Vì sao Kim Jong-un hai lần gặp Tập Cận Bình trong 6 tuần?
Chuyến thăm thứ hai của Kim Jong-un chứng tỏ Triều Tiên muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Liên. Ảnh: Xinhua. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 7/5 tới thành phố Đại Liên thuộc Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đại Liên nằm gần biên giới Triều Tiên, cách Bình Nhưỡng chưa đầy một giờ bay, là nơi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2010.
Ông Kim đã đến Bắc Kinh vào cuối tháng ba, đánh dấu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi nắm quyền kể từ năm 2011. Ông Tập dự kiến đến Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng theo lịch trình đó, ông Tập sẽ không gặp lại ông Kim cho đến cuối tháng 6 hoặc tháng 7.
Việc một lãnh đạo liên tục đến Trung Quốc như ông Kim là chưa có tiền lệ trong thời hiện đại, nhà phân tích Trung Quốc Cheng Xiaohe bình luận, theo NYTimes. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Triều Tiên nhưng quan hệ hai bên dần lạnh nhạt sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền vì Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí của nước này. Giờ đây, Trung Quốc dường như muốn thể hiện rằng mối quan hệ giữa họ đã được sửa chữa.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng việc chọn Đại Liên làm địa điểm cuộc họp giúp ông Kim có thể tránh bị coi là quá nhún nhường trước Trung Quốc - điều mà nhiều người có thể suy diễn nếu ông tiếp tục đến Bắc Kinh, nơi cách Bình Nhưỡng xa hơn rất nhiều Đại Liên.
Các nhà phân tích suy đoán rằng ông Kim đã yêu cầu ông Tập dỡ bỏ khỏi các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh đã thực hiện từ năm ngoái theo thúc giục của Mỹ. Những biện pháp đó đã làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của Triều Tiên.
Ông Kim hồi cuối tháng 4 gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in, người sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên với viện trợ kinh tế. Cuộc họp đã mang lại cho lãnh đạo Triều Tiên đòn bẩy mới với ông Tập. Ông Kim có thể nói rằng nếu Trung Quốc không giúp đỡ cho kinh tế Triều Tiên thì Hàn Quốc sẽ làm việc đó.
Shi đánh giá Kim Jong-un có khả năng mong muốn nhận thêm sự hỗ trợ của Trung Quốc để củng cố vị thế của mình trước cuộc họp với Trump. Trong khi đó, ông Tập không muốn ngồi ngoài lề các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
"Trump không có lý do để thích sự kiện đưa Trung Quốc và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn như thế này", Shi Yinhong nói. "Nhưng tôi nghĩ mối quan tâm chính của ông ấy đối với Bình Nhưỡng không phải là quan hệ Trung - Triều, mục tiêu lớn nhất của ông ấy là Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
"Cuộc gặp thứ hai này chứng minh rằng Triều Tiên muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quá trình phi hạt nhân hóa", Cheng đánh giá. "Kim Jong-un sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào cuộc họp với Trump vì lập trường của ông đã được Trung Quốc ủng hộ".
Victory Cha, cựu giám đốc về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, đồng ý rằng Trung Quốc có thể ngồi ngoài lề các cuộc đàm phán song phương giữa hai miền Triều Tiên và giữa Washington với Bình Nhưỡng nhưng họ phải là một bên trong đàm phán chi tiết về phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng không nên phóng đại hình ảnh nồng ấm mà hai lãnh đạo thể hiện ở Đại Liên. Họ cho rằng ông Kim vẫn giữ thế độc lập với Trung Quốc. "Triều Tiên chưa bao giờ là một nước 'chư hầu' và càng không phải vậy khi Mỹ đã đồng ý làm việc với ông Kim", Shi bình luận.