trang thiết bị, sách vở dạy học. Do đó, việc xây dựng nhà đa chức năng chỉ còn biết trông chờ vào các chương trình, dự án” - ông Võ Thanh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.


Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) đạt chuẩn quốc gia từ năm học 2008-2009.

Hay như Trường THPT Nam Đàn 1 là một trong những trường thuộc tốp đầu về chất lượng giáo dục trong khối các trường THPT của tỉnh. Chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn luôn đạt tỷ lệ cao. Năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 82% so với số học sinh được quy định dự thi; tỷ lệ học sinh giỏi trong tổng kết năm học đạt 3,2%; tỷ lệ học sinh đậu đại học đạt 52%; đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn về đào tạo, trong đó có 28/81 giáo viên có trình độ thạc sỹ. Đặc biệt những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã năng động tìm nguồn xã hội hóa từ học trò cũ thành đạt, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Hiện tại, trường có hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm - thực hành, phòng bộ môn, phòng truyền thống… đầy đủ, đồng bộ và tương đối hiện đại. Trong khi các trường “bế tắc” trong việc xây dựng nhà đa chức năng vì kinh phí quá lớn thì trường đã xin được kinh phí từ một dự án với 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là không có quỹ đất để xây dựng nhà đa chức năng và làm nơi tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài trời. “Vốn đã có rồi, nhưng lấy đâu ra quỹ đất để xây dựng là cả vấn đề lớn. Hiện tại, diện tích đất của trường mới chỉ có 9.500m2, theo tiêu chí chuẩn quốc gia còn thiếu trên 6.000m2 (trung bình 10m2/học sinh). Phương án duy nhất mà trường đưa ra là đành phải xây dựng nhà đa chức năng ở ngay cổng chính của trường, trên nền nhà để xe hiện tại.

Tuy nhiên, đó chỉ là phương án bất đắc dĩ, vì như vậy không hợp với quy hoạch, cổng trường buộc phải “chui” qua nhà đa chức năng. Trong lúc đó, nhà để xe của học sinh hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ. Hễ chỗ nào có đất trống là nơi đó thành chỗ để xe. Thiếu quỹ đất khiến việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của Trường THPT Nam Đàn 1 bị “đình” lại. Theo kế hoạch, trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2012-2013, giờ đã hết hạn nhưng vẫn chưa đạt. Và cũng không biết đến khi nào thì nhà trường được mở rộng diện tích để có thể đạt chuẩn”- thầy Hồ Viết Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Không đủ diện tích đất nên sân học thể dục của học sinh vẫn phải tận dụng khoảng sân trường còn trống và mượn sân vận động của Thị trấn Nam Đàn. “Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên Huyện ủy, UBND huyện về việc cấp đất cho nhà trường để đảm bảo đủ diện tích theo quy định song vẫn chưa được giải quyết. Về phía Thị trấn Nam Đàn, họ sẵn sàng nhường sân vận động lại cho trường nếu huyện bố trí sân cho họ ở một vị trí khác. Riêng vấn đề này, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương để nhà trường hoàn thiện tiêu chí trường chuẩn quốc gia vào năm học tới”- thầy Hùng đề xuất.

Nếu như hai trường THPT thuộc vùng đồng bằng khó về cơ sở vật chất và quỹ đất thì Trường THPT Quế Phong - một trường vùng cao thì vấn đề lại nằm ở chỗ chất lượng giáo dục và việc duy trì sĩ số. Điểm đầu vào của trường rất thấp (chỉ cần không bị điểm liệt (điểm 0) là được xét tuyển vào lớp 10 của trường), do đó, dù nỗ lực đến mấy thì tỷ lệ học sinh yếu kém vẫn cao (năm học 2012-2013 là 16%), tỷ lệ học sinh giỏi mới chỉ đạt 0,7%. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng khá cao. Chỉ tính riêng năm học 2012-2013, toàn trường có 90 em đã được tuyển vào lớp 10 nhưng không nhập học, trong năm học lại có 34 em khác bỏ học.

Để ngăn chặn học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài tăng cường dự giờ thăm lớp, nhà trường còn mở các lớp phụ đạo không thu tiền, vận động giáo viên đóng góp quỹ hỗ trợ học sinh nghèo… “Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm đến việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất, lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng cơ sở vật chất, còn trích ngân sách xây dựng nhà để xe, vườn sinh vật. Hiện tại, cơ sở vật chất đã tương đối đồng bộ, trong những năm tiếp theo sẽ hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, cái khó là chất lượng giáo dục và việc duy trì sĩ số học sinh. Đây là việc thuộc về nhà trường, nhà trường sẽ tự lo liệu, tự tìm ra giải pháp để khắc phục, vươn lên; nhưng cũng rất cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Mục tiêu của trường đến năm 2020 sẽ đạt chuẩn quốc gia; tuy nhiên, với chất lượng đầu vào như hiện nay thì rất khó để tăng tỷ lệ học sinh giỏi, hạn chế học sinh yếu kém”- thầy giáo Lô Văn Ngọ - Hiệu trưởng nhà trường trăn trở.

Qua tìm hiểu thực tế ở các trường THPT, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là thiếu kinh phí, nên một số trường dù mới được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, nhưng vẫn còn thiếu các công trình phụ trợ hoặc thiếu trang thiết bị bên trong các phòng chức năng. Muốn đầu tư để một trường THPT đã có đủ đất, đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm - thực hành, phòng làm việc đạt chuẩn về cơ sở vật chất, phải cần khoảng 15 tỷ đồng nữa để xây dựng nhà đa chức năng, sân chơi, bãi tập và các công trình phụ trợ khác. Trong khi đó, hiện nay tỉnh ta còn nhiều phòng học tạm, phòng học mượn đang cần phải ưu tiên xây dựng; đó là chưa kể nhiều phòng học đã xuống cấp cũng cần được làm mới. Khó khăn lớn thứ hai là vấn đề chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số. Quy định trường đạt chuẩn quốc gia phải có tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ dưới 1%, trong khi đó tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp học THPT lên đến trên 2%; tỷ lệ học sinh yếu kém phải dưới 5%, trong khi đó tỷ lệ học sinh yếu kém ở cấp THPT của tỉnh khoảng 6%.

Nhận diện những khó khăn đó để đưa ra giải pháp tháo gỡ nhằm đạt được chỉ tiêu về trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch là điều cần thiết. Ông Võ Văn Mai - Trưởng phòng Phòng Giáo dục Trung học cho biết: “Năm học 2013-2014 sẽ phấn đấu có 5 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Do đó, Sở sẽ xác định địa chỉ, tiến hành rà soát các tiêu chí cụ thể, lĩnh vực nào trường lo, lĩnh vực nào huyện phải vào cuộc, vấn đề gì cần tỉnh hỗ trợ… để từng cơ quan liên quan có sự tham mưu, tham gia cụ thể, sát thực, hiệu quả. Đồng thời Sở sẽ tham mưu với tỉnh gắn các chương trình mục tiêu quốc gia với việc xây dựng cơ sở vật chất các trường; riêng về quỹ đất, chính quyền các huyện cần tạo điều kiện đảm bảo diện tích theo quy định; về chất lượng giáo dục không đáng lo ngại, vì đây là vấn đề nằm trong tầm tay của ngành, của trường, chỉ cần cố gắng, nỗ lực là được”.


Bài, ảnh: DUY NAM

Mới nhất
x
Vì sao chậm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO