Vì sức khỏe cộng đồng
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Cùng hướng tới một xã hội khoẻ mạnh” của tác giả Thục Anh số ra thứ Bảy, ngày 13/12 được bạn đọc đánh giá là bài viết có chất lượng. Bài viết phản ánh các vấn đề liên quan đến phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế, kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa 17, nhiệm kỳ 2010-2015 với 3 nội dung giải trình: Tình trạng lạm thu và lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh; hạn chế trong chất lượng khám, chữa bệnh, y đức và trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trước hết, đó là vấn đề sử dụng đúng và hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT). Tình trạng lợi dụng, lạm dụng Quỹ BHYT đang diễn ra tinh vi và phức tạp, được biểu hiện dưới nhiều hình thức gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, cùng với việc tăng cường công tác giám định BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu rõ về chính sách BHYT. Cơ quan BHXH, ngành Y tế và các đơn vị trực tiếp tham gia BHYT cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành chính sách pháp luật về BHYT; thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về BHYT.
Tiếp đến là vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn và y đức của bác sỹ. Hiện nay, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu người dân do còn hạn chế về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Với điều kiện nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế, ngành Y tế cần phối hợp với các cơ quan, chính quyền các cấp có lộ trình và đưa ra quy hoạch để đầu tư mạng lưới y tế phục vụ hiệu quả và đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Vừa qua, ngành đã có chủ trương giải thể các phòng khám bệnh đa khoa kém chất lượng, đầu tư vào các cơ sở khám, chữa bệnh cấp xã và huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời, đầu tư, xây mới các bệnh viện có quy mô và trang thiết bị tốt, vừa giảm tải cho các bệnh viện cũ, vừa tạo môi trường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương, góp phần nâng cao mặt bằng chất lượng dịch vụ y tế và được người dân hưởng ứng.
Cuối cùng là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần nhận thức rõ, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giống như một dây chuyền tương ứng với dây chuyền sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Điểm xuất phát là ngành Nông nghiệp với vai trò kiểm soát việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, hóoc-môn tăng trưởng, thuốc thú y. Ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến. Khâu cuối cùng - kiểm soát các sản phẩm lưu hành trên thị trường thuộc về ngành Công thương. Như vậy có thể thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành Y tế, mà cần có sự phối hợp đồng bộ với các ngành khác. Ngoài ra, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu thụ. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến; không kinh doanh các mặt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng; là người tiêu dùng thông thái - đó là những điều mà người dân cần chia sẻ với ngành Y tế nói riêng và các ngành, cơ quan chức năng nói chung để đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Y tế, điều cốt yếu nhất là cái tâm, cái đức của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị khi đối mặt với người bệnh. Đó là trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, phối hợp của các cấp, các ngành, của người dân để cùng nhau hành động vì lợi ích chung, vì sức khỏe cộng đồng.
Người xây dựng