Việc không thể không làm!

Cuối tháng 2/2023, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh giao nhiệm vụ, chỉ đạo UBND cấp huyện kiểm tra chấn chỉnh các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản, cụ thể là tại các mỏ cát sỏi, đất các loại… Để công tác kiểm tra được thực hiện thực sự có chất lượng, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh còn giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND cấp huyện nội dung kiểm tra xử lý.

Xem hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày tại Văn bản số 1435/STNMT-KS ngày 13/3/2023 thì công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản rất công phu, toàn diện. Nói toàn diện bởi nội dung kiểm tra bao gồm tất cả các lĩnh vực: Khoáng sản, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, thiết kế mỏ, sử dụng lao động và an toàn lao động; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước; và kết quả khắc phục các hạn chế, vi phạm trong hoạt động khoáng sản theo kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có). Còn khẳng định công tác kiểm tra sẽ rất công phu, là vì ở mỗi lĩnh vực, UBND cấp huyện sẽ phải tổ chức kiểm tra theo từng đầu mục được Sở Tài nguyên và Môi trường tách bạch cụ thể, chi tiết.

Khai thác cát trên sông Lam. Ảnh: Tiến Hùng
Khai thác cát trên sông Lam. Ảnh: Tiến Hùng

Như với lĩnh vực khoáng sản, có đến 11 đầu mục cần kiểm tra như: Kiểm tra công suất khai thác so với công suất cho phép trong giấy phép; việc lắp đặt hệ thống camera, trạm cân giám sát sản lượng khai thác thực tế, sổ sách chứng từ liên quan đến kiểm soát sản lượng; việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản khu vực được phép khai thác; việc cắm mốc khu vực được cấp phép khai thác và việc quản lý mốc giới khu vực khai thác; kiểm tra việc khai thác ngoài phạm vi ranh giới cấp phép… Hay lĩnh vực thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đối với Nhà nước, UBND cấp huyện sẽ kiểm tra các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện các nghĩa vụ thuế (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí nước thải công nghiệp…); ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản (tổng số lần ký quỹ, số lần ký quỹ); đồng thời, kiểm tra cả việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với địa phương và người dân sinh sống gần khu vực mỏ. Gọn lại, để được kiểm tra như Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, UBND các huyện cần phải huy động nhân lực từ nhiều phòng, ban và đơn vị có liên quan.

Một khu vực khai thác cát. Ảnh tư liệu: T.H
Một khu vực khai thác cát. Ảnh tư liệu: T.H

Lắng nghe từ phía các huyện sau hơn 1 tháng Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản số 1435/STNMT-KS, thì đang có sự chậm. Tiếp cận, tìm hiểu ở một vài huyện, được giải thích công tác kiểm tra khoáng sản trên địa bàn là một hoạt động có tính thường niên. Công tác kiểm tra năm 2022 mới kết thúc một thời gian chưa dài, nay lại tiếp tục kiểm tra, có thể khiến doanh nghiệp phàn nàn, cho rằng cơ quan Nhà nước gây khó, nên thư thư thêm ít lâu… Thực sự, giải thích như vậy cũng có lý, có tình.

Nhưng dù vậy, các huyện cần nhìn lại kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành được thành lập tại Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh, để thấy chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh là cần thiết, cấp thiết. Cụ thể, chỉ với 13 doanh nghiệp được kiểm tra, tổng số tiền xử phạt, truy thu, và doanh nghiệp khai nộp thêm trong thời gian Đoàn kiểm tra là hơn 44 tỷ đồng; trong đó, riêng xử phạt, truy thu vi phạm về lĩnh vực thuế là trên 18,3 tỷ đồng.

Kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải
Kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành còn chỉ ra rất nhiều những tồn tại, vi phạm của các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản như: Sử dụng đất làm khu vực văn phòng mỏ và bãi thải nhưng chưa thực hiện thuê đất; chưa lắp đặt trạm cân; lập nhưng không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm; một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất cho phép, khai thác vượt ranh giới được cấp phép, vi phạm về thiết kế mỏ, xây dựng tường rào không đúng tiêu chuẩn đối với kho vật liệu nổ, chưa tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, tập huấn an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ, chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp… Và đáng nói nhất, là cả 13 doanh nghiệp được kiểm tra đều có vi phạm về lĩnh vực thuế!

Hơn nữa, lĩnh vực khoáng sản luôn ẩn hiện nhiều phức tạp, luôn có những vi phạm, sai phạm mà người làm công tác quản lý nhà nước sẽ không thể nào ngờ tới. Một ví dụ cụ thể như mới đây, vào đầu tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Đông Nam hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ rú Dứa (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) vượt trữ lượng cho phép trên 300.000m3.

Hiện trường tại khu vực điểm mỏ núi Dứa (thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) của Công ty TNHH Đông Nam. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn
Hiện trường tại khu vực điểm mỏ núi Dứa (thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc) của Công ty TNHH Đông Nam. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

Vì vậy, cấp ủy và chính quyền các huyện nên thận trọng đánh giá lại công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản ở cả hai cấp trên địa bàn. Để từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Xin khẳng định đây là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, không thể chậm trễ. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng vừa mới có chỉ đạo UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tại Văn bản số 2547/VPCP-CN, ngày 14/4/2023: “Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý”.