Vì sao gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm
(Baonghean) - Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra nhằm giải cứu thị trường bất động sản, đồng thời đáp ứng nhu cầu về vốn mua nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ giải ngân gói tín dụng này rất ì ạch. Trong khi gói 30.000 tỷ đồng chưa phát huy hiệu quả thì mới đây lại có thêm thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng do liên minh các ngân hàng thương mại cung ứng vốn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng. Dư luận đặt câu hỏi liệu nó có khả thi hay lặp lại “vết xe đổ” của gói 30.000 tỷ đồng?
Sau một thời gian tìm hiểu, đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của khách hàng cá nhân, chị Nguyễn Thị Yên ở Thành phố Vinh đã được vay 400 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi thuộc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng tại chi nhánh Vietcombank Trung Đô. Hai vợ chồng chị đều làm công chức nhà nước, tiền lương hàng tháng cũng chỉ đáp ứng chi phí trang trải cuộc sống và tiết kiệm được một khoản nhỏ để trả nợ ngân hàng. Chị Yên Chia sẻ: Nhờ có chính sách ưu đãi của Nhà nước, vợ chồng tôi mới có điều kiện mua được một căn hộ chung cư để ở, thời gian trả nợ được kéo dài trong 15 năm nên chúng tôi không bị áp lực về trả nợ vốn vay.
Anh Võ Khắc Thanh – Trưởng phòng khách hàng Vietcombank Trung Đô cho biết: Tính đến ngày 24/3/2014, tại chi nhánh có 7 khách hàng cá nhân đã được vay vốn (gói 30.000 tỷ đồng) để mua nhà, với dư nợ gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện có thêm 3 khách hàng đang được tiếp nhận hồ sơ chờ giải ngân vốn. Từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp khách hàng đến chi nhánh tìm hiểu vay vốn, trong đó có 4 khách hàng đã được tiếp cận vốn, còn 2 trường hợp không đủ điều kiện vay vốn. Bản thân ngân hàng rất muốn đẩy vốn cho vay để đảm bảo chỉ tiêu và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhưng do khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện quy định nên ngân hàng không dám “vượt rào” cho vay vì sợ rủi ro.
Giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Vinh. |
Thực tế ở Nghệ An, đối tượng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi như chị Yên và một số khách hàng khác chưa nhiều, bởi điều kiện vay vốn rất chặt chẽ. Mặc dù “Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng đầy đủ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp, thời hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay chương trình của các ngân hàng", song trên thực tế, để nguồn vốn này được trao vào tay chính người cần nó thì không đơn giản chút nào. Ngay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An (BIDV), đến nay mới chỉ duy nhất 1 khách hàng cá nhân được vay vốn, với số tiền chưa đến 100 triệu đồng. Theo ông Hoàng Hải Nam – Phó phòng khách hàng cá nhân BIDV Nghệ An: Sở dĩ tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chậm do hầu hết các hồ sơ vay vốn thuộc diện hỗ trợ đều không đủ điều kiện theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định, đối với khách hàng doanh nghiệp “có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 7/1/2013 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội”. Thế nhưng thực tế ở tỉnh ta, một số dự án khởi công xây dựng từ trước năm 2013 vẫn đến ngân hàng để xin tiếp cận gói tín dụng này, thậm chí chủ đầu tư và khách hàng còn phối hợp với nhau để hợp thức hợp đồng mua bán nhà sau thời điểm 7/1/2013. Tất cả những trường hợp này sau khi thẩm định không đúng đối tượng được vay vốn. Từ khi có chủ trương cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tại BIDV Nghệ An có khoảng 40- 50 khách hàng đến đến xin vay vốn, nhưng hầu hết đều không đúng đối tượng để cho vay, chỉ có một trường hợp đáp ứng điều kiện, chi nhánh đã giải ngân. Và sắp tới khả năng chi nhánh sẽ giải ngân 30 tỷ đồng cho dự án nhà ở xã hội tại xã Nghi Kim của Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Sơn.
Tương tự, việc giải ngân chậm gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng diễn ra ở tất cả 5 ngân hàng thương mại nhà nước được phép giải ngân nguồn vốn này gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Ngoại thương và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Lương Thị Liễu - Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Nguồn vốn sẵn có, dồi dào thanh khoản, rất muốn cho vay để đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng khách hàng phải đảm bảo đủ điều kiện, hồ sơ hợp lý. Ngân hàng luôn sẵn sàng giải ngân cho các đối tượng đủ điều kiện. Đến hết tháng 2/2014, chi nhánh đã giải ngân vốn cho 5 khách hàng vay với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Trong tháng 3 có thêm 3 khách hàng đã được tiếp nhận hồ sơ, nhu cầu vay vốn gần 2 tỷ đồng. Khu dự án nào từ nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, Sở Xây dựng cần làm thủ tục nhanh để ngân hàng có cơ sở cho vay vốn đối với cả khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân.
Thực tế cho thấy, mặc dù chủ trương của Chính phủ nhằm kích cầu thị trường bất động sản và hỗ trợ người có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, song để đảm bảo tính thanh khoản, tránh những rủi ro về nguồn vốn, các tổ chức tín dụng đặc biệt quan tâm đến khả năng trả nợ cả gốc và lãi của khách hàng, để các khoản cho vay không trở thành nợ xấu.
Về phía doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng không dễ tiếp cận được gói hỗ trợ này bởi điều kiện cho vay rất chặt chẽ. Ông Nguyễn Đình Khang - lãnh đạo Công ty TNHH thương mại Minh Khang chia sẻ: Dự án xây dựng nhà ở xã hội của đơn vị chúng tôi gồm 3 nhà, nhưng hiện tại đang khó về nguồn vốn, do đó kế hoạch trước mắt xây dựng 1 nhà với khoảng hơn 70 căn hộ. Sau khi làm xong phần móng, đơn vị sẽ huy động vốn từ những người đăng ký mua nhà để đầu tư xây dựng.
Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 5 dự án nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng chấp thuận ghi vào danh mục dự án được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Trong 5 dự án có 3 dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tổng mức Bộ Xây dựng đề nghị cho vay đối với 5 dự án này là 330 tỷ đồng. 5 dự án trên có khoảng 1.400 căn nhà ở xã hội, hiện cả 5 dự án này đều chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trên địa bàn Nghệ An chậm và khó khăn một phần do thời điểm triển khai gói ưu đãi này, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ tiến hành động thổ, khởi công, hoặc xây dựng dở dang phải ngừng lại vì thiếu vốn, chưa tiến hành xây dựng hoàn chỉnh; dự án nhà ở xã hội nhanh nhất có thể bàn giao nhà cũng phải đến cuối năm 2015 mới hoàn thành. Ðiều này dẫn đến vướng mắc về thủ tục tài sản thế chấp khi vay vốn. Hơn nữa, giá nhà ở xã hội vẫn cao, mức tối thiểu cũng 10 triệu đồng/m2, theo quy định đối tượng mua nhà ở xã hội nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, mới được vay gói hỗ trợ. Như vậy, một căn hộ chung cư mức rẻ nhất cũng 600 – 700 triệu đồng, với mức này người thu nhập thấp nếu tiếp cận được vốn thì khả năng trả nợ cũng khó khăn. Nguồn cung nhà ở xã hội thiếu, cộng với giá nhà cao, trong khi thu nhập của công nhân quá thấp, đó cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà với nhà ở xã hội.
Trong khi thị trường bất động sản đang đóng băng, giá rẻ, quỹ đất ở trên địa bàn tỉnh ta khá dồi dào; TP.Vinh vẫn còn ít khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, do vậy số lượng lao động thu hút không nhiều nên thực chất nhu cầu của người mua nhà chưa thực sự “căng” như ở một số thành phố lớn. Những công nhân với mức lương trên, dưới 3 triệu đồng/tháng vẫn rất khó chạm đến được một căn nhà ở xã hội với mức giá cao như hiện nay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 6%/năm xuống 5%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân giảm chi phí đầu tư, chi lãi vay đầu tư mua nhà ở xã hội. Để người dân, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được khoản vay ý nghĩa này, đại diện một số tổ chức tín dụng cho rằng, cơ quan quản lý cần linh động điều chỉnh các quy tắc; các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường và nhu cầu của người dân.
Trong thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Xây dựng nắm bắt nhu cầu nhà ở xã hội và các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, tuy nhiên do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng còn đang thiếu hụt so với nhu cầu thực tế. Do đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này còn rất thấp, đến hết tháng 2/2014, trên địa bàn Nghệ An các tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, dư nợ hơn 8,2 tỷ đồng với 23 khách hàng cá nhân được vay vốn. Được biết, tính đến hết tháng 2/2014, trong khuôn khổ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, các địa phương trong cả nước mới giải ngân cho 2.673 khách hàng với tổng dư nợ 1.206 tỷ đồng. Mục đích của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là hết sức nhân văn, tuy nhiên, những vướng mắc từ thực tế triển khai khiến việc giải ngân chương trình này hiện chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, đây là chương trình có quy mô lớn và thời hạn dài, chưa có tiền lệ, vì vậy khi triển khai không tránh khỏi một số khó khăn vướng mắc khiến tiến độ chương trình chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Hy vọng trong thời gian tới, các ngành liên quan sẽ tăng cường phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để chương trình ý nghĩa này đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang ì ạch giải ngân, mới đây, dư luận lại xôn xao về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Hoạt động của gói tín dụng này là sự kết hợp giữa 4 nhà: Ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung cấp vật liệu xây dựng, đối tượng phục vụ chính là những dự án bất động sản đang triển khai dở dang nhưng thiếu vốn. Đây thực chất là một chương trình tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại, gói tín dụng mới này chỉ khác biệt với các gói cho vay trước đây ở chỗ không cần tài sản đảm bảo, nghĩa là chủ đầu tư sử dụng vật liệu do một bên trong chuỗi liên kết cung ứng hàng hóa đến đâu, ngân hàng sẽ định giá hàng hóa đó rồi cho vay trên tỷ lệ nhất định khoảng 70%. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ chế hoạt động cụ thể cho gói tín dụng này, bản thân một số ngân hàng thương mại được liệt kê vào danh sách 10 ngân hàng liên minh giải ngân vốn cũng ngạc nhiên khi mình có tên trong danh sách. Dư luận lại hoài nghi về gói tín dụng khủng này, nếu các ngân hàng không mở rộng đối tượng tới nhiều đơn vị cung ứng vật liệu và đơn vị thi công tham gia thì e rằng lại hình thành nhóm lợi ích trong liên minh này. Và tính hiệu quả của nó vẫn rất mong manh.
Quỳnh Lan