"Vị tướng của hòa bình" trong mắt các sử gia quốc tế
Những tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tất cả sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Với tấm lòng kính trọng, nhiều học giả nước ngoài đã cho ra đời những trang viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân thực, giàu tính nhân văn. Đối với họ, có người dù chỉ được gặp đại tướng trong một cuộc hẹn ngắn ngủi, cũng có người có thời gian trò chuyện nhiều hơn nhưng tác phẩm của họ về vị tướng “của lòng dân” đều vẹn nguyên những cảm xúc khó tả. Tên tuổi của Đại tướng không chỉ được vang lên theo những chiến công hiển hách của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến, được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc hô vang “Việt Nam- Hồ Chí Minh- Giáp-Giáp” mà còn được ghi trong nhiều trang sách.
May mắn hơn nhiều học giả, nhà nghiên cứu khác, Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio được nhiều lần gặp Đại tướng. Kết quả của những lần trò chuyện thân mật ấy là cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời” (Vo Nguyen Giap – Une vie) nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng. Nhà sử học Alain Ruscio kể lại: hồi đó ông là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo và lại là người xuất thân nghiên cứu sử, nên Đại tướng đã dành cho ông cả những câu chuyện về gia đình mình. Có thể nói rằng chính những điều bất ngờ trong câu chuyện làm nên tính độc đáo của cuốn sách.
Ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn trẻ |
Nhà sử học Alain Ruscio còn cho biết: ông rất thích cách Đại tướng nói về dân tộc Việt Nam, về những người bộ đội Việt Nam. Khả năng bắt chuyện rất dễ dàng, sử dụng tiếng Pháp một cách thành thạo và có nghệ thuật nhưng không bao giờ đặt mình lên trước mọi người đã khiến cho những cuộc nói chuyện với Đại tướng càng trở nên thân thiện và thoải mái hơn.
Phác họa hình ảnh Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời, dường như tác giả người Pháp Georges Boudarel đã dành những từ ngữ giản dị nhất để viết nên cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” (nguyên bản tiếng Pháp là “Giap”). Ông viết: “Sinh ở An Xá, tỉnh Quảng Bình năm 1910, Giáp lúc nhỏ sống ở một vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung phía Bắc vĩ tuyến 17… Cụ bà thân sinh những hôm không bận việc đồng áng thì cặm cụi bên khung cửi. Còn cụ ông là một nông dân có học thức tự cày cấy ruộng nhà và truyền đạt lại cho cậu bé Giáp chữ nghĩa thánh hiền và vốn tri thức truyền thống theo Khổng giáo cùng với lòng yêu tha thiết quê hương đất nước”.
Đề cập hình ảnh Võ Nguyên Giáp với con đường cách mạng, tác giả Boudarel không dùng những ngôn từ như “sứ mệnh”, “cao cả” mà coi đó như một cái duyên mà người làm nên sự nghiệp là “Anh học trò trung học Võ Nguyên Giáp say mê nhất môn lịch sử, địa lý và chỉ tạm gác việc đọc sách sử-địa khi bận đến dự các cuộc bàn cãi sôi nổi về các đề tài liên quan đến lịch sử nước nhà”.
Tác giả Georges Boudarel cũng chính là là một thành viên của nhóm trí thức Mác-xít hoạt động công khai tại Sài Gòn năm 1947. Sau này, ra Bắc, ông xin gia nhập hàng ngũ Việt Minh và tham gia kháng chiến chống Pháp. Phải chăng cơ duyên ấy bắt nguồn từ lòng yêu quý, trân trọng con người Việt Nam, trân trọng khát vọng độc lập của một dân tộc nhỏ nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục.
Với tấm lòng trân trọng, họa sĩ David Thomas- một người Mỹ yêu Việt Nam đã dày công cho ra đời 106 bản in tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính” (2012) bằng giấy dó, với sự giúp đỡ của hai tác giả Tạ Đức và Susan Maguire. Cuốn sách ghi lại những chặng đường, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Đại tướng cho đến năm 1965- năm đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Lời bạt sách ghi rõ: “Quyển sách nghệ thuật này không chỉ nói về Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại mà còn về đất nước yêu dấu của ông, về nền văn hoá đã sản sinh ra ông”. Cuốn sách không quá dày, chỉ với 83 trang nhưng tác giả David Thomas đã thể hiện sự am hiểu văn hóa dân gian và tình cảm yêu quý dành cho Đại tướng dù chỉ 2 lần gặp gỡ ngắn ngủi.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ấn bản in trên giấy dó |
Ca ngợi tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn "Bách khoa toàn thư quân sự" Bộ Quốc phòng Mỹ xuất bản năm 1993 viết: "Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.
Tác giả G.Bonnet, trong “Từ điển bách khoa toàn thư Pháp”, cũng đã viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”.
Trong cuốn “Những vị tướng lừng danh”, Ducan Townson khẳng định: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”. Còn “Từ điển bách khoa nước Anh” mới xuất bản có riêng một mục giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xếp ông vào hàng danh tướng kiệt xuất của mọi thời đại.
Có thể nói, những tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dừng lại ở sự thiện cảm dành cho Đại tướng. Cũng không chỉ khẳng định công lao to lớn của người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà quan trọng hơn cả là sự ngưỡng mộ, yêu quý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho vị tướng của lòng dân, vị tướng của hòa bình./.