Vì sao Đức và Trung Quốc "nặng lòng" với nhau?

07/07/2014 14:42

(Baonghean) - Trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 6/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà Merkel sau khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ mới, nhưng là lần thứ 7 bà tới thăm Bắc Kinh kể từ khi giữ chức Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến nay. Tại sao bà Merkel lại đặc biệt coi trọng Trung Quốc như vậy, còn ở phía ngược lại, Trung Quốc được gì khi thắt chặt quan hệ với Đức?

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Đức Angela Merkel lần này được đánh giá là sự kiện khẳng định lại quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai bên vừa đạt được hồi tháng 3 vừa qua. Cụ thể trong chuyến thăm Đức hồi tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ thủ tướng Đức đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tuyên bố chung gồm 10 điểm hướng tới mối quan hệ chiến lược lâu dài và gây dựng niềm tin chính trị giữa hai nước, góp phần vào việc khuyến khích trao đổi quan điểm một cách thường xuyên, cởi mở ở bình diện chính trị cấp cao… Còn trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, chặng dừng chân đầu tiên của bà Merkel là Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Tại đây, bà Markel sẽ tham dự Diễn đàn đối thoại Trung - Đức năm 2014, sau đó sẽ đến Bắc Kinh và có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Lý giải cho những bước thắt chặt và nâng tầm quan hệ giữa Đức và Trung Quốc thời gian qua, có thể nói, là hai quốc gia được đánh giá là lớn nhất của hai lục địa châu Âu và châu Á, Đức và Trung Quốc có những sự tương đồng cũng như các vấn đề ràng buộc lẫn nhau. Về điểm tương đồng, lãnh đạo Đức và Trung Quốc nhận thức rằng, là các nền kinh tế quốc dân quan trọng và các quốc gia có ảnh hưởng trên thế giới, Đức và Trung Quốc có trách nhiệm quan trọng vì hoà bình và thịnh vượng trên thế giới. Nhưng thực tế cho thấy, chính những mối ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau mới là sợi dây thực sự kết nối mối quan hệ khăng khít giữa Đức và Trung Quốc.

Trước hết, mối ràng buộc lớn nhất phải kể đến là hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, còn Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở châu Á đồng thời là thị trường quan trọng đối với hàng xuất khẩu của Đức. Theo số liệu, kể từ năm 2009, xuất khẩu từ Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi vào năm 2013, đạt 67 tỷ euro - tương đương 91 tỷ USD. Tổng giao dịch thương mại năm ngoái đạt 140 tỷ euro - hơn 190 tỷ USD. Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức, Sebastian Heilmann nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế Đức và Trung Quốc dựa trên thực tế là hai nước có nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau. Trong đó, Đức cung cấp cho Trung Quốc những sản phẩm mà nước này cần cho quá trình công nghiệp hóa như máy móc, hàng điện tử trong khi hàng tiêu dùng với giá cả rất hấp dẫn của Trung Quốc có nhu cầu rất cao ở Đức. Bởi vậy, mối quan hệ kinh tế Đức - Trung Quốc là một trong số những quan hệ song phương quan trọng nhất của bà Merkel. Vì thế, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, tháp tùng bà Merkel là một đoàn doanh nghiệp lớn của Đức, trong đó có các giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu như Volkswagen, Siemens, Deutsche Bank. Hiện có khoảng 160 công ty Đức đang hoạt động tại Thành Đô, trong số đó có nhà máy của Volkswagen. Dự kiến, một loạt các hiệp định kinh tế sẽ được ký kết trong chuyến thăm này.

Bên cạnh hợp tác kinh tế song phương, với vai trò là đầu tàu châu Âu, Đức nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại với Trung Quốc còn là nhằm tháo gỡ hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công mà châu Âu vẫn đang phải gánh chịu. Dễ lý giải cho mong đợi này khi từ lâu, Liên minh châu Âu luôn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc và Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Liên minh châu Âu, sau Mỹ. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại Trung Quốc - Liên minh châu Âu năm 2013 vừa qua đạt tới 559 tỷ USD. Bởi vậy, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Đức và Trung Quốc được đánh giá là một cấu thành quan trọng của quan hệ chiến lược toàn diện giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ EU - Nga đang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ucraine, châu Âu mà đứng đầu là Đức càng có thêm động lực để thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc. Vì đẩy mạnh hợp tác với quốc gia đông dân nhất thế giới được cho là sự lựa chọn hợp lý để có thể phần nào bù đắp những tác động tiêu cực từ những biện pháp trừng phạt thương mại giữa Nga và phương Tây. Trong khi đó, quan điểm của Đức lại không đối chọi trực tiếp với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế như Ukraine, Syria, Iraq…, như là với Nga hay Mỹ. Bởi vậy, dường như Đức và Trung Quốc không có những khúc mắc và căng thẳng liên quan trực tiếp đến các điểm nóng này.

Còn về phía Trung Quốc, rất nhiều động lực đã khiến cho Bắc Kinh thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Đức. Trước hết phải kể đến mục tiêu cân bằng chiến lược ngoại giao với Mỹ trên toàn cầu. Để cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc hiện đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ra ngoài khu vực châu Á. Trong đó, châu Phi, Mỹ La tinh và châu Âu sẽ là những điểm đến trọng tâm. Với châu Âu, cửa ngõ cho Trung Quốc chính là nước Đức. Theo giới phân tích, sau nhiều năm ưu tiên cho các mối quan hệ của nước này với Nga và một số nước láng giềng, với chính sách khá thực dụng thời gian qua, Trung Quốc đang có rất ít đồng minh thực sự. Bởi thế, nâng cấp quan hệ với Đức là một bước ngoại giao mà Trung Quốc phải làm để tìm kiếm các đối tác và đồng minh mới. Một lý do quan trọng khác mà Trung Quốc muốn có được từ Đức, đó là nhằm giảm bớt sự cô lập vốn bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ các hành động sai trái của nước này tại Biển Đông thời gian qua. Và chìa khóa chính là “cành ô liu kinh tế” mà Trung Quốc đưa ra. Như vậy, bất chấp một số trở ngại như các công ty Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của các công ty Đức, mới nhất là cáo buộc Trung Quốc gia tăng các hoạt động tình báo công nghiệp; có lẽ, với rất nhiều ràng buộc lẫn nhau, Trung Quốc và Đức sẽ còn “nặng lòng” với nhau lâu dài.

Phương Hoa

Mới nhất

x
Vì sao Đức và Trung Quốc "nặng lòng" với nhau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO