Vì sao nhiều sinh viên ở Nghệ An học xong gần 2 năm vẫn chưa được thi tốt nghiệp?
Chưa có kinh phí để tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều lớp cao đẳng nghề ở Nghệ An đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp.
Mỏi mòn chờ tốt nghiệp
Ngày cuối tháng 8, em Bùi Anh Tú (23 tuổi), quê thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, vẫn đang phải làm thêm tại một nhà hàng ở TP. Vinh, chờ ngày lấy được bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề. Trước đó, Tú cũng như nhiều sinh viên khác, được nhà trường cam kết tháng 4/2023 sẽ được cấp 2 bằng tốt nghiệp, tuy nhiên, đến nay, các em đã học xong chương trình từ lâu, nhưng vẫn chưa được thi tốt nghiệp.
“Cháu nó học xong từ đầu năm 2023 rồi, về nhà chờ đợi mãi không được. Nên bây giờ quay xuống TP. Vinh làm thêm tranh thủ trong thời gian chờ đợi. Chúng tôi cũng như các phụ huynh khác không hiểu nguyên nhân cụ thể vì sao...”, bố em Tú, ông Bùi Gia Lý nói.
Tại Nghệ An, ngoài em Tú còn có 63 sinh viên khác tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An cũng lâm vào cảnh tương tự. Cụ thể, tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc có 2 lớp là Bảo trì cơ khí và Công nghệ ô tô, còn ở Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An có 2 lớp là Quản trị lễ tân và Kỹ thuật chế biến món ăn. Những lớp này đều khai giảng từ năm 2019, mỗi lớp có 16 em, trong đó, 2 lớp ở Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An đã học xong từ tháng 10/2022, nhưng chờ đợi hơn 1 năm qua vẫn chưa được thi tốt nghiệp.
Đó là những lớp nằm trong chương trình đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, khi các em đã học xong thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị tạm dừng, không cho thi tốt nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An, việc không được thi tốt nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến các em sinh viên, phải chờ đợi suốt gần 2 năm qua. Không thể chờ đợi được thêm, gần đây phía nhà trường đã phải bổ sung 2 lớp học tương tự, đào tạo miễn phí cho các em. “Chúng tôi mở các lớp tương tự như các em đã học, ví dụ như Quản trị lễ tân thì sang học Quản lý nhà hàng. Hiện nay, các em đều đã học xong và trở về nhà. Tuy nhiên, phải đến sang năm thì mới có bằng tốt nghiệp. Còn 2 bằng tốt nghiệp theo chương trình đào tạo thí điểm liên kết với Đức thì chịu”, ông Giang nói.
Tương tự, ông Hồ Văn Đàm - Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết, hiện nay, nhà trường cũng mở 2 lớp bổ sung để đào tạo cho 32 sinh viên này. “Chúng tôi mở lớp đào tạo miễn phí, để cấp bằng tốt nghiệp khác cho các em. Chứ không biết chờ tháo gỡ vướng mắc đến bao giờ!”, ông Đàm nói.
Không có kinh phí thi tốt nghiệp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ, thì sự việc bắt đầu từ năm 2015, khi Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cùng Tập đoàn đào tạo Avestos (Đức) ký bản ghi nhớ hợp tác và phát triển các chương trình đào tạo nghề giữa 2 quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều thay đổi về đơn vị hợp tác với Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Avestos ủy quyền cho Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) ký kết một số hợp tác với Tổng cục Dạy nghề.
Các bộ chương trình chuyển giao từ Đức là các chương trình đang được đào tạo tại các trường nghề của quốc gia này. Khi chuyển sang Việt Nam chỉ điều chỉnh khoảng 10% cho phù hợp với thị trường lao động Việt Nam. 45 trường nghề tham gia chương trình sẽ được đào tạo bồi dưỡng giáo viên, được nhận các bộ chương trình, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức. Trong đó, ở Nghệ An có 2 trường là Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An.
Theo chương trình đã được phê duyệt, mỗi nghề được thiết kế gồm 2 phần: các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình được chuyển giao từ Đức.
Thời gian khóa học là từ 3 - 3,5 năm, tùy theo từng nghề. Khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên được đánh giá kết quả đầu ra, đạt yêu cầu sẽ được cấp 2 bằng: 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp; 1 bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức) và có thể làm việc tại Đức. Theo kế hoạch, đến tháng 10/2022, khoảng 1.000 sinh viên đã được thi, nhận 2 bằng tốt nghiệp của Đức và Việt Nam đối với các nghề có thời gian đào tạo 3 năm và đến tháng 5/2023 đối với các nghề có thời gian đào tạo 3,5 năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình thực hiện Đề án nói trên, đã có một số vướng mắc, chưa có kinh phí để thực hiện các nội dung còn lại của Đề án, trong đó có việc tổ chức thi tốt nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra, do một số vấn đề liên quan đến AIC nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong thời gian dài, dẫn đến sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng đến nay vẫn chưa tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp của Đức và Việt Nam.
Chưa kể, quy định hiện hành cho phép cấp bằng cao đẳng của nước ngoài đang chuyển giao bộ chương trình trước, trường hợp muốn có thêm bằng cao đẳng Việt Nam phải học thêm các môn chung theo chương trình đào tạo trong nước. Song các sinh viên đang được đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao theo đề án chuyển giao nghề do Thủ tướng phê duyệt, nếu thực hiện cấp bằng cao đẳng của Việt Nam trước khi cấp bằng của CHLB Đức thì phải được Thủ tướng cho phép.
Tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp và giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đánh giá mức độ tương thích của chương trình, nội dung đào tạo để được công nhận, thừa nhận lẫn nhau, hoặc điều kiện miễn trừ khi xem xét tổ chức thi sát hạch và cấp văn bằng cho sinh viên theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật Việt Nam…
Thực hiện chỉ đạo trên, Tổng cục Dạy nghề chủ trì thành lập tổ rà soát, đánh giá chương trình chuyển giao từ Đức. Kết quả, 45 trường tuyển sinh đầu vào lớp thí điểm đảm bảo theo quy định đối với trình độ cao đẳng. Thậm chí đầu vào lớp thí điểm các trường lựa chọn cao hơn lớp cao đẳng thông thường của trường. Thêm vào đó, giáo viên đứng lớp đều đạt chuẩn theo quy định của Việt Nam. Toàn bộ 45 trường đã giảng dạy 6 môn học chung bắt buộc ở trình độ cao đẳng theo quy định của Việt Nam. Về đánh giá tương thích nội dung chương trình chuyển giao từ Đức với chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra tương ứng của Việt Nam, tổ rà soát đánh giá 12/66 lớp chưa hoàn toàn tương thích…
Với kết quả trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, sinh viên các lớp đào tạo thí điểm theo 22 bộ chương trình chuyển giao từ Đức đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy định về tuyển sinh trình độ cao đẳng theo quy định.
“Hiện các em đều mong muốn được cấp bằng cao đẳng của Việt Nam để có cơ hội tham gia thị trường lao động hoặc tiếp tục học lên cao hơn. Vì vậy, việc cho phép các trường tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng cao đẳng Việt Nam cho sinh viên trong khi chưa cấp được bằng của Đức là cấp thiết để bảo đảm quyền lợi cho sinh viên… Nếu sinh viên không được thi tốt nghiệp, không có điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc học lên trình độ cao hơn ở trong nước và nước ngoài sẽ gây bức xúc, khiếu kiện, tạo ra dư luận, phản ứng tiêu cực từ sinh viên, phụ huynh và dư luận xã hội…”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu quan điểm trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7 vừa qua.
Ngày 21/8/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp về việc giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên đã hoàn thành chương trình do phía Đức chuyển giao. Thông báo nêu: Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan luôn thống nhất nguyên tắc, quan điểm là cần thiết sớm giải quyết những vướng mắc để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho sinh viên đã hoàn thành chương trình do phía Đức chuyển giao phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận, cam kết với các đối tác quốc tế. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an rà soát, nghiên cứu để thống nhất giải quyết dứt điểm các hợp đồng, thỏa thuận, cam kết với các đối tác quốc tế, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động xem xét, quyết định việc hướng dẫn tổ chức đánh giá, cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên đã hoàn thành chương trình do phía Đức chuyển giao theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận, cam kết quốc tế.