Việc chuyển giá - báo lỗ của các doanh nghiệp nước ngoài

29/12/2012 20:17

(Baonghean) - Nếu như không bị báo chí phanh phui, không ai có thể ngờ rằng Công ty Coca Cola Việt Nam với thứ nước...

(Baonghean) - Nếu như không bị báo chí phanh phui, không ai có thể ngờ rằng Công ty Coca Cola Việt Nam với thứ nước giải khát trứ danh kia suốt 18 năm qua chưa bao giờ có lãi, dù doanh thu tăng liên tục qua mỗi năm. Số liệu thống kê của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Năm 2004, Coca Cola Việt Nam doanh thu 728 tỉ đồng, số lỗ là 110 tỉ đồng; năm 2006 doanh thu vọt lên 1.026 tỉ đồng thì số lỗ lên đến 253 tỉ đồng; gần đây nhất, năm 2010 lỗ 188 tỷ đồng trên doanh thu 2.529 tỷ đồng.

Nếu những con số trên là sự thật, thì có nghĩa Coca Cola đã rót "miễn phí" vào thị trường đến tháng 9/2009 khoảng 3.768 tỷ đồng và "âm" vốn chủ sở hữu đến hơn 800 tỷ đồng. Được hưởng lợi số tiền ấy, không ai khác là người tiêu dùng Việt Nam? Không một ông chủ nào có thể chấp nhận thực tế kinh doanh lỗ triền miên, lỗ lớn như thế, trừ khi ông ấy nhằm mục đích làm từ thiện hoặc các mục đích ngoài kinh tế.



Coca cola với những biển quảng cáo tấm lớn tại đường phố Việt Nam

Không chỉ với Coca Cola Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác có đầu tư ở Việt Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự: PepsiCo, Adidas,... đều lỗ kéo dài năm này sang năm khác. Nghịch lý ở chỗ vừa lỗ nhưng lại vừa tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, như thách thức các nhà quản lý...

Vậy nhưng, theo các chuyên gia kinh tế, việc các "đại gia" này lỗ không có gì khó hiểu. Bởi đã lỗ thì không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ nộp thuế giá trị gia tăng (thực chất là do người tiêu dùng nộp) và thuế môn bài... Muốn thế, có cách nào hay hơn là nâng giá chi phí nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ ở nước ngoài? Nguyên vật liệu của Coca - Cola được chính công ty này giải thích là độc quyền, là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám, nên có giá rất cao. Năm 2009, chi phí này của Coca Cola Việt Nam là 1.065 tỷ đồng trong tổng doanh thu 1.752 tỷ đồng...

Chỉ với một "động tác" đơn giản như thế, các công ty nước ngoài đã "qua mặt" cơ quan thuế, ung dung chuyển giá ra ngoài lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp, yên tâm không nộp một đồng thuế nào cho xứ sở đã góp sức góp của làm giàu cho họ... Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có điều khoản nào điều chỉnh hành vi này, vì thế, các công ty trên vẫn nhởn nhơ vừa kinh doanh vừa lỗ (!).

Có nhiều người nói rằng, về luật thì chịu rồi, nhưng còn đạo đức? Ông đến làm ăn trên đất nước này, ông phải có nghĩa vụ, phải có trách nhiệm đóng góp, xây dựng đất nước vốn từng bị chiến tranh tàn phá và hiện nay vẫn là một quốc gia còn nghèo với muôn vàn khó khăn cả trước mắt và lâu dài? Lời kêu gọi đạo đức ấy có lẽ chỉ được đáp ứng trong từng thời điểm, với từng việc cụ thể.

Để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, vẫn phải dựa vào hành lang pháp lý. Người ta đã lách luật để tránh thuế thì cũng phải dùng luật để ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm. Trước hết, cơ quan chức năng cần thu thập dữ liệu, chứng cứ, lập hồ sơ về việc chuyển giá và đặc biệt là hoàn thiện các bộ luật để buộc các doanh nghiệp tự điều chỉnh phương thức kinh doanh theo hướng rõ ràng, minh bạch. Mặt khác, rất cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế các quốc gia có liên quan thực hiện kiểm tra, kiểm chứng, soát xét những thương vụ có dấu hiệu bất minh, truy thu đúng và đủ các khoản thuế trên lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, những vụ việc gian lận thương mại có dấu hiệu hình sự cần được khởi tố, xét xử nghiêm minh.

Trên các báo, có người kêu gọi tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp này, ví dụ như "Uống Coca-Cola là làm nghèo đất nước!", nhưng thiết nghĩ, không một giải pháp nào hữu hiệu hơn là gia tăng sức mạnh của luật pháp, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm chứng và tổ chức truy thu các khoản thuế một cách kịp thời, công bằng, bảo vệ lợi ích của đất nước.


Hoài Quân

Việc chuyển giá - báo lỗ của các doanh nghiệp nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO